Kết quả ĐHCĐ bất thường đã được dự báo trước là không có bất kỳ tờ trình nào được thông qua, khi nhóm cổ đông lớn chiếm 62,42% vốn cổ phần biểu quyết tại Đại hội (chiếm 60% vốn điều lệ PNC) phủ quyết tất cả.
Như vậy, mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông lớn và nhóm cổ đông nắm quyền điều hành doanh nghiệp PNC mà đại diện là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đương nhiệm, như Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh trong các số báo trước, dự kiến sẽ còn kéo dài.
Các nội dung không được thông qua tại Đại hội là Báo cáo ban giám đốc về kết quả năm 2016 và kế hoạch kinh doanh năm 2017, tờ trình Báo cáo tài chính kiếm toán năm 2016, Báo cáo của Ban kiểm soát, tờ trình ủy quyền cho HĐQT lựa chọn công ty kiểm toán, tờ trình thù lao HĐQT…
Đây là năm thứ 3 các tài liệu nội dung quan trọng tại ĐHCĐ PNC không được cổ đông lớn thông qua.
Tại Đại hội, chỉ có duy nhất Biên bản ĐHCĐ là nhóm cổ đông lớn không thể phủ quyết, bởi sau khi được đọc và chỉnh sửa theo góp ý của các cổ đông, Chủ tọa là bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch HĐQT PNC không cho tiến hành bỏ phiếu thông qua, thay vào đó kết luận rằng: “Nếu các cổ đông không có thêm ý kiến thì coi như Biên bản Đại hội đã được thông qua”.
Theo các luật sư được nhóm cổ đông lớn là Công ty Thành Vinh và Trường Phát sở hữu 47% vốn cổ phần và một cá nhân sở hữu 10,24% ủy quyền tham dự Đại hội, việc không tiến hành bỏ phiếu thông qua Biên bản Đại hội là vi phạm luật.
Mặt khác, PNC cũng không có dự thảo Nghị quyết ĐHCĐ, cũng như không đọc để thông qua tại Đại hội. Đại diện nhóm cổ đông lớn PNC bình luận: “Có nhiều điểm không bình thường, thậm chí là trái luật trong quy trình, cách thức tổ chức, điều hành ĐHCĐ của Công ty”.
Một trong những điểm đó là HĐQT không có Báo cáo HĐQT trình ĐHCĐ. Nhóm cổ đông lớn đã kiến nghị bổ sung tài liệu này nhưng bà Lệ cho rằng, vì các báo cáo không được thông qua từ các kỳ trước nên HĐQT không thể có báo cáo trong kỳ này.
Bên cạnh đó, nhóm cổ đông lớn cũng kiến nghị, các cổ đông đề cử thành viên HĐQT trong cuộc họp lần trước không được quyền đề cử tiếp trong kỳ họp này.
Tuy nhiên, theo bà Lệ, không có quy định nào giới hạn điều này nên tiếp tục đề cử một ứng viên HĐQT là ông Lê Lâm Viên. Theo quy định bầu dồn phiếu, ông Lê Lâm Viên được bầu vào thành viên HĐQT của PNC.
Bà Lệ cho biết, khi cổ đông lớn không đề cử thành viên HĐQT, Công ty sẽ tiếp tục tổ chức ĐHCĐ bất thường để bầu bổ sung thành viên HĐQT còn thiếu và thay vì bầu 7 thành viên như dự kiến có thể sửa đổi quy chế bầu cử, rút xuống còn 5 thành viên.
Khi đó, HĐQT cũ mà bà Lệ đang làm Chủ tịch sẽ bàn giao công việc cho HĐQT mới, trong đó có bà Lệ.
Trước diễn biến này, đại diện Công ty Thành Vinh nhấn mạnh: “Trong thời gian chờ tòa xem xét thụ lý vụ kiện hủy Nghị quyết ĐHCĐ thường niên vừa qua, kiến nghị PNC tạm thời ngừng tổ chức ĐHCĐ gây lãng phí và HĐQT cũ vẫn tiếp tục hoạt động”.
Theo nhóm cổ đông lớn, với quy định bầu dồn phiếu, họ sẽ không thể phủ quyết bầu thành viên HĐQT. Tuy nhiên, nếu Biên bản không được thông qua thì kết quả bầu cũng không có giá trị.
Đây là lý do vì sao Chủ tọa Đại hội là bà Lệ không cho bỏ phiếu thông qua Biên bản cũng như Nghị Quyết ĐHCĐ.
Về tình hình hoạt động kinh doanh, theo báo cáo của ông Nguyễn Hữu Hoạt, Tổng giám đốc PNC, năm 2016, doanh thu đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đạt 542 tỷ đồng so với 430 tỷ đồng năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt 3,5 tỷ đồng, tăng 40% so với mức 1,5 tỷ đồng năm trước đó.
Chưa kể, PNC đã xây dựng được thương hiệu Phương Nam rất vững vàng trên thị trường nhà sách. Đây là cố gắng lớn của Ban điều hành trong bối cảnh các tờ trình đều không được thông qua. Năm 2017, PNC đặt kế hoạch doanh thu 600 tỷ đồng và lợi nhuận 10 tỷ đồng.
Ông Hoạt cảnh báo, nếu cổ đông lớn vẫn tiếp tục không thông qua các tài liệu, tờ trình sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của Công ty, cũng như việc làm của hơn 1.000 lao động.
Tuy nhiên, các cổ đông lớn cho rằng, việc phủ quyết các tờ trình ĐHCĐ của họ không tác động nhiều đến hoạt động sản xuất - kinh doanh bởi tất cả đều do đội ngũ quản lý điều hành hiện nay thực hiện và Công ty đã thua lỗ từ các năm trước khi bị cổ đông lớn phủ quyết các tờ trình.
Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin về những tranh chấp và mẫu thuẫn giữa cổ đông lớn với cổ đông nắm quyền điều hành tại PNC trong các số báo tới.