Đại hội đồng cổ đông Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR): Tái cấu trúc và niêm yết trên HNX

(ĐTCK) Ngày 26/5 tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã thông qua việc niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội.
Đại hội đồng cổ đông Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR): Tái cấu trúc và niêm yết trên HNX

Tổng giám đốc BSR Bùi Minh Tiến cho biết, năm 2019 là năm khó khăn của ngành công nghiệp lọc hóa dầu khi giá dầu biến động và khoảng chênh lệch giá giữa sản phẩm và dầu thô (crack margin) bị thu hẹp rất nhiều so với dự báo. Tuy nhiên, BSR đã vượt qua khó khăn, duy trì công tác vận hành nhà máy ổn định ở 107% công suất thiết kế; sản lượng đạt hơn 6,9 triệu tấn, vượt 7% so kế hoạch; BSR đạt 102.824 tỷ đồng doanh thu hợp nhất; nộp ngân sách đạt 10.321 tỷ đồng, vượt 12% so kế hoạch và đạt 2.873 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Riêng chỉ tiêu sản lượng, BSR đã “về đích sớm” 26 ngày.

Nhưng sang tháng 2, 3 và tháng 4/2020, dịch Covid-19 bùng phát kết hợp với cuộc khủng hoảng giá dầu khiến BSR gặp rất nhiều khó khăn, tồn kho của Nhà máy có thời điểm trên 90%. Kết quả sản xuất kinh doanh của BSR trong quý I/2020 bị tổn thất nặng nề, lợi nhuận không đạt như kế hoạch đề ra.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020, BSR đề ra với sản lượng đạt 5,56 triệu tấn; doanh thu là 80.685 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước khoảng 7.404 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.185 tỷ đồng.

Đây là kịch bản kinh doanh với giá dầu ở mức 60 USD/thùng. Nay giá dầu đã tuột dốc và có thời điểm về dưới 20 USD/thùng, nên tại đại hội lần này, ông Tiến đề nghị các cổ đông thảo luận kỹ, chi tiết, đề ra các giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm với mục tiêu Nhà máy hoạt động an toàn, ổn định, nhanh chóng khôi phục hiệu quả sản xuất kinh doanh, duy trì đóng góp cho ngân sách.

Theo ông Bùi Minh Tiến, các giải pháp để BSR vượt “bão kép” của dịch Covid-19 và suy giảm giá dầu gồm duy trì và đảm bảo nhà máy vận hành an toàn, liên tục và ổn định ở công suất tối ưu; Tập trung rà soát để cắt giảm, dừng, giãn các khoản chi phí mua sắm vật tư, trang thiết bị, thuê dịch vụ; Chủ động tìm kiếm đối tác, thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm của Công ty; Thực hiện thành công đợt bảo dưỡng tổng thể lần 4 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đảm bảo chất lượng, rút ngắn tiến độ, an toàn và giảm thiểu chi phí phát sinh; Linh hoạt trong công tác mua dầu thô và bán sản phẩm; linh hoạt giữa mua dầu thô trong nước và nhập khẩu; Linh hoạt về cơ chế, chính sách bán sản phẩm đảm bảo lợi ích tối đa cho Công ty; Tối ưu hoá tỷ lệ mua, bán giữa hợp đồng term và hợp đồng spot; tăng cường mua spot dầu thô tại những thời điểm thích hợp để tận dụng tối đa cơ hội mua dầu giá thấp.

Trọng tâm trong năm 2020 của BSR là thực hiện thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại BSR. Đồng thời, thực hiện việc thoái phần vốn của BSR tại các đơn vị theo phương án tái cấu trúc đã được phê duyệt.

ĐHĐCĐ đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu BSR trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2020 khi đủ điều kiện. Việc niêm yết trên sàn chứng khoán lớn sẽ giúp cổ phiếu BSR có cơ hội giao dịch sôi động trên thị trường, đồng thời thực hiện việc thoái vốn trên sàn giao dịch theo kế hoạch.

Nhiều cổ đông đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển trong những năm tới. Trong đó, có những nội dung về lộ trình niêm yết cổ phiếu lên các sàn chứng khoán mới; kế hoạch kinh doanh năm 2020 dựa trên các kịch bản của giá dầu trong những tháng còn lại của năm; Dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang triển khai đến giai đoạn nào…

Với tư cách cổ đông lớn nhất, ông Lê Xuân Huyên, Phó tổng giám đốc PVN lưu ý BSR trong năm 2020 một số nội dung như cần tiếp tục đẩy mạnh tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, thực hành tiết kiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thường xuyên cập nhật các giải pháp của PVN để vượt qua cơn bão kép, lấy lại những gì đã tổn thất; BSR tiếp tục tối ưu công suất, đẩy mạnh xuất hàng…

T.N

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục