Đại hội đồng cổ đông ACB: Trả cổ tức bằng cổ phiếu 25%, không thoái vốn khỏi ACBS

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 của ACB được tổ chức sáng 6/4/2021 thông qua kế hoạch kinh doanh 2021 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.602 tỷ đồng, tăng 10%. 
Đại hội đồng cổ đông ACB: Trả cổ tức bằng cổ phiếu 25%, không thoái vốn khỏi ACBS

Mục tiêu 10.602 tỷ đồng, quý I đạt 3.100 tỷ đồng

Tại Đại hội, HĐQT ACB trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với các chỉ tiêu đều tăng trưởng, như tổng tài sản tăng 10%, tiền gửi khách hàng và tín dụng đều tăng 9%.

Lợi nhuận trước thuế khoảng 10.602 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với kết quả năm 2020. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 8.482 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Dự kiến sau khi trích lập các quỹ cho năm 2021, ACB sẽ còn hơn 7.009 tỷ đồng và sẽ dùng gần 6.755 tỷ đồng để chia cổ tức cho năm 2021 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu.

Theo số liệu của ACB, đến cuối tháng 3/2021, tổng tài sản Ngân hàng đạt 447.000 tỷ tỷ đồng; tín dụng đạt 311.000 tỷ đồng, tăng hơn 4%; huy động đạt 352.000 tỷ đồng.

Chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu tăng vốn

Tại Đại hội, ACB đã trình cổ đông thông qua tỷ lệ cổ tức 2020 ở mức 25% bằng cổ phiếu để tăng vốn lên 27.019 tỷ đồng.

Cụ thể, ACB dự định phát hành thêm hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, nguồn vốn từ lợi nhuận để lại sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại để chia tính đến 31/12/2020. Với vốn điều lệ hiện tại gần 21.616 tỷ đồng, nếu phát hành thành công, ACB sẽ nâng tổng mức vốn điều lệ dự kiến lên 27.019 tỷ đồng.

Theo HĐQT ACB, việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn đối với Ngân hàng, tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ, thêm nguồn vốn để cải tạo, đều tư các dự án chiến lược trong năm 2019 - 2024.

Tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại ACB.
Tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại ACB.

Sau khi tăng vốn thành công, Dragon Financial Holdings Limited vẫn là cổ đông lớn duy nhất của ACB với tỷ lệ sở hữu 6,92%. Nhưng hiện room ngoại tại ACB đã được lấp đầy ở mức tối đa 30% theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP.

Phần thảo luận của cổ đông và HĐQT, Ban điều hành ACB

Đối với Công ty Chứng khoán ACBS, ACB có kế hoạch bán vốn hay không?

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB: Với ACBS, thì ACB khẳng định không thoái vốn và Ngân hàng đang tìm thêm đối tác để hợp tác chiến lược.

ACBS tăng vốn cũng phải đem lại hiệu quả cho cổ đông, nên ACB cũng phải cân nhắc kỹ vấn đề này. ACB tìm kiếm đối tác chiến lược để tối ưu hóa lợi ích cho cổ đông ACBS.

ACB có tìm kiếm đội ngũ kế thừa?

Đội ngũ kế thừa tại ACB cũng đang từng bước được Ngân hàng chuẩn bị. ACB chuẩn bị cả về kế hoạch kế thừa ban lãnh đạo của như điều hành. Đồng thời, ACB tiếp tục tìm kiếm nhân tài, chất xám để đưa Ngân hàng phát triển.

Ngân hàng có quan tâm đến chiến lược M&A?

M&A cũng đang được ACB quan tâm để từng bước đẩy mạnh tăng trưởng. Nhưng M&A mà ACB quan tâm ở đây không phải là vấn đề mua đứt, bán đoạn, mà trên tinh thần hợp tác giữa hai bên để cùng nhau phát triển.

Kết quả kinh doanh quý I/2021 của ACB?

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB: Theo số liệu của Ngân hàng đến cuối tháng 3/2021, tổng tài sản ACB đạt 447.000 tỷ tỷ đồng; tín dụng đạt 311.000 tỷ đồng tăng hơn 4%; huy động đạt 352 nghìn tỷ đồng.

Lợi nhuận quý I là 3.100 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1%.

Trong quý I/2021 dịch bệnh tạm ổn, nhưng chúng ta cũng không thể xác định được khi nào dịch sẽ hết.

Tác động của dịch Covid-19 và ACB đã đẩy mạnh tái cơ cấu nợ cho khách hàng ra sao?

Tác động của Thông tư 01 là khá nghiêm trọng, nhất là với các lĩnh vực du lịch, hàng không. Tổng số dư nợ ACB tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng là 9.000 tỷ đồng trên 311.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 1.000 tỷ đồng dư nợ tái cơ cấu trong tổng dư nợ cho vay 9.000 tỷ đồng mà ACB tái cơ cấu cho khách hàng.

Tỷ lệ cho vay tín chấp của ACB ra sao?

Trong hoạt động cho vay tín chấp của ACB, phần lớn chỉ cho vay tín chấp đối với khách hàng cá nhân, nhất là với sản phẩm thẻ tín dụng và doanh nghiệp, nhưng chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng dư nợ của ACB.

Trích lập dự phòng của ACB thế nào?

Trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19, nhất là đối với lĩnh vực du lịch, ACB đã tăng trích lập dự phòng đầy đủ để tăng khả năng an toàn tài chính cho ngân hàng.

Thu nhập về chứng khoán đầu tư của ACB năm rồi khả quan, chiến lược năm nay?

Trong tháng 4/2020, ACB đã tận dụng được cơ hội đầu tư vào trái phiếu chính phủ thu về 700 tỷ đồng.

ACB là một trong những ngân hàng đang nắm lượng trái phiếu chính phủ lớn, khoảng 6.000 tỷ đồng. Vì vậy, ACB cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở kênh đầu tư này.

Còn với trái phiếu doanh nghiệp và chiến lược kinh doanh của ACB ở mảng này?

Phần lớn các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lớn.

Trong khi đó, chủ trương của ACB là tập đẩy mạnh bán lẻ, do đó ngân hàng tập trung vào khách hàng cá nhân, thay vì tập trung vào trái phiếu doanh nghiệp.

Đây cũng là lĩnh vực khá rủi ro, cộng thêm NHNN cũng đưa ra cảnh báo về việc kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực có rủi ro, nhất là với lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, HĐQT ACB cũng sẽ xem xét và không loại trừ tìm kiếm cơ hội ở lĩnh vực này khi thị trường thuận lợi.

Chiến lược của ACB phát triển ở thị trường phía Bắc trong thời gian tới?

ACB ở phía Bắc cũng đang từng bước tăng trưởng và nhất là đối với ở thị trường Hà Nội, đã có mức tăng trưởng khá trong thời gian gần đây, nhất là trong quý I.

ACB sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh các sản phẩm cho khách hàng, nhất là với khách hàng cá nhân và SME.

Về số hóa, chiến lược của ACB trong thời gian tới?

ACB đã có sự đầu tư mạnh trong những năm qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Hy vọng năm 2021 sẽ có các bước đột phá mới về số hóa.

Nợ xấu của ACB đưa ra mục tiêu năm nay là dưới 1%, có khả thi?

Tỷ lệ nợ xấu của ACB 2020 được kiểm soát dưới 1% và mục tiêu Ngân hàng cũng kiểm soát nợ xấu dưới 1% trong năm 2021 nếu tình hình thị trường thuận lợi. Nếu tình hình diễn biến như hiện nay thì ACB sẽ kiểm soát được nợ xấu dưới mức 1%.

Chiến lược kinh doanh của ACB trong thời gian tới?

Trong chiến lược tăng trưởng từ nay đến hết năm 2024, ACB tiếp tục đẩy mạnh phân khúc khách hàng cá nhân & SME. Mục tiêu đưa ra của ACB là mỗi năm tăng trưởng khoảng 1 triệu khách hàng ở mỗi phân khúc.

Để phục vụ khách hàng tốt hơn, ACB sẽ gia tăng sản phẩm, nhằm phục vụ tốt nhất cho từng đối tượng khách hàng ở mỗi phân khúc khác nhau.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục