Phía sau con số lợi nhuận khủng quý I

(ĐTCK) Quý I/2018, nhiều doanh nghiệp đã báo cáo kết quả kinh doanh với lợi nhuận ở mức cao. Tuy nhiên, phía sau những con số này, không hẳn đều là câu chuyện được cổ đông đánh giá tích cực.
Phía sau con số lợi nhuận khủng quý I

Coteccons: Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018 của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD), trong quý, Công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 4.311 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 290,26 tỷ đồng. Với kết quả này, thu nhập cơ bản trên mỗi cổ phiếu CTD chỉ sau 1 quý là 3.529 đồng.

So với cùng kỳ năm 2017, với doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lần lượt là 4.361 tỷ đồng và 300 tỷ đồng, doanh thu của Coteccons có dấu hiệu chững lại, lợi nhuận sụt giảm nhẹ. Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì khiến nhà đầu tư cảm nhận bước đi ngập ngừng, thậm chí… đi lùi của Coteccons.

Báo cáo chi tiết cho thấy, trong quý I/2018, mảng xây dựng - hoạt động chủ đạo của Công ty sụt giảm nhẹ về doanh số và biên lợi nhuận gộp giảm mạnh. Cụ thể, trong quý này, Coteccons hạch toán 4.301 tỷ đồng doanh thu, tỷ lệ giá vốn hoạt động xây dựng trên doanh thu ở mức 93,51%, tương đương tỷ lệ lợi nhuận gộp trên doanh thu là 6,49%. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, doanh thu xây dựng của Coteccons là gần 4.356 tỷ đồng và tỷ lệ lợi nhuận gộp trên doanh thu là 8,7%.

Biên lợi nhuận gộp là một chỉ số quan trọng khi xem xét lợi nhuận của doanh nghiệp. Nó cho biết số tiền lãi mà công ty kiếm được trong một khoảng thời gian nhất định. Đây cũng là một yếu tố cơ bản đại diện cho khả năng sinh lời và sức cạnh tranh của công ty. Do đó, việc biên lợi nhuận gộp của Coteccons đi xuống chắc chắn không thể khiến cổ đông hài lòng.

Bên cạnh đó, trong khi biên lợi nhuận gộp giảm, thì chi phí quản lý của Coteccons lại tăng mạnh trong quý I, với chi phí hạch toán là 135,5 tỷ đồng, so sánh với cùng kỳ năm 2017 là 94,7 tỷ đồng.

Với các yếu tố này, lợi nhuận của Coteccons có thể đã bị sụt giảm đáng kể so với quý I/2017, nếu không có tăng thu nhập từ hoàn nhập chi phí công trình phải trả lớn hơn chi phí thực tế phát sinh (tăng gần 43 tỷ đồng so với cùng kỳ), thu nhập từ lãi tiền gửi tăng gần 19 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của Coteccons tại thời điểm 31/3/2018 vẫn tiếp tục tăng lên so với quý trước đó, với mức tăng khoảng 400 tỷ đồng so với đầu năm 2018, dự báo về khả năng Công ty sẽ hạch toán tăng doanh thu trong tương lai. Tuy nhiên, với việc tỷ lệ lợi nhuận gộp của Công ty giảm dần kể từ năm 2017 đến nay (2016, biên lợi nhuận gộp mảng xây dựng trên báo cáo tài chính hợp nhất là 8,6%, 2017 là 7,4% và quý I/2018 là 6,49%), cổ đông có thể sẽ cảm thấy chút e dè, khi đưa ra dự báo về hiệu quả kinh doanh, cũng như cơ hội tăng trưởng lợi nhuận của Coteccons trong năm 2018.

NLG: Lợi nhuận tăng chưa xứng kỳ vọng

Quý I/2018 đánh dấu bước tăng trưởng mạnh của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG) khi doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của Công ty tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, trong quý đầu năm 2018, Nam Long đạt 539 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận gộp 181 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 31,7 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, Công ty đạt 256 tỷ đồng doanh thu, 81 tỷ đồng lợi nhuận gộp và 21,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tăng trưởng mạnh về hiệu quả kinh doanh, nhưng nếu xét trên quy mô vốn điều lệ hiện tại là 1.572 tỷ đồng, thì kết quả kinh doanh quý I/2018 vẫn còn quá thấp.

Mặc dù vậy, điều khiến nhà đầu tư có thể lạc quan hơn về cơ hội tăng trưởng kết quả kinh doanh trong thời gian tới của Nam Long chính là việc Công ty đang có số dư hàng tồn kho và số dư tiền người mua trả trước theo tiến độ lớn.

Cụ thể, tại ngày 31/3/2018, Nam Long có 3.757 tỷ đồng hàng tồn kho, 1.262 tỷ đồng tiền người mua trả tiền trước ngắn hạn và 324 tỷ đồng doanh thu dài hạn chưa thực hiện. Với kết quả kinh doanh tăng trưởng đều và mạnh qua các năm kể từ năm 2013 đến nay, trong đó lợi nhuận cổ đông công ty mẹ năm 2017 đạt 535 tỷ đồng, Nam Long dường như đang nằm trong kênh tăng trưởng tốt.

Bên cạnh đó, hai điểm cộng lớn của Nam Long so với nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn khác là việc dồi dào tài chính và quỹ đất lớn.

Báo cáo tài chính cho thấy, tại ngày 31/3/2018, Nam Long vay nợ rất ít: 216 tỷ đồng vay ngắn hạn, 228 tỷ đồng vay dài hạn và 471 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi), trong khi số dư tiền và tương đương tiền cộng lên tới 2.082 tỷ đồng và hơn 60 tỷ đồng tiền gửi.

Về quỹ đất, báo cáo tài chính và trả lời cổ đông tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 cũng cho thấy, Nam Long có quỹ đất sạch lớn. Công ty đã tỏ ra khá lạc quan khi dự báo mức thu nhập trên vốn chủ sở hữu (ROE) trong 3 năm 2018, 2019, 2020 lần lượt là 15%, 15% và 18% (trong khi vốn chủ sở hữu của Công ty đang lớn hơn 2 lần vốn điều lệ).

Trong bối cảnh bất động sản phía Nam tăng giá mạnh thời gian vừa qua, các doanh nghiệp có quỹ đất lớn tại khu vực TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Phú Quốc, Nha Trang… được coi là một lợi thế. Tất nhiên, mọi dự báo đều có thể sai, vì dự báo chính xác diễn biến thị trường là điều không thể.

NVL: Bức tranh kinh doanh đang dần lộ rõ

Quý I/2018, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland, mã NVL) có lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính riêng tăng mạnh lên mức 98,5 tỷ đồng, thay vì con số 63,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018 lại giảm mạnh về mức 126 tỷ đồng, thay vì con số 403 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Với vốn điều lệ gần 5.550 tỷ đồng, đây là con số khá thấp, nhưng điều quan trọng hơn trong báo cáo tài chính quý I/2018 của Novaland chính là bức tranh thực trạng kinh doanh đang dần được vẽ ra một cách đầy đủ hơn.

Trong quý I vừa qua, Novaland nhận về gần 523 tỷ đồng thu nhập từ lãi cổ tức. Đây là khoản thu chính của công ty mẹ trong quý I/2018, trong khi doanh thu từ kinh doanh bất động sản gần như không có.

Mảng mang lại doanh thu lớn nhất cho Công ty mẹ trong 3 tháng đầu năm nay chính là tư vấn quản lý doanh nghiệp, tư vấn phát triển dự án và tư vấn bán hàng, nhưng lợi nhuận gộp mang lại cũng chỉ ở mức xấp xỉ 10 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí lãi vay hạch toán của Công ty mẹ Novaland đã tăng mạnh lên mức 385 tỷ đồng.

Trong khi tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018, lợi nhuận của Công ty mẹ sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017. Điều này chưa hẳn đã đáng buồn, nếu nhìn vào yếu tố tạo nên lợi nhuận của Novaland quý I/2017.

Theo đó, cùng kỳ năm ngoái, Novaland hạch toán 347 tỷ đồng đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Cảng Phú Định khi hợp nhất kinh doanh từng giai đoạn. Con số này của quý I/2018 là 0 đồng.

Chi phí lãi vay quý I/2018 cũng tăng rất mạnh từ mức 202 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên 388 tỷ đồng, đi kèm với chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng. Do đó, nếu loại bỏ yếu tố lợi nhuận bất thường, kết quả kinh doanh hợp nhất của Novaland không thay đổi quá lớn.

Một điểm cộng cho tình trạng tài chính của Novaland là việc số dư người mua trả tiền trước của Công ty đã tăng mạnh lên mức 10.401 tỷ đồng vào cuối quý I/2018, đi kèm với đó là nợ dài hạn giảm được 1.000 tỷ đồng (nhưng nợ ngắn hạn đã tăng thêm gần 1.800 tỷ đồng so với cuối năm 2017).

Khả năng bán hàng của Novaland rất tốt, nên con số 28.600 tỷ đồng hàng tồn kho có thể không phải là vấn đề lớn.                 

Trúc Chi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục