Trước khi phiên tòa diễn ra, Công ty Thiên Phú – một nguyên đơn dân sự trong vụ án đã từng có đơn thư kiến nghị Tòa án xem xét giải quyết để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công ty là phần vốn góp trong Dự án khai thác mỏ khoáng sản ở Lào.
Được biết, vụ án đã được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2 từ tháng 5/2016. Hơn một năm sau, vụ án mới được đưa ra xét xử phúc thẩm. Nhưng đây không phải lần đầu tiên vụ án bị kéo dài.
Vụ việc phát sinh từ năm 2007, đến nay đã 10 năm, qua nhiều phiên tòa, nhiều cấp xét xử, vụ án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần rồi lại bị hủy án điều tra lại nhưng vẫn chưa có kết quả.
Theo nội dung phiên tòa, bị cáo Thái Lương Trí, nguyên là Giám đốc TNHH Thái Dương Nghệ An. Công ty Thái Dương Nghệ An có hợp đồng hợp tác với Công ty khai thác khoáng sản Thảo Oong Khăm (Lào) do ông Oong Khăm Sivilay làm Giám đốc để cùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng tại mỏ Huổi Chừn, huyện Xăm Tạy, tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác này, bị cáo Trí đã kêu gọi, tìm kiếm đối tác trong nước cùng đầu tư vào dự án. Hai công ty gồm CTCP Dịch vụ dạy nghề Thái Dương (ông Đoàn Văn Huấn làm Giám đốc) và Công ty TNHH Thiên Phú (bà Chu Thị Thành làm Giám đốc) đồng ý tham gia dự án này.
Quá trình đầu tư ông Đoàn Văn Huấn và bà Chu Thị Thành đã phát hiện cổ phần góp vốn của mình không cánh mà bay.
Cụ thể, sau khi Công ty Dạy nghề Thái Dương và Công ty Thiên Phú thỏa thuận góp vốn, các bên đã tiến hành thủ tục xin cấp phép đầu tư ra nước ngoài.
Năm 2008, Công ty TNHH Cổ phần Khoáng sản Lào – Việt nhận giấy phép thành lập với các cổ đông gồm ông Oong Khăm Sivilay (35%), bị cáo Thái Lương Trí (37%), ông Đoàn Văn Huấn (18%), bà Chu Thị Thành (10%). Vốn điều lệ của công ty là 1,5 triệu USD, mỗi cổ phần là 10 USD.
Bị cáo Thái Lương Trí là Chủ tịch HĐQT, ông Đoàn Văn Huấn là Tổng giám đốc, ông Oong Khăm Sivilay và bà Chu Thị Thành là Phó Tổng giám đốc.
Để chiếm đoạt cổ phần của hai cổ đông còn lại, bị cáo Thái Lương Trí đã thực hiện một loạt thủ đoạn gian dối như mượn cổ phần cùa ông Huấn, bà Thành để được làm Chủ tịch HĐQT, tạo ra mâu thuẫn nội bộ bằng cách không bổ nhiệm các chức danh công ty, tự xưng là Giám đốc để làm thủ tục giấy phép đăng ký kinh doanh, xin giấy phép khắc dấu, chỉ đạo Dương Minh Hải soạn tờ trình xin thành lập Công ty Liên doanh khoáng sản Lào Việt.
Tháng 8/2008, Công ty cổ phần Khoáng sản Lào – Việt bị rút giấy phép đăng ký doanh nghiệp. Khi Công ty Liên doanh khoáng sản Lào – Việt (tại Lào) được cấp phép thành lập, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có duy nhất bị cáo Thái Lương Trí góp 65%, hoàn toàn không ghi nhận tỷ lệ vốn góp của bà Thành, ông Huấn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Thái Lương Trí tiếp tục kêu oan. Đại diện Công ty Thái Dương khẳng định, không có chuyện chiếm đoạt và cho rằng theo thỏa thuận các bên góp vốn vào Công ty Thái Dương Nghệ An vì chỉ công ty này được cấp phép đầu tư ra nước ngoài.
Trong khi đó, ông Đoàn Văn Huấn và bà Chu THị Thành cho rằng, không góp vốn vào Công ty Thái Dương Nghệ An vì công ty này không có giá trị. Việc góp vốn là góp vốn vào mỏ Huổi Chừn để đầu tư, khai thác. Các phiếu thu, thỏa thuận đều ghi rõ việc này.
Giấy phép đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần Khoáng sản Lào - Việt ghi rõ tỷ lệ vốn góp của ông Huấn, bà Thành. Nhưng đến khi Liên doanh Lào – Việt thành lập thì chỉ có cổ đông nước ngoài duy nhất là ông Thái Lương Trí (65%), hoàn toàn không ghi nhận vốn góp của 2 công ty Việt Nam khác. Như vậy là phần vốn góp đã bị chiếm đoạt.
Trước câu hỏi của Hội đồng xét xử cho rằng sau này tỷ lệ vốn góp đã được khôi phục lại, ông Huấn cho rằng đó chỉ là việc khắc phục thiệt hại. Hành vi chiếm đoạt của ông Trí đã hoàn tất thể hiện ở chỗ vốn góp cổ phần chỉ có ông Trí.
“Thực chất tôi đã mất (cổ phần – PV), sau khi cơ quan công an điều tra thì mới được khôi phục”, ông Huấn nói.
Được biết, việc đầu tư khác thác mỏ đá diễn ra cách đây cả chục năm, nhưng do vụ án kéo dài nên hoạt động của các doanh nghiệp liên quan bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngày 19/7, Hội đồng xét xử sẽ tiếp tục làm việc. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 17 - 21/7.