“Phạm vi tham nhũng đang mở rộng không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn có tham nhũng trong hoạch định chính sách, công tác cán bộ. Tham nhũng không còn đơn lẻ trong một cấp, một ngành...”, ông Hùng quan ngại trong phiên họp Quốc hội sáng nay (1/4) thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Trước vấn nạn tham nhũng đáng quan ngại như trên, các đại biểu Quốc hội đề nghị trong 5 năm tới, Chính phủ phải đặt công tác phòng chống tham nhũng lên hàng đầu, vì nó liên quan đến hưng thịnh của quốc gia.
“Báo cáo của Chính phủ dùng từ ‘đẩy mạnh’, ‘chú trọng’ phòng chống tham nhũng trong thời gian tới là không đủ mạnh, chưa đúng tầm, mà phải coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng…”, ông Hùng đề nghị.
Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Công Tiến, Lâm Đồng cho rằng, cùng với cần mạnh tay hơn với phòng chống tham nhũng, cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu. Đừng làm kiểu hình thức, cần khắc phục tình trạng người làm thì ít, người giám sát thì nhiều như hiện nay.
Để phòng chống tham nhũng hiệu quả, theo các đại biểu Quốc hội, việc tinh giản bộ máy là cần thiết, nhưng ông Tiến quan ngại, càng tinh giản, thì bộ máy càng phình to? Bộ máy hệ thống chính trị hiện quá cồng kềnh, hàng năm ngốn hàng triệu tỷ đồng.
“Tôi tâm đắc với cách làm của tỉnh Quảng Ninh là hợp nhất các chức danh trong Đảng và chính quyền nhằm tinh giản biên chế. Tuy nhiên nếu chỉ một tỉnh, một cấp làm, thì sẽ không thành công, vì hệ thống chính trị phải đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Một số trường hợp cần đưa về làm dân trước khi làm cán bộ cao...”, ông Tiến nói.
Trong khi ghi nhận phòng chống tham nhũng mang lại kết quả bước đầu, thì theo ông Bùi Mạnh Hùng, hiệu quả chống lãng phí còn yếu. “Tôi chưa thấy ai bị lỷ luật, sa thải vì lãng phí”.
Liên quan đến định hướng điều hành phát triển kinh tế thời gian tới, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần thúc đẩy việc tái cơ cấu nền kinh tế vì đang diễn ra chậm, hiệu quả chưa như mong muốn. Thực tế hội nhập kinh tế quốc tế đang đòi hỏi phải thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng theo chiều sâu, thay vì theo chiều rộng, dựa nhiều vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên…
“Chính phủ cần đặt mục tiêu thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế phải rất quyết liệt trong 5 năm tới, vì thực tiễn đang đòi hỏi đổi mới kinh tế phải kịp thời, năng động và hiệu quả hơn…”, ông Hùng đề nghị.
Muốn nâng cao hiệu quả điều hành phát triển kinh tế, xã hội, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Thừa Thiên Huế, cho rằng nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần đổi mới cơ chế, chính sách để đề cao trách nhiệm của các thành viên chính phủ, đặc biệt là các bộ trưởng. Qua đó phân cấp trách nhiệm rõ ràng, tránh chồng chéo, một việc nhưng nhiều ngành chỉ đạo…