Đại diện sàn - nghề vang bóng một thời

(ĐTCK) Năm 2000, TTCK Việt Nam đi vào hoạt động. Thời điểm đó, cứ mỗi sáng, vài chục nam thanh nữ tú từ các CTCK lại tập trung trong căn phòng rộng chừng hơn 200 m2 - là sàn giao dịch tập trung của Trung tâm GDCK TP. HCM - HOSTC (nay là HOSE) để ngồi gõ lệnh mua bán, nhập vào hệ thống giao dịch.
Bàn nhập lệnh tại sàn giao dịch của Trung tâm GDCK TP. HCM - Ảnh:Lê Toàn Bàn nhập lệnh tại sàn giao dịch của Trung tâm GDCK TP. HCM - Ảnh:Lê Toàn

Sàn giao dịch nằm tại tầng trệt khu nhà B (nay là Tòa nhà Exchange Tower mới), là tòa nhà từ thời Mỹ hoàn thành năm 1972. Thời đó, để có nguồn điện nối vào các máy tính, điện được chạy nổi từ mạng âm tường có sẵn trước đó. Bên ngoài phòng được trang bị 4 bình chữa cháy bằng khí lớn để đề phòng những sự cố có thể xảy ra.

Lúc đầu, sàn giao dịch có 12 bàn giao dịch. Mỗi bàn có 3 màn hình giao dịch, màn hình giữa dành cho CTCK dùng để truyền số liệu. CTCK sẽ truyền lệnh vào cho đại diện sàn bằng máy fax, điện thoại bàn, di động (1) hoặc qua màn hình ở giữa. Với phương thức này, khi lệnh đến, đại diện sàn bắt buộc phải gõ thủ công để nhập vào hệ thống. Mỗi bàn sẽ có 2 người nhập lệnh, 1 người đọc và soát lệnh.

Trong giai đoạn đầu khai trương, thị trường khá sôi động, nhiều nhà đầu tư xếp hàng từ 5h sáng những mong khớp được lệnh giao dịch khi thị trường mở cửa. Cũng bởi số lượng nhà đầu tư đông nên xuất hiện tình trạng tranh mua khi thị trường lên và tranh bán khi thị trường xuống, mà giới trong sàn (đại diện sàn) thường gọi là “đua lệnh”.

Lệnh được ưu tiên theo thứ tự thời gian, lệnh nhập vào trước ưu tiên trước, nên tốc độ nhập lệnh của các đại diện là rất quan trọng. Trước khi được chấp nhận làm đại diện sàn, ngoài giấy phép hành nghề môi giới, nhân viên đó còn phải trải qua kỳ huấn luyện sử dụng phần mềm DCTerm. Trong một cuộc kiểm tra thử cho thấy, để nhập xong một lệnh chừng 20 ký tự trên bàn phím, trung bình đại diện sàn mất hơn 3 giây rưỡi để thao tác.

Hồi đó, khớp lệnh định kỳ nên đầu phiên các đại diện sàn bắt đầu đua lệnh, nhập lệnh vào hệ thống càng nhanh càng tốt. Vì thế, nhiều đại diện sàn đã nghĩ cách thức “ăn gian” nhằm đua lệnh nhanh như gõ lệnh sẵn, đến giờ giao dịch chỉ cần cắt dán lệnh vào hệ thống nên “năng suất” giao dịch tăng vọt... Tuy nhiên, điều này cũng chỉ thực hiện được vài tuần, đội ngũ giám sát và công nghệ thông tin của HOSTC đã phát hiện và ngăn chặn. Thật ra, đối với đại diện sàn, muốn thực hiện vào lệnh nhanh thì thao tác càng phải đơn giản. Bởi tính quan trọng như thế nên đại diện sàn là vị trí vô cùng quan trọng với mỗi CTCK.

Tới năm 2005 - khi thị trường đang ở mức đỉnh tăng trưởng, sàn giao dịch được chuyển sang nhà A - một tòa nhà kiến trúc Pháp rất đẹp và tráng lệ, bởi khi đó làn sóng thành lập CTCK bùng nổ, đã có 108 CTCK được thành lập chỉ trong khoảng thời gian vài năm. Để CTCK nào cũng có vị trí riêng, sàn giao dịch đã mở rộng, bàn nhập lệnh hàng hàng lớp lớp nhưng vẫn không đủ đáp ứng hết nhu cầu. Chính bởi những bất cập của phương thức giao dịch tập trung, nên giải pháp nâng cấp tăng đợt khớp lệnh, nhập lệnh từ xa được lãnh đạo HOSTC cho gấp rút triển khai.

Cuối cùng, hệ thống giao dịch trực tuyến chính thức được đưa vào áp dụng từ năm 2009. Sàn giao dịch trở nên vắng lặng, bởi giờ đây, các CTCK chỉ cần ngồi tại CTCK đã có thể nhập lệnh giao dịch vào hệ thống máy chủ của Sở. Có chăng, thi thoảng mới có một nhân viên của CTCK nào đó vào sàn giao dịch để thực hiện nhập lệnh khi đường truyền của CTCK tại thời điểm đó có xảy ra trục trặc. Qua bao nhiêu năm, sàn GDCK tập trung vẫn còn đó. Lãnh đạo HOSE đã quyết định giữ nguyên khu vực này như một “nhân chứng sống” về giai đoạn đầu phát triển của TTCK Việt Nam.

Trong lịch sử của TTCK Việt Nam, nghề đại diện sàn có lẽ là một nghề được sinh ra rồi mất đi theo quy luật phát triển trong thời gian ngắn nhất, nhưng cũng đã đạt đến đỉnh cao khi nó góp phần quyết định sự thành công của một CTCK trong phát triển khách hàng. Những nhân sự của ngành tài chính - chứng khoán đã từng đảm nhận ví trí đại diện sàn hẳn sẽ không bao giờ quên một quãng thời gian thú vị vào sàn giao dịch tập trung mỗi sáng, thậm chí với nhiều người, đó là giai đoạn có ý nghĩa lớn trong sự nghiệp!

(1) Sau này có công văn cấm dùng điện thoại di động trong sàn giao dịch nhằm đảm bảo sự công bằng đối với các nhà đầu tư và tránh những lợi ích cá nhân khác.

Phúc Nam, Ghi theo lời kể của một cán bộ có thời gian dài công tác tại HOSE

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục