hành công của Đại hội trước hết là đã bầu thành công Ban Chấp hành Trung ương gồm các đồng chí tiêu biểu cho hơn 4,5 triệu đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ và đạo đức gánh vác trọng trách nặng nề do Đảng và nhân dân giao phó. Đại hội đã thông qua các quyết sách quan trọng cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, với mục tiêu tiếp tục thực hiện đồng bộ và toàn diện công cuộc Đổi mới, sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Một điều có thể khẳng định, thành công tốt đẹp của Đại hội XII sẽ cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vượt qua thách thức, tranh thủ thời cơ, cơ hội mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Sau hơn 8 ngày làm việc, Đại hội XII đã thực sự trở thành kỳ đại hội của Dân chủ và Đổi mới. Dân chủ là khi các dự thảo Văn kiện Đại hội được đưa ra lấy ý kiến của đông đảo tầng lớp nhân dân.
Dân chủ trong thực hiện công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội, bầu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII…. Chính vì vậy, Đại hội XII đã được đông đảo nhân dân ủng hộ, tin tưởng.
Dân chủ và Đổi mới khi dám nhìn thẳng sự thật và thừa nhận dù công cuộc Đổi mới 30 năm qua là giai đoạn lịch sử của dân tộc, với nhiều thành tựu to lớn, nhưng Đổi mới vẫn chưa đồng bộ và toàn diện, nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt được. Bởi thế, cần Đổi mới và tiếp tục Đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ hơn.
Đổi mới là khi Đảng xác định phải hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, thực hiện kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại; thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế; tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược là thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực…
Tất cả là vì lợi ích quốc gia - dân tộc, vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Mục tiêu tổng quát phát triển đất nước giai đoạn tới đã được Đại hội XII xác định rất rõ ràng. Đó là tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đó là kiên định, kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chức độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Đó là giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm (2016 – 2020), Đại hội quyết nghị tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2020 là 3.200 - 3.500 USD; tỷ lệ bội chi ngân sách đến năm 2020% còn 4% GDP; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân đạt 32- 34 GDP trong 5 năm tới…
Đường hướng chiến lược đã được vạch rõ. Mục tiêu cụ thể cũng đã được Đại hội thông qua. Điều quan trọng là phải thực hiện thành công các chiến lược, kế hoạch này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu Bế mạc Đại hội XII cũng đã nhấn mạnh, ngay sau Đại hội, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về kết quả Đại hội, nghiên cứu quán triệt sâu sắc nghị quyết các văn kiện Đại hội, khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch hành động, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước sâu rộng hơn nữa trong các tầng lớp nhân dân, đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.
Tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang quyết tâm cao độ, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội. Thời kỳ phát triển mới, giai đoạn mới, vẻ vang đang mở ra sẽ đưa Việt Nam vững bước đi lên CNXH.