Tổng CTCP Phát triển khu công nghiệp Sonadezi là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp, có vốn điều lệ 3.765 tỷ đồng. Hiện Nhà nước vẫn đang sở hữu hơn 99% cổ phần, do UBND tỉnh Ðồng Nai nắm giữ.
Công ty hoạt động kinh doanh khá hiệu quả. Năm 2019, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 5.229 tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.164 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch.
Năm 2020, Công ty đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 4.583 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 914 tỷ đồng. Quý đầu năm, Sonadezi đã hoàn thành gần 30% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm với doanh thu đạt 1.078 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 270,6 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chỉ tiêu sức khỏe tài chính của Công ty cũng rất tích cực, với 1.078 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, hơn 430 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển, 182 tỷ đồng vốn khác của chủ sở hữu và 107 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần tại thời điểm cuối quý I.
Hoạt động trong lĩnh vực có triển vọng tích cực, hiệu quả kinh doanh tốt, nên kế hoạch thoái vốn nhà nước tại Sonadezi thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư.
Trong vòng 3 tháng gần đây, giá cổ phiếu SNZ trên thị trường UPCoM đã tăng từ mức 18.000 đồng/cổ phiếu lên mức cao nhất là 28.000 đồng/cổ phiếu và hiện đang giao dịch ở mức 25.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đây, theo Quyết định 1232/QÐ-TTg, Sonadezi nằm trong kế hoạch thoái một phần vốn nhà nước trong năm 2017 (34,54%) và đến năm 2019 thoái tiếp 29%. Tuy nhiên, năm 2017, Sonadezi chưa thực hiện thoái vốn theo kế hoạch.
Sau đó, Sonadezi muốn thay đổi kế hoạch, thoái vốn một lần xuống còn 36%. Nhóm người đại diện phần vốn Nhà nước đã có báo cáo xin thay đổi lộ trình gửi UBND tỉnh Đồng Nai để trình Thủ tướng Chính phủ.
Mới đây nhất, ngày 29/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 908/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.
Theo danh sách này, Sonadezi được chấp thuận thoái vốn Nhà nước một lần xuống còn 36%.
Từng có đại hội, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai tham dự cuộc họp đã nhắc nhở Sonadezi thực hiện thoái vốn Nhà nước theo đúng quy định và công tác thoái vốn tại các công ty thành viên lưu ý phải đảm bảo số lượng cổ đông để niêm yết trên sàn, đảm bảo công khai, minh bạch và cổ tức của Công ty mẹ đảm bảo ít nhất phải bằng lãi suất ngân hàng.
Dẫu trông chờ, nhưng điều mà nhiều cổ đông Công ty cũng như giới đầu tư băn khoăn là liệu Sonadezi có kịp thoái vốn đúng hạn.
Bởi chỉ còn 5 tháng nữa là hết năm 2020, trong khi Sonadezi là doanh nghiệp lớn, công tác thoái vốn Nhà nước đòi hỏi nhiều thủ tục và phải được cơ quan đại diện vốn phê duyệt.
Chưa kể, còn nhiều thông tin khác được cổ đông trông chờ như thoái vốn sẽ tiến hành theo phương thức đấu giá công khai hay phương thức khác, việc thuê công ty thẩm định giá cổ phần ra sao... cũng chưa được phía Công ty công bố.
Ngoài đợt thoái vốn nhà nước tại Sonadezi, thị trường cũng quan tâm đến kế hoạch thoái vốn của tổng công ty này tại CTCP Cấp nước Đồng Nai Dowaco.
Theo báo cáo của Sonadezi, việc thoái vốn tại Dowaco đang có vướng mắc trong hồ sơ miễn giảm tiền thuế đất và công tác quyết toán các dự án hệ thống cấp nước.
Tuy chỉ có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng nhưng với tổng công suất cấp nước gần 500.000 m3/ngày và đang triển khai dự án Nhơn Trạch 2 để tăng thêm 100.000 m3/ngày, CTCP Cấp nước Đồng Nai (Dowaco) là công ty có công suất cấp nước đứng thứ 3 toàn quốc (chỉ đứng sau Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn và Tổng công ty Cấp nước Hà Nội).
Thoái vốn tại Dowaco có sức hấp dẫn với nhà đầu tư trong bối cảnh vài năm gần đây, có một số nhà đầu tư đang thâu tóm các doanh nghiệp cấp nước.
Trong văn bản gửi ĐHCĐ năm 2020, một cổ đông cá nhân của Sonadezi kiến nghị Công ty cẩn trọng trong công tác thoái vốn ở CTCP Cấp nước Đồng Nai (và các đơn vị thành viên nếu có), tuân thủ chặt chẽ tất cả các quy định của Nhà nước, tránh không để xảy ra sai sót trong thoái vốn để không tiềm ẩn nguy cơ thất thoát vốn và tài sản nhà nước.