Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Thể về tình trạng “bỏ bê” ngành đường sắt

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình các vấn đề liên quan đến tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt và nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sáng nay giải trình các vấn đề liên quan đến tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt và nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM) chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt; giải pháp giảm tai nạn giao thông đường sắt;...Riêng đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lại đặt câu hỏi về việc "bỏ bê" đầu tư đường sắt của ngành giao thông trong những năm qua.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng cho biết, giao thông đường sắt là tuyến đường quan trọng của đất nước, nếu giải quyết tốt sẽ giảm tải cho đường bộ rất nhiều, tuy nhiên ngành giao thông vận tải  "tham mưu kém" nên chưa có giải pháp hình thành tuyến đường sắt Bắc - Nam đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Bộ nhận trách nhiệm của ngành trong công tác tham mưu. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói,  nếu giao thông đường sắt phát triển tốt thì sẽ giảm tải cho đường bộ và không phải đầu tư nhiều tiền cho đường bộ Bắc Nam như hiện nay.

Đường sắt Bắc Nam hiện ở giai đoạn 2 sử dụng dầu diesel, nghĩa là vô cùng lạc hậu; có những đoạn đường sắt hình thành 70-80 năm vẫn chưa có giải pháp nâng cấp để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, để đầu tư dự án đường sắt, có dự án lên tới cả tỷ USD".

Vậy mới có chuyện Dự án 8 năm đã trình Quốc hội mà chưa được thông qua, thì đó cũng là trách nhiệm của Bộ GTVT.

Về tai nạn giao thông đường sắt, bộ trưởng cho biết, hiện vẫn còn hơn 5.719 đường giao cắt, trong đó 1.519 giao cắt do Tổng công ty Đường sắt quản lý có bố trí có gác chắn, còn hơn 4200 đường dân sinh tự mở không có gác chắn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Bộ đã làm việc với các địa phương để có giải pháp gắn trách nhiệm cụ thể của ngành, của địa phương trong thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt như: Dứt khoát không phát sinh thêm đường giao cắt mới, tăng cường cảnh báo tự động, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức giao thông...

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM) bày tỏ, “không hài lòng về giải trình của Bộ trưởng", khi trong Báo cáo Về các vấn đề liên quan đến nhóm nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Giao thông vận tải tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV chỉ có 3 dòng về đường sắt.  

Còn Đại biểu Dương Trung Quốc lại cho rằng, không phải do Bộ "tham mưu kém" mà hầu như "bỏ rơi" đầu tư cho đường sắt vì đầu tư cho đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn.

“Dù không nói nhiều về đường sắt trong Báo cáo gửi Quốc hội, nhưng chúng tôi xác định trách nhiệm của mình và thừa nhận sự yếu kém của hệ thống đường sắt. Sắp tới Bộ GTVT sẽ tổ chức nhiều cuộc họp để các đại biểu nắm được”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Nói thêm về việc “bỏ bê” đường sắt, Bộ trưởng cho biết, đường sắt thì đầu tư rất lớn, có dự án cả tỷ USD, kinh phí lớn thế thì lấy đâu, 8 năm trước chưa thông qua được là vì vậy. Nếu làm ta phải làm song hành. Nếu Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ chỉ đạo thì ngành giao thông sẽ làm dự án đường sắt.

Còn cho rằng đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn, Bộ trưởng Thể cho hay, cá nhân ông lúc nào cũng mong muốn đầu tư hài hòa các loại hình giao thông, đã đến giai đoạn chúng ta phải thông qua Dự án đường sắt, để chúng ta hình thành hệ thống đường sắt mới.

Tỏ ra không đồng tình với Bộ trưởng Thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại, tại Kỳ họp thứ 4 đã đồng  ý chủ trương để dành 7.000 tỷ dùng cho đường sắt trung hạn 5 năm.

"Rõ ràng là đường sắt chúng ta chưa quan tâm, nên không chỉ quan tâm đến đường bộ mà phải hài hòa cả đường thủy, đường bộ, đường hàng không….", Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh), với những yếu kém kéo dài của ngành đường sắt, bản thân Bộ trưởng "không đủ sức chịu trách nhiệm".

"Vừa qua, có dịp đi tàu, tôi thấy chất lượng dịch vụ rất có vấn đề. Cần phải khắc phục ngay chất lượng toa tàu, chất lượng dịch vụ, vệ sinh…những điều này làm cho người đi tàu rất nản", bà Tâm nêu ý kiến.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục