Đại biểu Quốc hội đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp quyết liệt hơn

(ĐTCK) Trung bình mỗi tháng vẫn có 18.200 doanh nghiệp rời thị trường dù kinh tế phục hồi, đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu vấn đề này và tăng cường "tiếp sức" doanh nghiệp, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần quyết liệt hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) phát biểu sáng 4/11.

Tại buổi thảo luận hội trường sáng 4/11 về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm 2024 số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 86.900 doanh nghiệp, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước; gần 61.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 33,4%; 15.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,9% so với năm 2023.

Như vậy, bình quân mỗi tháng có 18.200 doanh nghiệp rút khỏi thị trường; tỷ lệ số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trên số doanh nghiệp tham gia thị trường 9 tháng đầu năm 2024 là 89,7% cao hơn mức 79,3% của năm 2023.

Theo đại biểu, chúng ta cần đánh giá kỹ hơn số liệu doanh nghiệp thành lập mới cũng như doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động; trên cơ sở đó có sự phân tích và có giải pháp cụ thể.

Đồng quan điểm, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra trong những tháng còn lại của năm 2024, Chính phủ cần tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Đồng thời, thực hiện hiệu quả các giải pháp tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống, nhất là xuất khẩu, đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới.

Dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu đánh giá, dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ở mức kỷ lục, điều này cho thấy sự phục hồi sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường.

Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang)

Trong đó, xuất khẩu khu vực FDI đạt tỷ trọng cao cho thấy các doanh nghiệp của khu vực này đang làm ăn rất tốt, trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước, thể hiện qua việc nhiều tập đoàn lớn đến nghiên cứu và cam kết đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, ông Sinh đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn, đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn, nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, thông qua thương mại điện tử và mạng xã hội.

Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, chủ trì sự liên kết để phát triển khu vực; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, công nghệ chế biến sâu, phát triển các mô hình sản xuất mới, phương pháp nuôi trồng hiện đại.

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) cho rằng, tăng trưởng tín dụng hỗ trợ lãi suất giảm lãi cho vay chưa đạt mục tiêu đề ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn.

"Tuy tốc độ tăng trưởng, năng suất lao động đã đạt, vượt kế hoạch đề ra sau 3 năm không đạt được, nhưng vẫn còn ở mức thấp", ông Thắng nói và đề nghị Chính phủ đánh giá, phân tích rõ nguyên nhân của kết quả này, đưa ra giải pháp phát huy hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam)

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính, lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.HCM) đồng tình với báo cáo của Chính phủ trong năm 2025, phấn đấu tăng trưởng 6,5-7% và cao hơn nữa 7-7,5%.

Về các nhóm giải pháp trọng tâm của Chính phủ trong thời gian tới, ông Ngân nhấn mạnh giải pháp tái cơ cấu sản phẩm xuất khẩu để gia tăng giá trị cho nền kinh tế đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, tạo giá trị gia tăng như nông sản, thủy sản.

"Gần đây, chúng ta rất vui mừng khi các sản phẩm công nghệ Việt Nam đã được xuất khẩu đi nước ngoài như chip, phần mềm, hơn 1.500 doanh nghiệp số ở Việt Nam đã đi ra nước ngoài", đại biểu Ngân thông tin.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.HCM)

Về giải pháp thúc đẩy đầu tư toàn xã hội, ông Ngân khẳng định hiện tổng vốn đầu tư xã hội tăng lên, trong đó vốn đầu tư từ dân doanh vẫn còn thấp, vốn tại khu vực FDI tăng cao.

Chính vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua hàng loạt các chính sách luật, nghị quyết nhằm tháo gỡ điểm nghẽn thể chế kinh tế, cải thiện môi trường, huy động các nguồn lực trong phát triển kinh tế, ông Ngân cho rằng đây là những tín hiệu rất tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn TPHCM cho rằng, tiêu dùng nội địa đã tăng song vẫn chưa đạt được tỉ lệ hai con số như thời gian trước khi xảy ra đại dịch Covid-19; do đó, đại biểu đề nghị cần phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế, khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Đặc biệt, ông Ngân đề xuất quan tâm đến vấn đề lương hưu, trợ cấp, trợ cấp với người có công trong năm 2025. Bởi, sang năm có nhiều sự kiện quan trọng của dân tộc.

"Rất mong Chính phủ đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp. Chúng ta không tăng lương khu vực công thì được nhưng phải tăng lương hưu, trợ cấp", đại biểu nhấn mạnh.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục