Từng là cậu bé bán báo lề đường kiếm sống, ông Đinh Công Tường trải qua bao thăng trầm của cuộc đời để trở thành ông “vua” đồ cổ với những vưu vật vô giá, “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.
Từ cậu bé bán báo…
Nhắc đến người sưu tầm đồ cổ, khắp từ Bắc chí Nam không ai không biết đến cái tên Đinh Công Tường (SN 1968, ngụ phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM). Với gần 30 năm lặn lội khắp nơi sưu tầm đồ cổ, đến nay, ông đã có gia tài đồ sộ gồm hơn 100.000 món cổ vật từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ 20, chất kín trong căn nhà 3 tầng rộng gần 1.000m2. Những ngày cuối năm, ông Tường bận rộn với việc sắp xếp lại những cổ vật mình mới sưu tầm được cùng các chuyến đi tỉnh phát quà cho người nghèo nên việc hẹn gặp ông không dễ.
Ông Tường cho hay, mình sinh ra trong gia đình cách mạng. Sau giải phóng, ông theo bố vào Nam ở tại căn nhà nhỏ trên đường Phó Đức Chính, quận 1, TPHCM. Thời đó, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên ngoài giờ đi học, ông đi bán báo, bán than kiếm thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ.
Sau gần 10 năm bám trụ đất Sài Gòn đầy bon chen với đủ nghề mưu sinh nhưng không khá lên được, ông về quê đi làm mướn. Sau đó tình nguyện đi bộ đội, tham gia chiến trường Campuchia. Đến năm 1991, ông xuất ngũ trở lại Sài Gòn nhưng cũng không xin được việc phải đi đẩy rác, làm nhà in rồi đi bán đồng hồ chợ trời, sửa xe hơi…
Mỗi căn phòng đều được ông xếp cổ vật kín mít từ dưới nền lên nó.
Đến khối tài sản kếch xù
Chính vì tuổi trẻ lăn lộn với đủ nghề nên ông Tường có cơ hội làm quen với giới buôn cây cảnh, đồ cổ. Qua những câu chuyện vỉa hè, với ý chí của chàng trai trẻ không cam chịu số phận, một lần nữa ông quyết định bỏ nghề bán đồng hồ để đi buôn cây cảnh và thay đổi cuộc đời mình một cách ngoạn mục.
Ông Tường kể, trong lần về quê nội ở Bến Tre, ông được người thân cho một vài cây cảnh đem lên Sài Gòn chưng chơi. Nhờ mối quen biết với giới chơi cây cảnh, ông nhanh chóng học hỏi cách chăm bón, uốn nắn cây cảnh của các nghệ nhân. Chỉ một thời gian ngắn, những chậu cảnh của ông lại có nhiều người đến hỏi mua với giá cao chót vót. Từ đó cuộc đời ông bước sang trang mới.
Từ nguồn vốn ít ỏi, ông Tường bắt đầu nhân rộng mô hình, mở rộng quy mô trồng và chăm sóc cây cảnh, cung cấp cây cảnh cho nhà hàng, biệt thự và cả những resort sang trọng. Khối tài sản của ông nhờ đó ngày càng tăng. “Theo nghề cây cảnh một thời gian dù mình chưa giàu có hơn ai nhưng gia đình đã thoát được cảnh sống thiếu thốn, chật vật trước đây”.
Từ cây cảnh, ông có nguồn vốn rồi cùng với những người bạn chí cốt lập công ty chuyên buôn bán dây cáp, băng chuyền. Cũng thời gian này, ông ngược xuôi các vùng miền của đất nước, thậm chí đi nước ngoài theo những chuyến xe chở hàng và bắt đầu sưu tầm những món đồ gốm sứ lạ mắt. Trong một lần ra Bắc thăm gia đình ngoại, ông được người dì tặng một chiếc dĩa và một chiếc bát cổ để làm kỷ niệm. Về nhà, càng ngắm càng mê nên ông quyết định bắt đầu sưu tầm đồ cổ để thoả chí đam mê.
Với tính cách của một người năng động, ham học hỏi và cởi mở, ông được nhiều người quý mến và nhanh chóng kết bạn với những bậc tiền bối về đồ cổ, trở thành một trong những người có tiếng với giới sưu tầm. Ông nói: “Để sưu tầm đồ cổ phải có cái duyên, không phải ai muốn cũng làm được. Nhiều khi có tiền nhưng chưa chắc gì người ta bán. Có duyên rồi có khi người ta còn cho không”.
Tượng chì Chăm Pa từ thế kỷ thứ 7.
Theo ông Tường, để có được những món đồ cổ quý giá, ngoài cái duyên người sưu tầm cần có sự kiên nhẫn và chịu khó. Bởi có những món đồ quý giá, ông phải đi lại cả chục lần và thuyết phục chủ nhân của món đồ đó bằng tấm chân tình của mình thì người ta mới bán.
“Khoảng 10 năm trước, trong một lần đi Bến Tre, thấy có chiếc bình cổ thích quá nên mình hỏi chủ nhà để mua. Thấy mình thích, họ thay đổi giá một cách chóng mặt. Từ 80 triệu đồng rồi 150 triệu đồng nhưng khi người vợ đồng ý bán, người chồng lại không chịu. Đến khi hai vợ chồng đồng ý thì người con không đồng ý. Tôi phải ngồi tâm sự với họ về đam mê sưu tầm đồ cổ của mình và nói chỉ mua về để sưu tập chứ không có kinh doanh. Sau 11 lần đi lại mới mua được chiếc bình cổ đó”, ông Tường kể.
Đến nay, sau gần 30 năm lăn lộn khắp đó đây, ông sở hữu cho riêng mình kho đồ cổ lớn nhất Đông Dương với hơn 100.000 món đồ cổ từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ 20 và chuẩn bị nhận danh hiệu kỷ lục gia châu Á.
“Tôi sưu tầm các dòng gốm như Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Chăm Pa, Lý - Trần - Lê, Chu Đậu, Biên Hoà - Lái Thiêu… cứ nơi đâu có đồ cổ là tôi tìm đến để sưu tầm. Dự kiến sang năm tôi sẽ mở một bảo tàng tư nhân để lưu giữ những cổ vật này cho các thế hệ sau này đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu về văn hoá của người Việt mình từ nhiều thế hệ trước”, ông Tường nói.
Những món cổ vật vô giá
Ông Tường đang sở hữu nhiều món “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam và trở thành những món đồ vô giá như tượng Sa Huỳnh đầu voi hiện mới có bức thứ 2 đang được trưng bày tại bảo tàng ở Pháp, tượng Chăm bằng chì thế kỷ 7, gối Thái tử thời Minh...
Ngoài ra, ông Tường còn sở hữu bộ sưu tập những cổ vật quý hiếm như Bình đất Chămpa thế kỷ 7, Ghè Chămpa có vòi thế kỷ 12; Tượng người đội đèn bằng đồng thế kỷ 17; Gốm Quảng Đức thế kỷ 17. Những cổ vật này lưu lạc và bị chôn vùi dưới lòng đất, dưới lòng sông hay đáy đại dương.
Ông Tường nói: “Đồ cổ cũng có nhiều loại, chỉ những món đồ là “độc bản”, “độc bình” hay đồ sản xuất có giới hạn thì mới đắt giá. Còn sản xuất đại trà như bát, tô cho thường dân thì giá không cao…”.
Theo ông Tường, khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều người sử dụng bình đời mới để giả đồ cũ đem bán, nếu không có kiến thức về đồ cổ, không tinh tế thì rất dễ mua phải đồ giả cổ.
Gần 30 năm sưu tầm đồ cổ, ông Đinh Công Tường nhận được nhiều bằng khen, danh hiệu cho riêng mình như bộ sưu tập lộc bình xưa có số lượng nhiều nhất Việt Nam; Người sở hữu bộ sưu tập đĩa cổ xưa có số lượng nhiều nhất Việt Nam; Người sở hữu Bộ sưu tập bát (tô) cổ số lượng nhiều nhất Việt Nam; Bộ sưu tập gốm sứ xưa và nay nhiều nhất Đông Dương; Liên hiệp các hội Unesco Thế giới trao giải thưởng và chứng nhận vì đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên. Hiện nay, tổ chức kỷ lục châu Á cũng đang hoàn tất hồ sơ để xác nhận ông là người sưu tập đồ gốm sứ nhiều nhất châu Á.
“Gần 30 năm sưu tầm đồ cổ, tôi chưa bán ra bất kỳ món cổ vật nào. Tôi dự định sang năm 2019 sẽ mở một bảo tàng của riêng mình để giới trẻ, những người mê cổ vật có thể đến để chiêm ngưỡng, tìm hiểu văn hoá của người Việt từ đời xưa để lại”, ông “vua” đồ cổ Đinh Công Tường.