Hồ hởi “bắc tiến”
Làn sóng "Bắc tiến" đã từng nhen nhóm trong quá khứ, tuy nhiên, nó chỉ thực sự gia tăng mạnh mẽ bắt đầu tư năm ngoái trong bối cảnh thị trường miền Nam đang chịu tác động lớn từ các cuộc thanh tra liên quan đến các dự án sai phạm, cũng như chính sách thắt chặt chuyển nhượng, phát triển dự án. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát triển dự án của các nhà đầu tư và nhiều doanh nghiệp địa ốc đã phải chủ động tìm kiếm quỹ đất sạch mới ở ven ngoại ô hoặc khu đô thị vệ tinh quanh TP.HCM để tìm kiếm cơ hội.
Cùng với đó, khu vực phía Bắc được nhiều người nhìn ra là mảng thị trường tiềm năng để khai thác khi nhu cầu đầu tư và nhà ở của người dân khu vực phía Bắc là rất lớn. Nhiều dự án ở miền Trung, miền Nam, khách Bắc áp đảo. Ngoài ra, nếu xét về mức độ cạnh tranh thì các thương hiệu bất động sản lớn phía Nam lại áp đảo. Chính vì thế, bên cạnh việc củng cố tại thị trường phía Nam, nhiều đại gia địa ốc Sài Gòn đang từng bước đẩy mạnh hoạt động ra phía Bắc.
Một trong những tên tuổi gần đây nhất “Bắc tiến” là Thảo Điền Investment khi cuối năm 2019, hàng loạt vụ chuyển nhượng dự án tại Hà Nội được cho là có liên quan đến doanh nghiệp này được tiết lộ. Trong đó có việc Thảo Điền Investment thông qua các công ty con và thành viên đã liên tiếp chi tới hàng ngàn tỷ động để thâu tóm lại nhiều dự án nằm trong khuôn viên 2 dự án của Vinhomes tại Tây Mỗ - Đại Mỗ và tại Gia Lâm, Long Biên. Ngoài ra, Thảo Điền Investment cũng hiện diện tên tuổi của mình tại dự án Premier Berriver 390 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội của Handico 9.
Tương tự Thảo Điền Investment, tháng 9/2019, Phú Mỹ Hưng gây chú ý khi vay khoảng 75 triệu USD để phát triển khu đô thị tại tỉnh Hòa Bình sau khi đã hoàn tất thâu tóm hơn 99% cổ phần của CTCP Đầu tư San Nam Hòa Bình vào năm 2016. Dự án này có quy mô hơn 405,7 ha, ban đầu được quy hoạch xây dựng khu trồng, chế biến rau quả xuất khẩu theo công nghệ sạch, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Tại dự án, theo chia sẻ của nhà phát triển bất động sản này, Phú Mỹ Hưng dự kiến tạo dựng một resort tiêu chuẩn quốc tế cũng như khu nghỉ dưỡng thân thiện môi trường với mức giá hợp lý để thu hút khách du lịch đến với tỉnh Hòa Bình, bên cạnh việc đào tạo lao động và quảng bá nông sản địa phương.
Cũng tại Hà Nội, một đại gia khác đến từ TP.HCM là Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long cũng đã góp mặt thông qua thương vụ mua lại 50% phần góp vốn của Posco E&C tại dự án Spendora. Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) là một trong những dự án quy mô lớn nhất được quy hoạch và đầu tư tại phía Tây Thủ đô Hà Nội, với tổng diện tích lên tới hơn 264ha nằm trên địa bàn các xã An Khánh, Lại Yên, Song Phương, Vân Canh, Hà Nội.
Theo nhiều chia sẻ trước đó, với sự nhập cuộc của Phú Long, Khu đô thị Splendora An Khánh sẽ có nhiều thay đổi từ quy hoạch, mật độ dân số cho đến định hướng sản phẩm để hướng đến một khu đô thị cao cấp thực sự.
Không chỉ Hà Nội, nhiều tỉnh phía Bắc cũng ghi nhận sự nhập cuộc của các đại gia địa ốc đến từ phương Nam, chẳng hạn như trường hợp của Himlam Land khi hồi đầu năm 2019, doanh nghiệp này đã công bố ra thị trường dự án khu đô thị Him Lam Green Park 26,8 ha tại TP. Bắc Ninh. Với tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng, khu đô thị cung cấp số lượng sản phẩm lớn gồm 666 nhà phố liền kề, 22 biệt thự và 1.926 căn hộ.
Nhận xét về “gu” chọn nhà của người Bắc, ông Trần Công Lâm - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Him Lam cho biết, với hầu hết khách hàng đến tìm hiểu và đặt mua Him Lam Green Park thì giá cả không phải là vấn đề mà chất lượng không gian sống và các tiện ích xã hội đẳng cấp kèm theo mới là điều được quan tâm hàng đầu.
“Khách mua Him Lam Green Park thời gian qua đa phần đều phục vụ nhu cầu ở thực và là các doanh nhân, hộ sản xuất lớn ở các làng nghề cũng như chuyên gia có thu nhập cao tại các khu công nghiệp. Những người này có điều kiện kinh tế cao, nhưng quan niệm của họ hầu hết vẫn là… ‘mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời’ nên các sản phẩm nhà phố, biệt thự tại dự án rất đắt hàng”, ông Lâm cho biết.
Him Lam Green Park là dự án khu đô thị đầu tiên ở thị trường phía Bắc của Him Lam, đã được mở bán 2 đợt. Trên website, Công ty còn cho biết sắp thực hiện Khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội (quận Long Biên), trên khu đất khoảng 38 ha, giáp Quốc lộ 5, Khu công nghiệp Sài Đồng B và dự án Himlam Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.
Trong khi đó, tại Hải Phòng, năm vừa qua cũng là năm ghi dấu ấn đầu tiên của Tập đoàn Nam Long khi bắt tay vào triển khai dự án Khu đô thị Nam Long - Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) với quy mô 21 ha, cách trung tâm TP. Hải Phòng khoảng 20 phút di chuyển qua cầu Bính, gần sân bay Cát Bi. Theo thông tin từ Nam Long, tiến độ dự án triển khai thành 2 giai đoạn, cung cấp cho thị trường khoảng 850 biệt thự, nhà phố thương mại, 2.200 căn hộ kèm theo hệ thống tiện ích như trường học, trung tâm thương mại, công viên cây xanh, sân thể dục thể thao… và dự kiến công bố dự án ra thị trường vào quý I/2020.
Còn tại Lạng Sơn, hồi tháng 3/2019, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị phía Đông, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của Công ty May - Diêm Sài Gòn và Công ty cổ phần Xây dựng và Quảng cáo Địa ốc Việt Hân. Ngoài dự án này, hồi tháng 1/2019, May - Diêm Sài Gòn cũng đã trúng sơ tuyển Dự án Khu dân cư Nam Cổ Đam, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Dự án này có tổng chi phí thực hiện 524,96 tỷ đồng (đã bao gồm giải phóng mặt bằng), diện tích sử dụng đất khoảng 268.000 m2.
Trong danh sách các đại gia địa ốc phía Nam "Bắc tiến" cũng có thể nhắc tới trường hợp của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) với dự án Hải Phòng Plaza. Tháng 8/2018, TTC Land đã bỏ 126 tỷ đồng để mua cổ phần của Công ty Cổ phần thương mại Hải Phòng Plaza. Tuy nhiên, dự án này cũng chỉ nằm trong tay TTC Land đúng 1 năm và đã được sang tên đổi chủ cho một đơn vị khác. TTC Land sau khi thông qua quyết định chuyển nhượng 21,7 triệu cổ phần, tương ứng 70% vốn tại Thương mại Hải Phòng Plaza, đã đạt tổng giá trị thu về 311,5 tỷ đồng, lãi 185 tỷ đồng.
“Phải tìm được gu khách hàng”
Ngoài các doanh nghiệp nêu trên, không trực tiếp đầu tư dự án mới, tuy nhiên, thông qua việc hợp tác với một số nhà phát triển phía Bắc, Đất Xanh hay Nhà Thủ Đức, SSG cũng ghi dấu ấn sự hiện diện của mình ở thị trường phía Bắc với một số dự án tại Long Biên, Hà Đông…
Định hướng đầu tư ra miền Bắc được lãnh đạo Nhà Thủ Đức đề cập từ năm 2018. Theo đó, Hà Nội được xem là thị trường tập trung, ưu tiên phát triển căn hộ dịch vụ và văn phòng cho thuê. Tuy nhiên, hiện tại, Nhà Thủ Đức chưa có dự án mới tại miền Bắc mà một trong những nguyên nhân được Công ty lý giải là đang tập trung cho những dự án phía Nam.
Một lý do khác, theo nhìn nhận của một số thành viên thị trường là do giá cả tại những lô đất mà các đơn vị này quan tâm được neo khá cao nên họ còn cân nhắc, tính toán.
Một nhà đầu tư khi khảo sát khá lâu tại khu vực Hà Nội và địa bàn lân cận cho biết, dù quỹ đất phía Bắc còn rất lớn nhưng giá đất lại quá cao do hạ tầng phát triển không hợp lý. Thay vì đầu tư hạ tầng đồng bộ tất cả các khu vực để giãn dân thì nhiều địa phương lại đầu tư từng khu vực và khi hạ tầng khu nào vừa có là các chủ đầu tư “xí phần” để làm dự án. Điều này đã làm cho giá đất và giá dự án tăng lên chóng mặt.
Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, nhiều doanh nghiệp địa ốc phía Nam từng có ý định "Bắc tiến" đã phải dừng lại hoặc không thành công vì sự khác biệt văn hóa kinh doanh cũng như xu hướng hưởng thụ sản phẩm bất động sản của người tiêu dùng. Ngoài ra, trong một số trường hợp, doanh nghiệp chỉ có xu hướng đầu tư dự án mới, hoặc thâu tóm dự án dở dang để tiếp tục triển khai khi đã có mối quan hệ rất sâu với chính quyền. Nếu không có mối quan hệ đủ mạnh, doanh nghiệp sẽ không dám mạo hiểm.
Có những doanh nghiệp phía Nam ra ngoài Bắc tìm cơ hội đầu tư, thấy cách làm dự án có nhiều khác biệt, khó có thể cạnh tranh với doanh nghiệp bản địa nên hầu hết sau đó đều không tiếp tục thực hiện tham vọng “Bắc tiến”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com