Đại gia “lên dây cót” chào sàn

(ĐTCK) Trên cả hai sàn TP. HCM và Hà Nội hiện có hơn 40 hồ sơ xin niêm yết, song ngoại trừ Vietcombank, những DN nhà nước lớn sau IPO như Bảo Việt, Habeco, Sabeco dường như chưa tỏ động thái quan tâm đến vấn đề này. Một tâm lý sẵn sàng cho việc cải tiến phương thức quản trị, minh bạch hơn trong thông tin vẫn cần thời gian chờ đợi.
Ngoại trừ Vietcombank, những DN nhà nước lớn sau IPO như Bảo Việt, Habeco, Sabeco dường như chưa tỏ động thái quan tâm đến việc niêm yết. Ngoại trừ Vietcombank, những DN nhà nước lớn sau IPO như Bảo Việt, Habeco, Sabeco dường như chưa tỏ động thái quan tâm đến việc niêm yết.

HASTC thông báo vừa nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của CTCP Than Mông Dương, vốn điều lệ 120 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông nhà nước sở hữu 54% vốn; cổ đông trong và ngoài công ty nắm giữ 46%. CTCP Than Vàng Danh, sau đợt IPO năm 2008 cũng đang rốt ráo kế hoạch niêm yết cổ phiếu. Ông Thái Văn Lung, Kế toán trưởng CTCP Than Vàng Danh cho hay, Công ty đã nộp hồ sơ xin niêm yết tại HASTC; ngay sau khi được chấp thuận, DN sẽ đưa cổ phiếu vào giao dịch như phương án đã đưa trong bản cáo bạch khi IPO. Một DN nho nhỏ khác là CTCP Lilama 3 cũng đã nộp hồ sơ xin niêm yết tại HASTC từ đầu năm 2008. Ông Phan Kim Lân, Giám đốc Lilama 3 cho biết, tháng 9/2008 Công ty đã bổ sung hồ sơ và cơ bản được chấp thuận niêm yết, hiện đang tiến hành các thủ tục như lưu ký, hoàn thiện cập nhật lại bản cáo bạch… Thống kê từ website của HASTC cho thấy, hiện có 31 hồ sơ công ty đăng ký niêm yết tại đây, trong số này có cả những DN đăng ký từ năm 2007, hoặc có những công ty không đủ điều kiện niêm yết do lỗ năm 2008 như Chứng khoán Đại Việt, Chứng khoán APEC. Tại HOSE, hiện có khoảng 10 hồ sơ xin niêm yết, trong đó chỉ có Vietcombank từng là DNNN lớn.

Trong khi DN nhỏ khẩn trương với kế hoạch niêm yết thì các DN lớn lại tỏ ra không mấy mặn mà. Theo phương án cổ phần hóa ban đầu, sau khi IPO, Sabeco sẽ bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài rồi mới tiến hành niêm yết cổ phiếu tại HOSE. Lĩnh vực bia, rượu, nước giải khát có tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 20%, với thị phần trên 35%. Sabeco từng là địa chỉ hấp dẫn với nhiều tập đoàn sản xuất bia nước ngoài như Budweiser, InBev, Heineken, Asahi, ThaiBev… song khủng hoảng kinh tế đã tác động lớn đến các nhà đầu tư. Theo một lãnh đạo Sabeco, việc đàm phán vẫn được tiến hành, nhưng bản thân những NĐT nước ngoài cũng có những xáo trộn trong hoạt động, đơn cử như Tập đoàn Budweiser (Mỹ) năm 2008 đã sáp nhập với một hãng bia của Bỉ..., vì thế các bên cần bổ sung thông tin và chưa thể đi đến quyết định cuối cùng. Khi chưa quyết định được việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, niêm yết sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới giá bán cho đối tác. Hơn nữa, lên sàn hay không còn phụ thuộc cả vào quyết tâm của nội bộ DN, liệu DN đã sẵn sàng thay đổi công tác quản trị, thông tin, số liệu tổng hợp kịp thời, thông suốt hay chưa. Hiện tại, mối quan tâm lớn hơn của Sabeco là tăng năng lực sản xuất, đạt 1,2 tỷ lít bia/năm vào năm 2010; giữ vững chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu và mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối (đã phủ trên 40 tỉnh, thành trong cả nước).

Tương tự “người anh em”, Habeco cũng tỏ ra không mấy rốt suột về "lời hứa niêm yết". Năm 2008, DN này đạt doanh thu 4.162 tỷ đồng, tăng 28,4% so với năm 2007; lợi nhuận trước thuế 578,7 tỷ đồng, đạt 121,9% kế hoạch. Năm 2009, Habeco đặt kế hoạch doanh thu  5.261,8 tỷ đồng, tăng 26,4%; tổng lợi nhuận trước thuế  585,3 tỷ đồng, tăng 1,15% so với năm 2008. Ông Lê Bá Cơ, Chủ tịch HĐQT Habeco cho biết, tháng 5 Habeco sẽ tổ chức họp ĐHCĐ và có đưa nội dung niêm yết cổ phần xin ý kiến cổ đông. Điều lãnh đạo Công ty trăn trở hơn cả là niêm yết sẽ chọn mức giá chào sàn ra sao cho hợp lý. Cổ đông bên ngoài mua cổ phần với giá 50.000 đồng/CP, nay ấn định giá "lên sàn" có xấp xỉ 20.000 đồng (tương đương giá thị trường), nhiều cổ đông tổ chức sẽ lỗ nặng. "Vừa rồi, một công ty thành viên của Habeco là CTCP Bia Thanh Hóa niêm yết CP, giá giao dịch thấp mà chẳng có người mua, kẻ bán. Niêm yết thời điểm này quả thực phải cân nhắc kỹ", ông Cơ nói.

Với Bảo Việt, sau năm 2008 lỗi hẹn, ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT Bảo Việt cho hay, năm 2009 Công ty quyết tâm đưa cổ phiếu lên sàn, cổ đông cũng đã thông qua chủ trương này, song việc chọn sàn HOSE hay HASTC, Công ty chưa quyết định. Vietinbank hiện còn lo bán cổ phần cho đối tác chiến lược trong nước, chưa xong cả thủ tục chuyển đổi hình thức hoạt động từ quốc doanh sang cổ phần, vì thế kế hoạch niêm yết còn rất xa. 

Thực ra, ở thời điểm sức cầu chưa mạnh mẽ như hiện nay, việc tạo hàng cho thị trường khó thu hút sự quan tâm của cả cơ quan quản lý lẫn DN. Khi công ty chưa sẵn sàng, Nhà nước với tư cách là cổ đông lớn nhất cũng khó "ép" đưa cổ phiếu lên niêm yết. Song, ngoài cải thiện tính thanh khoản cho CP, cái được lớn hơn và cũng là mục tiêu cao nhất khi CPH DN nhà nước là buộc các DN này phải nhanh chóng thay đổi và áp dụng phương thức quản trị tiên tiến; nhanh chóng áp dụng được cơ chế công khai minh bạch tình hình tài chính cũng như hoạt động một cách thường xuyên. Thực tế, cổ đông có thể cập nhật kết quả kinh doanh của DN niêm yết hàng quý, hàng tháng, có thể nắm bắt thông tin bất thường về DN, còn như hiện nay, dù là công ty đại chúng, thông tin của VCB, Bảo Việt, Sabeco, Habeco xuất hiện rất mờ nhạt và dù muốn mua, bán cổ phần, NĐT cũng không có thông tin mà phân tích.   

Anh Việt

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ