Đại gia nông nghiệp dồn dập bán cổ phần

Không khí bung hàng từ các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đã có tín hiệu ấm dần từ tháng 9. Đặc biệt, nhiều đại gia ngành nông nghiệp dồn dập bán cổ phần đã tạo một hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 9/2015 có ít nhất 10 doanh nghiệp bán đấu giá cổ phần tại HNX. Trong đó, có 5 phiên IPO và 5 phiên đấu giá cổ phần thoái vốn nhà nước.

Trong khi đó, tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên chuyên trách HĐQT HOSE cho biết, HOSE cũng đã nhận hồ sơ tổ chức đấu giá cho 11 công ty cho giai đoạn từ nay đến cuối năm.

Đáng chú ý trong các doanh nghiệp đang bung hàng gần đây là sự quy tụ nhiều đại gia ngành nông nghiệp. Đặc biệt, 2 Tổng công ty Rau quả - Nông sản Việt Nam (Vegetexco Vietnam) và Tổng công ty Chè Việt Nam là những gương mặt thuộc hàng “khủng” trong ngành này.

Phiên IPO của Vegetexco Vietnam đã diễn ra với gần 27,7 triệu cổ phần được bán ra công chúng tại HOSE, tương đương 38,8% vốn điều lệ Công ty sau cổ phần hóa. Tổng khối lượng đăng ký mua đạt hơn 31,2 triệu cổ phần, vượt 12,6% so với khối lượng chào bán.

Vegetexco Vietnam được chú ý bởi đây là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xuất khẩu rau, hoa quả và nông sản. Các sản phẩm rau quả, nông sản chế biến mang thương hiệu Vegetexco

Vietnam đã có mặt tại gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó những sản phẩm như dứa, điều, tiêu, rau, quả, gia vị... được tiêu thụ rộng rãi tại các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc…

Ra mắt công chúng sau Vegetexco Vietnam không lâu, Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) đã đã cùng Vegetexco Vietnam biến cổ phiếu nông nghiệp thành tâm điểm chú ý.

Trong khi Vegetexco Vietnam chiếm vị trí hàng đầu về lĩnh vực rau quả, thì Vinatea là doanh nghiệp có quy mô và địa bàn hoạt động lớn nhất của ngành chè Việt Nam, với vùng nguyên liệu rộng hơn 1.130 ha. Sản lượng chè xuất khẩu của Vinatea chiếm tỷ trọng 70 - 80%, trong đó, thị trường lớn nhất thuộc khu vực Nam Á như Afghanistan, Pakistan… Hiện tại, tham vọng của Vinatea là các thị trường tiềm năng như Uzbekistan, Kazakhstan, Đài Loan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Bắc Mỹ.

Theo kế hoạch kinh doanh, Vinatea dự kiến doanh thu trong 3 năm 2015 - 2017 lần lượt đạt 241 tỷ đồng, 255,8 tỷ đồng và 279,6 tỷ đồng. Tỷ lệ trả cổ tức lần lượt là 1,4%, 2,2% và 2,5%. Để thực hiện được mục tiêu trên, Vinatea dự kiến trồng các giống chè mới, đưa năng suất chè bình quân từ 9 tấn/ha hiện nay lên 11 tấn/ha vào năm 2017, nâng sản lượng chè búp tươi từ 17.600 tấn lên 21.600 tấn vào năm 2017, thay thế dần các giống chè trung du đã già cỗi.

Cùng góp chung vào bản hòa ca của các cổ phiếu nông nghiệp còn có một “nhạc công” khác mang tên Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc Hà Nội (HLBC). Ngày 24/9 tới, HLBC sẽ IPO hơn 2,2 triệu cổ phần. Đây là doanh nghiệp hoạt động chính trong chăn nuôi gia súc như lợn bò, sản xuất nông nghiệp và các dịch vụ nông nghiệp, như kinh doanh thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, dịch vụ thú y, công tác giống...

Hiện tại, HLBC sử dụng 5 cơ sở chăn nuôi, trồng cây thức ăn và chế biến phụ phẩm rộng lớn tại Hà Nội, gồm các xã Kiêu Kỵ, Dương Hà, Phù Đổng (huyện Gia Lâm), thị trấn Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), phường Trần Phú (quận Hoàng Mai), với tổng diện tích hơn 960.000 m2.

Một trong những dự án trọng điểm đang được HLBC triển khai là Dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền đàn bò thịt lai sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt trên địa bàn TP. Hà Nội”. Đây là dự án ứng dụng lớn về phát triển nông nghiệp của Hà Nội, với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng, quy mô 10.000 bò cái nền lai sind tạo ra 30.000 bê F1 BBB.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục