“Đại gia” Hàn Quốc dốc vốn vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Sau Samsung, hàng loạt “đại gia” Hàn Quốc đang tiếp tục dốc vốn, đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất hàng đầu trên thế giới.
Lotte Mall West Lake Hanoi đã chính thức khai trương cuối tuần qua. Lotte Mall West Lake Hanoi đã chính thức khai trương cuối tuần qua.

“Đại gia” dốc vốn

Vào ngày làm việc cuối cùng của tuần trước (22/9), đích thân Chủ tịch Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) Shin Dong-bin đã tới Việt Nam để tham dự Lễ khai trương chính thức Lotte Mall West Lake Hanoi. “Đây là dự án trọng điểm của chúng tôi. Chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực của các công ty thành viên để phát triển dự án”, ông Shin Dong-bin nói.

Với tổng vốn đầu tư 643 triệu USD, ở thời điểm hiện tại, Lotte Mall West Lake Hanoi đúng là dự án lớn nhất tại Việt Nam mà Lotte đã hoàn thành, bên cạnh Lotte Center, quy mô khoảng 400 triệu USD, đã đi vào hoạt động cách đây ít năm và Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm, vốn đầu tư 900 triệu USD, vừa khởi động từ tháng 9 năm ngoái.

Nhưng Lotte ở Việt Nam không chỉ có như vậy. Ông Shin Dong-bin cho biết, bắt đầu vào Việt Nam từ năm 1996, với việc mở các trung tâm thương mại và siêu thị, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khác như khách sạn, rạp chiếu phim, cho đến nay, Lotte đã có 19 công ty thành viên ở Việt Nam.

Thông tin cho biết, Lotte đã dốc khoảng 5 tỷ USD vào Việt Nam. Nhưng có lẽ, con số sẽ không dừng lại ở đó. Bởi lẽ, khi sang Việt Nam dự lễ khởi động Dự án Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm hồi năm ngoái, ông Shin Dong-bin cho biết, dự án này đã đánh dấu “điểm khởi đầu” cho chuỗi mở rộng đầu tư sắp tới của Tập đoàn Lotte tại Việt Nam.

Một điểm rất thú vị là, cùng ngày Lotte khánh thành dự án quy mô lớn nhất tại Việt Nam, một “đại gia” khác của Hàn Quốc cũng đã nhận chứng nhận đăng ký đầu tư để dốc thêm vốn vào Việt Nam. Cụ thể, ngân khoản 500 triệu USD đã được SK, thông qua công ty con là SKC, đầu tư cho nhà máy chuyên sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao tại Hải Phòng. Dự án dự kiến được khởi công xây dựng vào cuối năm nay và sẽ hoàn thành trong quý III năm tới.

“Chúng tôi đã đầu tư vào Việt Nam 5 năm nay, với quy mô khoảng 3 tỷ USD. Là doanh nghiệp hàng đầu ở Hàn Quốc, sở hữu công nghệ hiện đại, lần này chúng tôi quyết định mang công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường tới Việt Nam để sản xuất vật liệu phân hủy sinh học”, ông Won Cheo Park, Giám đốc Điều hành SKC nói và cho biết, sẽ kêu gọi nhiều hơn nữa doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam nói chung, Hải Phòng nói riêng.

SK, đúng như ông Won Cheo Park nói, đã đầu tư vào Việt Nam từ nhiều năm nay. Tập đoàn lớn thứ ba Hàn Quốc này đã dốc hàng tỷ USD để sở hữu cổ phần tại Masan, Vingroup, Pharmacity, The Crown X… Dự án ở Hải Phòng có lẽ là một trong những dự án đầu tư trực tiếp đầu tiên và trong lĩnh vực sản xuất.

Trong khi đó, ít ngày trước, Hana Micron - “ông lớn” của ngành bán dẫn Hàn Quốc - đã khánh thành nhà máy thứ hai tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Với dự án này, tổng vốn đầu tư của Hana Micron tại Việt Nam được nâng lên 600 triệu USD. Nhà máy thứ nhất của Hana Micron đã đi vào hoạt động từ năm ngoái, chuyên sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác.

Nhưng con số sẽ không dừng lại ở đó. Bởi khi sang Việt Nam tham dự lễ khánh thành nhà máy, ông Choi Chang Ho, Chủ tịch Tập đoàn Hana Micron cho biết, Tập đoàn có kế hoạch tăng vốn đầu tư lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2025. Khi ấy, doanh thu của nhà máy dự kiến đạt 800 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động.

Trở lại vị thế “quán quân”?

Các thông tin tích cực về các Dự án quy mô lớn của các “đại gia” Hàn Quốc đã “hâm nóng” dòng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, vốn có xu hướng chậm dần trong thời gian gần đây.

Các thông tin tích cực về các dự án quy mô lớn của các “đại gia” Hàn Quốc đã “hâm nóng” dòng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, vốn có xu hướng chậm dần trong thời gian gần đây.

Mặc dù tính lũy kế, Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, nhưng nếu tính theo năm, thì trong 8 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc chỉ đứng thứ 4 trong các quốc gia có đầu tư lớn vào Việt Nam, sau Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản - điều hiếm khi xảy ra kể từ khi làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc bùng nổ.

Năm 2019, Hàn Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất, với 7,92 tỷ USD, các năm 2020 - 2022 đều giành ngôi á quân, với lần lượt 3,9 tỷ USD; 5 tỷ USD và gần 4,88 tỷ USD. Hàn Quốc, cũng giống như Nhật Bản, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đều đang có xu hướng chậm lại trong việc ra các quyết định đầu tư vào Việt Nam và lý do liên quan đến các vấn đề nội tại của nền kinh tế.

Nhưng xu thế vẫn đang dần tích cực hơn. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, dù tổng vốn đầu tư không bằng các đối tác khác, nhưng 8 tháng qua, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 27,6%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 28,7%). Thêm dự án của Tập đoàn SK, có thể có sự cải thiện về thứ hạng của nhà đầu tư Hàn Quốc trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam.

Trên thực tế, đúng là vốn đầu tư mới từ Hàn Quốc đang chậm lại, nhưng các “ông lớn” của xứ sở kim chi vẫn đang tin tưởng và tiếp tục đầu tư ở Việt Nam. Samsung là ví dụ. Theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, sau khi đã đầu tư vào Việt Nam hơn 20 tỷ USD, Tập đoàn vẫn liên tục tiến hành đầu tư bổ sung với quy mô khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.

“Riêng trong năm 2023, Samsung đang thực hiện đầu tư bổ sung khoảng 1,2 tỷ USD, bao gồm cả mảng đầu tư lưới bóng chip bán dẫn của nhà máy điện cơ ở Thái Nguyên”, ông Choi Joo Ho nói.

Và không chỉ vậy. Thông tin được ông Đỗ Nhất Hoàng đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, được tổ chức nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeo tới Việt Nam hồi cuối tháng 6/2023, là ông có danh sách mấy chục dự án đang chờ, có dự án vài trăm triệu USD, nhưng cũng có dự án cả tỷ USD.

“Chúng tôi sẽ sớm có những thông tin mới về các dự án này. Các tập đoàn lớn vẫn đang hướng tới Việt Nam và coi Việt Nam là điểm đến đầu tư số một”, ông Đỗ Nhất Hoàng hồ hởi thông báo.

Có lẽ, dự án của Tập đoàn SK cũng là một trong số ấy. Điều đáng mừng là, thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, như Hyosung, LG, CJ… đều bày tỏ mong muốn được tiếp tục dốc vốn vào Việt Nam. LG Innotek hồi tháng 6/2023 cũng tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD…

Với đà này, nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ sớm trở lại “đường đua” và giành lại vị trí quán quân về đầu tư vào Việt Nam.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục