Đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn thất thoát thuế từ Uber, Grab

Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại thực trạng thất thu thuế tại các doanh nghiệp nước ngoài không có trụ sở tại Việt Nam nhưng lại có doanh thu "khủng".
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân.Ảnh: Q.H

Sáng nay (16/11) Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng là vị tư lệnh ngành đầu tiên đăng đàn chất vấn và trả lời chất vấn trước nghị trường. Hai nhóm vấn đề đại biểu sẽ chất vấn Bộ trưởng Tài chính gồm công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế, thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chuyển gia), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững và giải pháp tăng cường quản lý nợ công. 

Chia sẻ với VnExpress, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng cải cách thủ tục thu thuế của ngành tài chính vừa qua đã làm rất tốt khi chuyển từ kê khai giấy sang điện tử, rút ngắn thời gian kê khai thuế. Tuy nhiên, ông Cường nhìn nhận, những hình thức thu thuế hiện nay vẫn mang tính truyền thống, trong khi xã hội biến chuyển rất nhanh. Hình thức kinh doanh hiện đã phát sinh nhiều loại mới, như bán hàng trên mạng, chủ thể kinh doanh ở nước ngoài nhưng kiếm doanh thu 'khủng' ở Việt Nam như Uber, Grab... thì ngành tài chính lại chưa kiểm soát được.

"Tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Tài chính về kế hoạch thay đổi trong phương thức thực hiện kiểm soát giao dịch kinh doanh, thu thuế không phải theo truyền thống, để tránh tình trạng thất thoát thuế hiện nay", Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ.

Ông Cường nói thêm, chắc chắn thời gian tới nếu chúng ta không thay đổi phương thức thu thuế thì những thất thoát trong thu thuế như trường hợp của Uber, Grab sẽ càng khó khăn.

"Đây là chuyện phải làm chứ không thể chần chừ. Nếu ngành tài chính không làm được việc này thì trong tương lai chúng ta sẽ không kiểm soát được, số thuế thất thu sẽ rất lớn", ông nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Tất Thắng – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, phương thức thu thuế của cơ quan quản lý ngành thuê - tài chính cần thay đổi để thích ứng với những loại hình kinh doanh phát triển mới như kinh doanh qua mạng, chủ thể kinh doanh không ở Việt Nam mà doanh thu lại rất lớn... 

"Dù chính sách pháp luật luôn đi sau thực tế và chính sách mới khi ban hành để có tác dụng trong thực tiễn có độ trễ nhất định. Tuy nhiên đã tới lúc không thể đứng ngoài, dù đi sau cũng phải đi", ông Thắng nói.

Hồi giữa tháng 7/2017, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế TP HCM kiểm tra nộp thuế của Grab, Uber từ khi kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi các hãng taxi truyền thống cho rằng phải chịu nhiều loại thuế, phí, thì Uber, Grab chỉ chịu mức thuế chiếm 4-5 % doanh thu.

Sau thanh tra, Cục thuế TP HCM đã ra quyết định truy thu gần 67 tỷ đồng đối với Uber, trong đó tiền phạt hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp gần 10,3 tỷ đồng và tiền truy thu thuế gần 51,48 tỷ. Trong số thuế bị truy thu, có hơn 26,3 tỷ đồng là thuế VAT khấu trừ nộp thay, hơn 14,6 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay và gần 10,5 tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà thầu nước ngoài.

Còn với Grab, theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp này tổng doanh thu 3 năm 2014-2016 là 1.755 tỷ, số thuế đã kê khai và nộp là hơn 9,5 tỷ. Tuy nhiên, vừa qua, Cục Thuế TP HCM đã thanh tra pháp luật thuế 3 năm với đơn vị này. Kết quả đã xử lý vi phạm sau thanh tra gần 3 tỷ đồng, trong đó truy thu thuế gần 2,3 tỷ. Hiện Grab đã nộp đủ số thuế trên. 

Công bằng trong nghĩa vụ, quyền lợi của người dân làm ăn, kinh doanh phải đóng thuế cũng là điều đại biểu Phạm Phú Quốc - Tổng giám đốc công ty đầu tư tài chính nhà nước TP HCM muốn dành câu hỏi cho Bộ trưởng Tài chính tại phiên chất vấn. 

Theo ông Quốc, số liệu báo cáo về nợ đọng thuế hiện rất lớn, "Bộ trưởng phải có trách nhiệm trong tính toán vấn đề này, đảm bảo công bằng giữa doanh nghiệp và tạo hành lang thông thoáng cho người đóng thuế".

"Phải tạo hành lang thông thoáng để đóng thuế trở thành vinh dự của người dân, doanh nghiệp. Họ cảm thấy đây là trách nhiệm và cũng thấy quyền lợi của mình trong đó, chứ nếu liên tục các cuộc thanh tra, kiểm tra, làm khó doanh nghiệp... họ sẽ tìm mọi cách để đối phó", ông nói. 

Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP HCM) - Tổng giám đốc công ty đầu tư tài chính nhà nước TP HCM.Ảnh: Q.H

Ông Quốc cũng cho biết sẽ chất vấn trưởng ngành tài chính vấn đề quản lý ngân sách Nhà nước, quản lý nguồn vay vốn từ nước ngoài trong bối cảnh đất nước đạt ngưỡng thu nhập trung bình, những khoản vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế gần như không còn và chuyển dần sang vay thương mại.

"Trong nhiệm kỳ tài chính này một nửa khoản vay mới vay về dành trả nợ cũ, vậy tỏng quản lý ngân sách Nhà nước các khoản vay mới này sẽ vay theo hình thức thương mại của nước ngoài, hay định hướng các nguồn vay trong nước?", câu hỏi này ông Quốc cho biết sẽ dành gửi tởi Bộ trưởng Tài chính tại phiên chất vấn hôm nay.

Về giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ, Bộ Tài chính cũng có phần trách nhiệm trong việc kiểm soát tiền tệ. Tiền để trong két không tiêu được, trong khi chúng ta vẫn phải trả lãi, đó là lãng phí. Năm nay giải ngân đầu tư công đã chậm rồi thì sang năm phải có kế hoạch thế nào để làm tốt hơn? Cần phải đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tài chính về việc này.


Theo VnExpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục