Tiềm năng lớn…
Bất động sản nghỉ dưỡng vốn được coi là phân khúc hút khách và mang lại nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, dạo quanh thị trường hiện nay, hầu hết các dự án đều khai thác tại các khu nghỉ dưỡng ven biển, còn những dự án nghỉ dưỡng trên núi lại khá khan hiếm. Đây là sự thiếu sót nếu biết rằng, so với các vùng ven biển, trung du và miền núi cũng không kém nhiều lợi thế về tiềm năng phát triển du lịch.
Trong đó, khung cảnh thiên nhiên và bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc miền núi là những yếu tố gây sức hút đặc biệt với khách du lịch, đặc biệt là du khách phương Tây.
Không ồn ào như những con sóng xô bờ dữ dội, hay náo nhiệt như những khu mua sắm sầm uất của các trung tâm thương mại ven biển, du lịch nghỉ dưỡng núi mang lại cảm giác êm đềm, thảnh thơi, hòa mình với thiên nhiên cho du khách với những cánh rừng xanh ngút ngàn, sương mờ phủ kín lối hay những khung cảnh hùng vĩ của những đỉnh núi xa xăm. Ngoài ra, ẩm thực núi độc đáo với thịt gác bếp, quả sấy khô cũng là nét đặc trưng có thể níu chân nhiều du khách khi không còn mặn mà với biển cả.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sau sự bùng nổ của du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng đang lọt vào tầm ngắm của nhiều tập đoàn đầu tư bất động sản.
Nó nằm trong sự tính toán dài hơi của các nhà đầu tư nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm đầu tư cho mọi người. Hiện nay, khu vực điển hình có yếu tố thuận lợi để thỏa mãn nhu cầu nghỉ dưỡng theo xu hướng đó có thể kể đến là khu vực Tây Nguyên hay các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ở miền Bắc, đặc trưng có mùa Đông nên thời điểm này du lịch lên các vùng trung du, miền núi sẽ hợp lý hơn đi biển. Hệ thống cơ sở hạ tầng đã thuận tiện hơn, các đường cao tốc được đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian di chuyển trong các chuyến đi nghỉ cuối tuần.
Chẳng hạn, sau khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào sử dụng, thời gian di chuyển lên khu vực Đông Bắc, Tây Bắc đã rút ngắn tới 2/3 so với trước đây, nhờ đó lượng khách du lịch lên khu vực này, đặc biệt là Sapa đã tăng lên đáng kể trong vài năm trở lại đây. Từ năm 2014, khi tuyến đường này đưa vào sử dụng, du lịch Sapa đã tăng trưởng trung bình lên tới 40 - 50% mỗi năm.
Nếu như năm 2014 mới có 826.000 lượt khách đến Sapa, thì năm 2015 con số này đã tăng lên 1,2 triệu lượt, năm 2016 khoảng 1,5 triệu lượt khách.
Ngoài ra, trục chính của TP. Lào Cai - đường Trần Hưng Đạo đang được mở rộng, cùng một số tuyến đường cao tốc khác như: cao tốc 279, 4E, tỉnh lộ 156, cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cũng khiến việc đi lại giữa Lào Cai và Hà Nội cùng các tỉnh lân cận trở nên dễ dàng hơn. Chính lý do này mà giá đất Sapa đã phi mã trong những năm gần đây.
Quy hoạch du lịch tổng thể phát triển du lịch Sapa dự báo đến năm 2020 địa phương này sẽ đón trên 2 triệu lượt khách, nhưng các nhà tư vấn còn lạc quan hơn khi cho rằng, có thể thu hút tới 2,5 triệu lượt khách. Còn đến năm 2030 thì lượng khách có thể tới 5 triệu lượt, nhiều hơn cả tổng lượng khách đến Nha Trang hiện nay.
"Với tốc độ tăng trưởng du lịch như vậy, không khó hiểu các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc sẽ thành điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Chỉ tính riêng Lào Cai, Sapa, thời gian vừa qua đã liên tục thu hút nhiều nhà đầu tư lớn vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng như Bitexco, Sun Group, Vingroup, Tập đoàn Thiên Minh, Sapa Land...
Các dự án từ những chủ đầu tư uy tín đang làm tăng thêm các dịch vụ tiện ích, sản phẩm mới hấp dẫn cho TP. Lào Cai như trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí, biệt thự nhà phố thương mại, cáp treo, khách sạn cao cấp…", ông Nam cho biết thêm.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng nghỉ dưỡng, đặc biệt là nghỉ dưỡng hạng sang tại khu vực này còn khá thiếu thốn. Theo ghi nhận của phóng viên Đầu tư Bất động sản, hiện nay, Lào Cai hiện mới chỉ có 1 khách sạn 5 sao (Aristo International hotel) trong khi Sapa chưa ghi nhận khách sạn 5 sao nào.
Trong tương lai, Sapa sẽ đón nhận thêm một số dự án khách sạn 5 sao như Silk Path Grand Resort & Spa Sapa, Mgallerry Sapa… Xa hơn nữa, thị trường bất động sản tại Sapa sẽ đón nhận thêm lượng cung mới trên các phân khúc khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng từ các dự án như Resort Bitexco, Resort Suối Hoa, Resort Spa Lao Chải, Resort Thung Lũng Vàng…
…nhưng cần có cách làm phù hợp
Nếu đi đúng hướng và tính toán kỹ lưỡng qua khảo sát, nghiên cứu cung - cầu bất động sản nghỉ dưỡng trên núi, các chủ đầu tư sẽ có cơ hội sinh lời không kém bất động sản ven biển mà độ cạnh tranh rõ ràng ít hơn. Tuy nhiên, không dễ để làm được điều này.
Thống kê từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, khách du lịch đến với các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là Lào Cai và Sapa ngày một tăng, nhưng lượng khách lại phân bổ không đồng đều, tính mùa vụ cao, chủ yếu tập trung vào các lễ hội đầu năm. Ngoài ra, thời gian lưu trú của khách du lịch thường rất ngắn, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp chiếm tỷ trọng không đáng kể, dẫn đến nguồn thu từ du lịch chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Gần đây, xu hướng khách nội địa đến từ các thị trường xa như các tỉnh phía Nam đang có xu hướng tăng lên nhưng mức độ chưa thực sự đáng kể nếu tính theo con số cụ thể. Tỷ trọng khách quốc tế chủ yếu đến từ châu Âu, Úc và Nhật Bản đến Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai; khách Trung Quốc qua các cửa khẩu Lào Cai là chủ yếu.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, lãnh đạo một trong những tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn nhất Việt Nam cho rằng, đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng núi là hướng đi tiềm năng, nhưng không dễ triển khai dù cho có thể có rất nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc mà không nơi nào trên thế giới có được.
Trong thời gian vừa qua, chính quyền các tỉnh đã dần năng động hơn trong chính sách "trải thảm đỏ" mời gọi các chủ đầu tư, bởi họ xác định đây là nguồn động lực phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, từ việc ra chủ trương đến thực hiện là cả một quá trình dài.
Trong phát triển du lịch, điều quan trọng nhất là hạ tầng giao thông, bởi dể liên kết và phát triển du lịch về không gian thì điều kiện tiên quyết là phải có sự kết nối của các tuyến đường giao thông thuận lợi. Đã có một số tuyến đường được đầu tư mới hoặc nâng cấp giúp rút ngắn thời gian di chuyển, thế nhưng, bài toán vẫn chỉ là "di chuyển đường bộ" mà chưa có các phương tiện di chuyển khác thuận tiện hơn như máy bay.
Các khu vực phát triển dự án du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng hiện nay như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đều đã đầu tư khá nhiều vào phát triển hạ tầng hàng không dân dụng để phục vụ nhu cầu của các khách du lịch từ xa hoặc khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, do khó khăn về địa hình, nên không nhiều địa phương miền núi tại phía Bắc có thể làm được.
Chẳng hạn Điện Biên, một trong những địa phương không kém cạnh Lào Cai về khí hậu hay các đặc trưng riêng cho phát triển du lịch miền núi. Ngoài giá trị lịch sử hào hùng của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ tại TP. Điện Biên, thì địa phương này còn sở hữu nhiều hang động, nguồn ước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú như: Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm (Điện Biên), Thẩm Púa (Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông, Huổi Phạ…
Điện Biên hiện nay cũng có sân bay dân dụng Mường Khương, thế nhưng, đây lại là sân bay quân sự trước đây được tận dụng lại và chưa đầu tư vào đường bay mở rộng nên chỉ có 2 tuyến bay ATR72 mỗi ngày với chi phí đắt đỏ tương đương đi Phú Quốc nếu tính từ Hà Nội.
Chi phí cao, dẫn đến việc đa số khách hàng chỉ di chuyển được bằng ô tô với quãng đường dài lên tới 8 - 10 tiếng đồng hồ là một hạn chế khiến du lịch Điện Biên phát triển chậm, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngoài ra, một vấn đề nữa khiến các doanh nghiệp vẫn mới "thăm dò" khi đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng núi là việc xúc tiến quảng bá, liên kết vùng tạo các tour, tuyến du lịch độc đáo trên cơ sở khai thác những điểm đến nổi bật và khác biệt của từng địa phương chưa thực sự nhiều.
Trong khi nhiều địa phương có lợi thế biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc rất tích cực tham gia vào các hội chợ du lịch lớn ở trong và ngoài nước để tận dụng sự hỗ trợ của cơ quan du lịch quốc gia, các tổ chức trong và ngoài nước triển khai e-marketing, ứng dụng công nghệ truyền thông, mạng xã hội để nâng cao hiệu quả quảng bá; tích cực tổ chức đón các đoàn đến khảo sát, xây dựng sản phẩm và quảng bá hình ảnh Tây Bắc đến với du khách trong nước và quốc tế chưa nhiều.
"Khi chưa có sự hỗ trợ để thúc đẩy du lịch, đổ vốn hàng ngàn tỷ vào để đầu tư biệt thự, nghỉ dưỡng, resort…, của các doanh nghiệp địa ốc sẽ như con dao hai lưỡi khi không có ai ở, không khách thuê và hậu quả ngược lại khiến diện mạo địa phương trở nên xấu xí…", vị lãnh đạo tập đoàn đầu tư bất động sản hàng đầu Việt Nam chia sẻ trong chuyến đi thăm kết hợp nhận diện cơ hội đầu tư mới đây tại Lào Cai.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com