Các cổ đông cho rằng, để tránh phát sinh các tin đồn về sân sau, các vấn đề mâu thuẫn quyền lợi trong nội bộ, Công ty Coteccons cần lên phương án sáp nhập các công ty liên quan hình thành một Coteccons thống nhất.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Thành viên HĐQT CTD, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu chỉ ra các điểm khác biệt của CTD khi so sánh với 1.000 thành viên của Hiệp hội đó là, Công ty không vay nợ ngân hàng, chi phí tài chính bằng 0; nợ khó đòi của Coteccons chỉ có 200 tỷ đồng, là con số lý tưởng; giá chào thầu luôn cao hơn các đơn vị khác từ 3-5%, nhưng Coteccons vẫn chiếm được các hợp đồng giá trị lớn và các chủ đầu tư vẫn lựa chọn CTD làm các công trình sau chứng tỏ uy tín của CTD.
Mặc dù CTD có chế độ đãi ngộ rất tốt, nhưng chi phí tiền lương của toàn bộ máy chiếm 6,5% tổng doanh thu, trong đó chi phí cho bộ máy quản lý chiếm 1,6% tổng doanh thu, là tỷ lệ rất cạnh tranh trong ngành xây dựng.
Coteccons và công ty con Unicons có 2.250 kỹ sư làm ra doanh thu 27.000 tỷ đồng một năm, tương đương mỗi kỹ sư làm 12 tỷ đồng doanh thu, là năng suất rất đáng ngưỡng mộ.
Ngoài ra, CTD có hệ thống quản lý chặt chẽ xuyên suốt từ trên xuống dưới, có sự khác biệt ngay trong cách quản lý công trình chứ không giao khoán nên đảm bảo chất lượng dự án.
Theo ông Hiệp, với một công ty đầy tiềm năng mà giá trị cổ phiếu lại sụt giảm tới gần 40% từ cuối 2017 đến nay, thì HĐQT cần có trách nhiệm nhìn xem mình đóng góp như thế nào cho sự phát triển của Công ty trong thời gian tới.
Trong phần thảo luận, ý kiến nhiều cổ đông tập trung vào phân tích lý do khiến giá cổ phiếu CTD giảm mạnh. Cổ đông mã số 3781 cho biết, có tin đồn về mâu thuẫn nội bộ ở CTD khi một phó tổng giám đốc ra thành lập công ty riêng Centrol Cons.
Cổ đông đại diện cho Dragon Capital, tổ chức tham gia vào đợt phát hành riêng lẻ năm 2016, giá 150.000 đồng/cổ phiếu và hiện nay đang bị lỗ phát biểu: “Dưới góc nhìn tổ chức, tôi thấy lợi nhuận biên của Công ty tốt, nhưng có vấn đề chúng tôi không thích, là một công ty có nhiều công ty liên quan mà không sở hữu. Chúng tôi muốn Cotecons là One Coteccons”.
Tương tự, cổ đông Nguyễn Thành Tâm, đại diện Havana tham gia mua đợt phát hành riêng lẻ năm 2016 đề nghị, đoàn chủ tịch cần có báo cáo về việc sáp nhập các công ty có quyền lợi liên quan để hình thành một tập đoàn không có mâu thuẫn về quyền lợi. Đại hội nên ủy quyền cho HĐQT thuê công ty tư vấn quốc tế định giá các công ty liên quan để đưa ra phương án sáp nhập trình ĐHCĐ thông qua.
Đại diện quỹ Dragon Capital cũng đề nghị, lợi nhuận biên quý I tương đối tốt hơn các công ty ngành khác, trong khi doanh thu bằng nằm ngoái, vì vậy, Công ty nên cân nhắc nâng kế hoạch lợi nhuận lên một chút.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTD trả lời, Công ty đã phát triển thời gian dài và phát triển rất nhanh, vì thế cần chú ý đời sống cán bộ công nhân viên, lợi ích của chủ đầu tư và chiến lược phát triển.
“Vấn đề này, chúng tôi đã bàn rất nhiều. Năm 2017, chúng tôi làm ra lợi nhuận rất tốt. Ngành xây dựng cả thế giới bình quân lợi nhuận 3% doanh thu, CTD đã làm tốt hơn rất nhiều. Năm nay, CTD để con số thấp hơn, vì chúng tôi muốn để con số hợp lý chứ không phải để đánh bóng. Năm ngoái, một cổ đông lớn đã yêu cầu chúng tôi đặt con số lợi nhuân cao để rồi không đạt được, lần đầu tiên không hoàn thành kế hoạch. Năm nay, chúng tôi đặt kế hoạch để phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch”.
Về vấn đề sáp nhập, ông Dương khẳng định: “Tôi muốn sáp nhập các công ty liên quan để Coteccons phát triển mạnh hơn và bền vững, Coteccons là hơi thở của tôi. Sáp nhập để phát triển là xu hướng trên toàn thế giới. Nếu sáp nhập được giá cổ phiếu sẽ tăng”.
Đại diện cổ đông lớn Kusto, chiếm 34% cổ phần CTD cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn đồng thuận với phương án sáp nhập, nhưng cần phải suy xét kỹ các lựa chọn và các giải pháp để đảm bảo lợi ích cho cổ đông, cũng như công ty và cần có thời gian để các cổ đông bỏ phiếu”.
Ông Dương cũng nhất trí cần có hội nghị bàn về vấn đề sáp nhập, nhưng bản thân cổ đông của CTD có sẵn sàng không hay sợ sáp nhập làm giảm tỷ lệ sở hữu, mất quyền phủ quyền ở công ty. Thực tế, có những thư chào bán cổ phiếu số lượng lớn gửi cho các quỹ đầu tư lớn.
Một cổ đông tổ chức đặt câu hỏi, có phải Kusto lấy hồ sơ tài chính của CTD chào bán cổ phần dưới tên một công ty khác, trong khi đó cá nhân ông Talgat đại diện Kusto lại mua vào cổ phiếu CTD?
Đại diện Kusto khẳng định: “Kusto muốn bán không, câu trả lời là không. Từ năm 2012 chúng tôi trở thành cổ đông chiến lược và chưa bán cổ phiếu nào".
Các cổ đông cũng đề nghị nâng cổ tức nâng cổ tức lên 50% bằng tiền mặt.
Theo nguyện vọng của cổ đông, chủ tọa đã nhất trí sẽ điều chỉnh kết hoạch kinh doanh với doanh thu lên 28.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên 1.500 tỷ đồng và cổ tức lên 50%.
ĐHCĐ đã nhất trí ghi nhận trong biên bản ĐHCĐ về việc HĐQT sẽ xây dựng phương án sáp nhập công ty liên kết, công ty vệ tinh trong group để trình đại hội trong thời gian ngắn nhất.
Ông Dương cho biết, nếu sáp nhập tất cả các công ty thành viên Coteccons sẽ trở thành một tập đoàn tư nhân lớn, tầm nhìn đến năm 2020 doanh thu tầm 3 tỷ USD là trong tầm tay, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng.
"Chưa bao giờ Coteccons có cơ hội phát triển lớn như hiện nay", ông Dương khẳng định.