Dấu ấn doanh nghiệp đầu tiên niêm yết

(ĐTCK) Gần 15 năm trôi qua, câu chuyện về những ngày chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên Sàn GDCK còn đọng lại trong tâm trí ông Đỗ Văn Trắc, lúc đó là Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông (SAM), một trong hai công ty niêm yết đầu tiên trên TTCK Việt Nam.
Dấu ấn doanh nghiệp đầu tiên niêm yết

Bắt đầu từ cổ phần hóa

SAM tiền thân là Nhà máy vật liệu bưu điện II (được thành lập năm 1986), là đơn vị đầu tiên trong ngành bưu chính viễn thông Việt Nam và tỉnh Đồng Nai cổ phần hóa vào năm 1998. Ông Trắc kể lại, một năm sau cổ phần hóa, bác Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn đầu đoàn cán bộ về thăm Công ty. Tại cuộc làm việc này, bác Mười yêu cầu Tổng giám đốc báo cáo sau cổ phần hóa, Nhà nước, người lao động, cổ đông được gì và không được gì; Công ty được gì và mất gì.

“Tôi đã báo cáo rất kỹ những vấn đề này và bác động viên đã làm tốt thì cố gắng làm tốt hơn, làm thế nào để vốn Nhà nước tăng lên. Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là khi ra cửa, bác nhìn chăm chú lên cột cờ. Tôi được anh Thanh, trợ lý của bác nhắc khẽ có vấn đề bác sẽ hỏi đấy. Tôi lúc đó giật mình ngước lên khu cột cờ và nhận ra vấn đề.

Ba lá cờ được treo lên là cờ Đảng, cờ Tổ quốc và cờ doanh nghiệp. Khoen treo cờ doanh nghiệp được thiết kế thấp hơn cờ Đảng và cờ Tổ quốc, nhưng hôm đó chẳng hiểu thế nào mà trưởng ban bảo vệ không kéo dây hết, nên ba lá cờ cao thấp không đúng vị trí. Tôi nhìn lên phát hiện ra nên đến nhận lỗi với bác. Bác bảo, mọi việc phải chú ý kỹ vì đây là bộ mặt công ty. Kỷ niệm này đối với tôi rất có giá trị vì sau cổ phần hóa, doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới cho cả hoạt động quản trị và điều hành Công ty. Nếu không kỹ, mọi người không thống nhất như nhau thì khó làm đúng, khó thành công”, ông Trắc nhớ lại kỷ niệm.

Theo ông Trắc, cổ phần hóa là bước đi quan trọng mà nhờ đó, doanh nghiệp tự chủ về nguồn vốn, về quyết định trong kinh doanh, mở ra cơ hội tốt để SAM từ một xí nghiệp sản xuất nhỏ, nay đã lớn mạnh cả về quy mô vốn, lẫn ngành nghề lĩnh vực kinh doanh. 

Đến tìm chỗ mua - bán cho cổ đông

Sau cổ phần hóa, qua các phương tiện truyền thông, ông Trắc biết được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trù bị thành lập TTCK Việt Nam. Ông Trắc chia sẻ, mục đích niêm yết lúc đầu đơn giản xuất phát từ mong muốn cổ đông có nơi giao dịch mua bán cổ phần.

Tuy nhiên, việc niêm yết đối với Công ty cũng không đơn giản. Ông Trắc cùng các cộng sự đã phải vận động lãnh đạo cấp trên, cổ đông lớn (VNPT khi đó vẫn giữ 49% cổ phần). Trong số các lãnh đạo, cũng có người kiên quyết phản đối vì sợ lộ bí mật kinh doanh, có thể bị thôn tính. Nhưng cuối cùng, ĐHCĐ Công ty đã thông qua việc niêm yết.

Một nhóm công tác chuẩn bị niêm yết được thành lập theo Quyết định của HĐQT. Căn cứ vào các quy định khi đó, SAM đạt được tất cả các tiêu chí: về lợi nhuận các năm trước, kế hoạch kinh doanh hiện tại và tương lai, trình độ quản lý. Tuy vậy, để viết một Bản cáo bạch được cơ quan Nhà nuớc chấp thuận thì đây là một điều khó khăn đối với Công ty lúc đó. Nhóm cán bộ của SAM khi đó đã tự mày mò làm Bản cáo bạch và đã mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện và gửi lên UBCK, Bộ Tài chính. Trong khi đó, CTCP Cơ điện lạnh (REE) với sự trợ giúp của  Dragon Capital, Bản cáo bạch gần như được chấp nhận ngay.

“Bài học là nếu chưa đủ khả năng làm việc gì thì cần thuê tư vấn bên ngoài. Ngày đó, đáng ra nên thuê một công ty nước ngoài viết Bản cáo bạch sẽ không mất nhiều thời gian, công sức”, ông Trắc cười nói.

Cuối cùng, SAM cùng với REE là 2 doanh nghiệp đầu tiên niêm yết. Sau khi niêm yết, giá cổ phiếu SAM tăng “vù vù”, ông Trắc lại lo lắng vì doanh nghiệp vốn vẫn thế mà giá cổ phiếu tăng cao quá, cổ đông kỳ vọng nhiều, tạo áp lực cho doanh nghiệp. Là 1 trong 2 doanh nghiệp đầu tiên niêm yết nên đối với ông Trắc, bài học về sự kỹ càng, chỉn chu càng được ông tâm niệm. Vì Công ty niêm yết phải thường xuyên công bố thông tin cho dù tốt hay xấu, nên nhờ những thông tin tích cực mà thị trường cáp viễn thông cũng như doanh nghiệp đã phát triển mạnh trong vài năm sau đó, rất nhiều nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư thiết bị để sản xuất ngành nghề như SAM.

Ông Trắc đúc kết, nếu không có cổ phần hóa, không có TTCK và nếu SAM không đi trước một bước thì chắc chắn không có SAM như ngày hôm nay với vốn điều lệ tăng gấp 11 lần, vốn chủ sở hữu tăng hơn 20 lần. Trong 15 năm lên sàn chứng khoán, đặc biệt từ năm 2003 đến nay, SAM đã 6 lần tăng vốn điều lệ bằng chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và 2 lần phát hành tăng vốn cho cổ đông chiến lược.

“Nhờ cổ phần hóa và niêm yết, SAM đã có những bước đi vững chắc trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai”, ông Trắc nhấn mạnh. 

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,254.39 11.11 0.89% 221,499 tỷ
HNX 238.78 1.82 0.76% 2,240 tỷ
UPCOM 92.1 0.49 0.53% 916 tỷ