Thông tin được công bố cách đây ít ngày, Foxconn (Tập đoàn Hồng Hải), tập đoàn nổi tiếng của Đài Loan chuyên sản xuất iPhone cho Apple, đã quyết định chi 5 tỷ USD để xây dựng một nhà máy mới tại bang Maharashtra ở miền Tây Ấn Độ.
Đích thân ông Terry Gou, Chủ tịch Foxconn, đã ký biên bản ghi nhớ với ông Devendra Fadnavis, Thủ hiến bang Maharashtra của Ấn Độ, về dự án đầu tư này. Ước tính, dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho 50.000 lao động.
Trên thực tế, việc thiết lập cơ sở sản xuất mới ở Ấn Độ đã được Foxconn công bố từ hồi tháng 8/2015. Thậm chí, ông Terry Gou còn công bố một kế hoạch hoành tráng, với mục tiêu đến năm 2020, sẽ phát triển 10-12 cơ sở sản xuất ở Ấn Độ, bao gồm các nhà máy và trung tâm dữ liệu. Việc thiết lập một cơ sở sản xuất ở Ấn Độ có thể giúp Foxconn cắt giảm chi phí lao động và thúc đẩy doanh số bán iPhone tại quốc gia này.
Sẽ không có gì đáng nói nếu kế hoạch đầu tư hoành tráng này của Foxconn ở Ấn Độ không trái ngược với thực tế đầu tư èo uột của tập đoàn này tại Việt Nam. Cuối tháng 6/2015, Dự án Nhà máy Sản xuất, lắp ráp đồ điện tử của Foxconn tại tỉnh Vĩnh Phúc (vốn đầu tư 200 triệu USD) đã chính thức bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư sau 7 năm không triển khai.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, cách đây đúng 8 năm, Foxconn đã ký thỏa thuận khung về hợp tác đầu tư với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, Foxconn cam kết đầu tư vào Việt Nam một loạt dự án trong nhiều lĩnh vực, như công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ…, với tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD.
Không chỉ ký thỏa thuận khung với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Foxconn cũng đã trực tiếp ký kết các thỏa thuận đầu tư vào các địa phương như TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Bình Định.
Vào thời điểm đó, trong không khí hồ hởi, Chủ tịch Foxconn cho biết, Tập đoàn đặt mục tiêu tuyển dụng 300.000 lao động tại Việt Nam, với định hướng đưa Việt Nam trở thành mắt xích chủ yếu trong chuỗi cung ứng các sản phẩm điện tử công nghệ cao và linh, phụ kiện máy móc chính xác trên thế giới.
Lúc đó, Foxconn cũng đã hiện thực hóa cam kết đầu tư của mình tại Việt Nam bằng việc khánh thành hai nhà máy tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh), với tổng vốn đầu tư trên 160 triệu USD. Sau đó, là nhà máy ở Bắc Giang.
Tuy nhiên, mắt xích tại Việt Nam đã bị đứt gãy, khi dự án quy mô lớn của Foxconn tại Vĩnh Phúc bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư mới đây. Ở tỉnh này, Foxconn cũng đã cam kết đầu tư hạ tầng KCN Bình Xuyên II, tuy nhiên, do chậm triển khai, dự án này đã bị điều chỉnh quy mô từ 485 ha xuống còn 45,6 ha. Trên diện tích 45,6 ha, Fuchuan (công ty con của Foxconn) đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đã bắt đầu thu hút được các dự án đầu tư thứ cấp.
Trong khi đó, tại Bắc Giang, ngoài nhà máy đang hoạt động, Dự án KCN Vân Trung cũng đang dè dặt được triển khai. Ban đầu, Foxconn dự định đầu tư tại đây Dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ và sân golf Vân Trung (Bắc Giang), với tổng diện tích 960 ha, trong đó diện tích KCN là 500 ha, khu đô thị - dịch vụ 200 ha và sân golf chiếm 260 ha, song hiện tại, ngoài hạng mục KCN đang triển khai giai đoạn đầu, tất cả các hạng mục còn lại chỉ là trên giấy tờ.
Tương tự, ở Bắc Ninh, cam kết đầu tư hạ tầng KCN công nghệ cao cũng đã “đứt gánh”. Các cam kết đầu tư của Foxconn ở Bình Định, Hải Phòng, TP.HCM thậm chí còn không hề được nhắc đến. “8 năm qua, họ chẳng làm gì cả. Chúng tôi không tin là họ sẽ triển khai”, lãnh đạo các địa phương này đều có chung nhận định như vậy.
Câu chuyện này đã được Báo Đầu tư đề cập từ năm 2012, và cho đến nay, thực tế đang chứng minh, Foxconn đang hứa lèo. Sẽ không có kế hoạch đầu tư lên tới hàng tỷ USD nào cả ở Việt Nam.
Trong khi đó, ngoài việc cam kết đầu tư ở Ấn Độ tới 5 tỷ USD mới đây, thì khoảng 3 năm trước đây, Foxconn cũng đã lên kế hoạch đầu tư từ 5 đến 10 tỷ USD trong vòng 5 - 10 năm tới vào chuỗi các nhà máy sản xuất của hãng này tại Indonesia. Và cuối cùng, tháng 2/2014, Foxconn đã ký kết thỏa thuận với Indonesia về việc đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất các thiết bị cầm tay, đặc biệt là điện thoại thông minh tại quốc gia này. Hiện, theo thống kê của Business Standard, dự án vẫn đang trong giai đoạn đàm phán về đất đai.
Trong khi đó, Business Standard cũng đã đưa ra một loạt con số thống kê về “cam kết và hiện tại” của Foxconn ở Brazil. Đó là năm 2011, Foxconn cam kết đầu tư 12 tỷ USD để sản xuất iPhone, cũng như các dòng điện thoại giá rẻ khác tại thị trường này, tạo việc làm cho 100.000 người và hiện tại, họ cũng đã có 5 cơ sở sản xuất linh kiện cho iPhone, nhưng số việc làm tạo ra mới chỉ là 10.000 người.
Một năm sau đó, Foxconn cũng lên kế hoạch đầu tư ở Itu, Brazil một khu công nghiệp sản xuất các linh kiện điện tử, nhưng nay thì chưa nhà máy nào được xây dựng.
Apple vẫn đang phát triển mạnh mẽ, cộng thêm việc đang hợp tác với Black Berry để sản xuất các dòng điện thoại thông minh giá dưới 200 USD, khiến Foxconn đang muốn mở rộng sản xuất tại các thị trường mới nổi. Việc chuyển hướng sản xuất sang Ấn Độ hay Indonesia cũng một phần là nhằm đối phó với việc chi phí nhân công tại thị trường Trung Quốc ngày càng tăng.
Đúng là Foxconn đã hứa nhiều hơn làm, nhưng câu hỏi có lẽ vẫn cần đặt ra, vì sao Foxconn lại không đầu tư tại Việt Nam, trong khi vẫn không ngừng đầu tư lớn vào các thị trường khác?