Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm VAT từ 3 - 4% và kéo dài hết năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) tại phiên thảo luận hội trường bàn về kinh tế xã hội sáng 31/5.
ĐBQH Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) đề nghị giảm thuế VAT 4% thay vì 2% như đề xuất của Chính phủ. ĐBQH Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) đề nghị giảm thuế VAT 4% thay vì 2% như đề xuất của Chính phủ.

Cụ thể, vị đại biểu cho biết, từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều đợt giảm lãi suất điều hành, từ đó ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.

"Đây là sự nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay do còn nhiều khó khăn", bà Vang nói.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước quy định trần room tín dụng, có phương thức điều hành linh hoạt, cụ thể là giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột.

Để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, vị đại biểu đoàn Sóc Trăng cũng cho rằng, mức giảm thuế VAT 2% chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế, bởi trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư thì cần xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao hơn để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua cho nền kinh tế.

“Đề nghị Quốc hội xem xét mức giảm thuế VAT từ 3 - 4% thay vì chỉ giảm 2%”, đại biểu Tô Ái Vang nói, đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét áp dụng giảm thuế VAT kéo dài đến hết năm 2024.

Phiên thảo luận hội trường sáng 31/5 bàn về kinh tế xã hội

Phiên thảo luận hội trường sáng 31/5 bàn về kinh tế xã hội

Trước đó, Chính phủ đã đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%, áp dụng từ lúc ban hành nghị quyết (dự kiến ngày 1/7/2023) đến hết 31/12/2023 và có mở rộng áp dụng đối với tất cả nhóm ngành nghề chịu thuế VAT, bao gồm cả ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, viễn thông, công nghệ thông tin..., những nhóm chưa được giảm trong năm 2022 theo Nghị quyết 43.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên nhóm đối tượng đã áp dụng trong năm 2022, sau đó Chính phủ đã điều chỉnh tờ trình như Nghị quyết 43.

Về vấn đề này, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, mức giảm 2% với thời gian áp dụng chỉ 6 tháng là quá ít. Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị, thay vì chỉ giảm thuế VAT xuống 8% thì nên cân nhắc giảm xuống mức 3-5%.

Ông Vân nói rằng, hiện nay nền kinh tế đã tiệm cận suy thoái, nếu tiếp tục gia tăng hoặc đơn giản chỉ giữ nguyên việc thu thuế VAT sẽ tỷ lệ nghịch với những khó khăn mà doanh nghiệp và người dân đang gặp phải.

Do đó, rất cần những chính sách kích cầu để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nếu doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng lên thì thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng, thu nhập cá nhân cũng tăng lên, từ đó cũng thu được thêm thuế cho ngân sách Nhà nước.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu vấn đề, việc áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% trong thời gian 6 tháng là quá ngắn khi mà mốc tháng 12 là thời điểm quyết toán ngân sách năm.

Dẫn chứng chính sách giãn, hoãn, miễn các khoản thu ngân sách như thuế, tiền thuê đất thực hiện trong năm 2022, ông Cường nói rằng, do không có đoạn mở nên hết năm 2022 phải dừng lại, đến tháng 6/2023 lại đề nghị tiếp tục thực hiện, như vậy sẽ bị ngắt quãng, không còn hiệu quả.

Từ đó, ông Cường đề nghị trong dự thảo Nghị quyết nên có đoạn mở là “có thể tiếp tục kéo dài. "Tùy theo tình hình đến giai đoạn đó Chính phủ có thể sẽ đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục kéo dài chính sách này", đại biểu đoàn Hà Nội khuyến nghị.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục