“Đại dịch Covid-19 đang và sẽ thay đổi cách thức vận hành nền kinh tế”

(ĐTCK) Đó là quan điểm của TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam. 
Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: phát triển sản xuất và phòng chống dịch bệnh Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: phát triển sản xuất và phòng chống dịch bệnh

Đại dịch khiến tất cả các dữ liệu kinh tế của quốc gia và doanh nghiệp biến chuyển theo một hướng mới. Sau 4 tháng đầu năm, ông thấy gì ở những con số?

Bức tranh kinh tế tháng 4 cho thấy nền kinh tế đã “ngấm” nặng hơn với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Các biện pháp “giãn cách xã hội” để phòng chống dịch bệnh trong tháng 4 ở Việt Nam và trên thế giới, nhất là tại các nước đối tác quan trọng của Việt Nam, đã khiến cả cung và cầu đều “rơi” mạnh. Ở phía cung, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2020 ước tính giảm 13,3% so với tháng trước và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước; trong khi sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng gặp khó khăn còn do hạn hán, xâm nhập mặn và dịch Covid-19.

“Đại dịch Covid-19 đang và sẽ thay đổi cách thức vận hành nền kinh tế” ảnh 1

TS. Võ Trí Thành

Tổng cầu cũng sụt giảm mạnh, thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 giảm tới 20,5% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 9,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,8%).

Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước chỉ đạt 19,7 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4 cũng chỉ đạt 20,4 tỷ USD, giảm 7,9% so với tháng trước; tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 79,89 tỷ USD, chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Đáng quan ngại hơn là dịch bệnh đã bào mòn sức khỏe của doanh nghiệp - những hạt nhân của nền kinh tế. Bởi vậy, nếu dịch bệnh không sớm được khống chế, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp buộc phải rời bỏ thị trường. Điều đó không chỉ ảnh hướng tới sự phục hồi của nền kinh tế mà còn gây nguy cơ bất ổn về mặt xã hội khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thu nhập của người lao động sụt giảm.

Nới lỏng giãn cách xã hội và thực hiện “mục tiêu kép”, ông đánh giá chủ trương này thế nào và liệu có cần thiết phải duy trì tăng trưởng cao?

Tôi cho rằng, quyết định này là hoàn toàn hợp lý, bởi chừng nào chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị, chừng đó chúng ta phải xác định “chung sống an toàn với dịch bệnh”. Theo đó, một mặt chúng ta tiếp tục triển khai các giải pháp để phòng chống, khống chế dịch; mặt khác vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thực tế cũng cho thấy, các biện pháp “giãn cách xã hội” để ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19 trong 2 - 3 tuần đầu tháng 4 vừa qua gây nhiều tổn hại cho sản xuất - kinh doanh.

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, dù dịch bệnh còn hoành hành, diễn biến phức tạp hơn Việt Nam rất nhiều, song cũng tính tới chuyện mở cửa nền kinh tế nếu không muốn nền kinh tế sụp đổ, doanh nghiệp phá sản hàng loạt.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia đến nay thành công trong việc cơ bản khống chế được dịch. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng để có thể “sống chung an toàn với dịch và nguy cơ dịch”, để mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh dần quay về trạng thái bình thường và triển khai được các bước phục hồi kinh tế tiếp theo, dù trước mắt mới cơ bản là “mở” thị trường trong nước.

Như ông đã nói, dịch bệnh đã bào mòn đáng kể sức khỏe của các doanh nghiệp. Theo ông, các biện pháp hỗ trợ hiện nay đã đủ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn?

Hiện Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, về tài khóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ước tính, có tới 98% số doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dành ra 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng chính sách, người lao động bị mất việc; rồi có thêm Nghị quyết 43 về miễn, giảm thuế phí lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp gặp khó khăn còn được tạm hoãn đóng phí bảo hiểm…

Bên cạnh các chính sách tài khóa, còn có các biện pháp hỗ trợ về tiền tệ. Theo đó, NHNN đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất, phí cho doanh nghiệp. Song song với đó, các ngân hàng cũng triển khai hàng loạt chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp. Ước tính quy mô các gói hỗ trợ tín dụng này lên tới gần 600.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần con số 250.000 tỷ đồng được đề cập trong Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mặc dù quy mô các gói hỗ trợ này còn khiêm tốn khi so với nhiều quốc gia, song đó cũng là một sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong bối cảnh nguồn lực hạn chế. Đặc biệt, thu ngân sách năm nay được dự báo sẽ giảm mạnh do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Dù thực thi chưa được như kỳ vọng, song tinh thần chung là việc triển khai các gói hỗ trợ phải minh bạch, “trúng” và kịp thời.

Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này cũng chỉ làm vơi đi phần nào những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, chứ không thể giải quyết được tận gốc những khó khăn này. Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là sự đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa toàn cầu do các biện pháp cách ly để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh cùng tổng cầu sụt giảm. Bởi vậy, khó khăn này chỉ chấm dứt khi nào dịch bệnh được cơ bản kiểm soát trên bình diện toàn cầu mà thôi.

Có lẽ dư địa hỗ trợ nền kinh tế chúng ta không còn lớn…?

Theo tôi, mặc dù ngân sách eo hẹp, song nếu “khéo co” cộng với việc tận dụng tốt những hỗ trợ từ quốc tế, chúng ta vẫn có thể ít nhiều có nguồn lực, dư địa để thực hiện hỗ trợ kinh tế cho giai đoạn hồi phục, tăng trưởng kinh tế.

Lưu ý như gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cơ bản là sử dụng nguồn tăng thu của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương năm 2019, nguồn dự trữ ngân sách và khoản tiết kiệm chi thường xuyên năm nay. Hay về thuế và tiền thuê đất mới là chính sách hoãn, gia hạn nộp. Đầu tư công năm 2020 chỉ là đẩy nhanh giải ngân một cách hiệu quả nguồn vốn chưa “tiêu được” năm 2019 (do triển khai rất chậm) cùng vốn kế hoạch năm 2020. Nguồn dự trữ ngoại hối từ đầu năm vẫn tăng.

Dư địa chính sách còn, tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, chúng ta cần tập trung vào những ngành, những lĩnh vực có khả năng phục hồi tốt, tạo sức bật cho nền kinh tế cũng như tạo tác động lan tỏa sang các ngành, lĩnh vực khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp hỗ trợ tăng trưởng khả thi và hiệu quả nhất hiện nay là đẩy nhanh tiến trình giải ngân đầu tư công. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Tôi muốn nhấn mạnh lại, khống chế dịch cùng “mở cửa” trở lại nền kinh tế là yếu tố vô cùng quan trọng để phục hồi kinh tế, tạo đà tăng trưởng trở lại. Trong bối cảnh tổng cầu suy giảm, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thì giải ngân thúc đẩy đầu tư công là một giải pháp rất nặng ký để góp phần duy trì tăng trưởng. Ước tính, còn khoảng 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân từ nay đến cuối năm. Đây là một nguồn lực không nhỏ.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công còn tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, kéo theo nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Ước tính, nếu 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công giải ngân được, thì sẽ đóng góp ít nhất 1,5 - 2 điểm phần trăm cho tăng trưởng.

Gần đây, chúng ta nói nhiều về cơ hội, theo ông đâu là cơ hội rõ nhất?

Thảm họa dịch Covid-19 là biến cố không ai mong đợi. Nhưng trong “nguy” bao giờ cũng có cơ hội nhìn lại, xoay chuyển tình thế và cải tổ chính mình, cả nền kinh tế và từng doanh nghiệp.

Việt Nam hội nhập sâu rộng, nền kinh tế cũng đã đủ lớn. Chúng ta cần đi bằng cả hai chân, tận dụng tốt hơn nữa thị trường trong nước cùng khai thác thị trường nước ngoài.

Với một đất nước tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs) như Việt Nam, thì không thể không có góc nhìn đa dạng về lựa chọn, chuyển hướng thị trường và đối tác cũng như cách thức tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Kết quả ở đây phải là năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ được nâng cao.

Đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội và động lực để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số vừa là theo xu thế, vừa là cách thức nâng cao chất lượng quản trị, kết nối thích hợp với chiến lược mới.

Việc đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững cùng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh chính là những nền tảng tốt tạo sức bật cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới chứa đựng nhiều rủi ro, bất định (thiên tai, dịch bệnh, bất ổn tài chính…), việc đảm bảo ổn định vĩ mô và khả năng chống chịu của nền kinh tế là rất quan trọng. Gia cố và đảm bảo sức khỏe cho hệ thống tài chính - ngân hàng phải luôn được dành sự quan tâm đặc biệt.

Hồng Dung thực hiện.
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục