Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc: Cần có giải pháp cụ thể để đảm bảo tăng trưởng

Trả lời báo chí bên lề hành lang Quốc hội về việc trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp hơn mục tiêu đề ra, Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, có nhiều yếu tố dẫn đến việc này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Theo ông Phúc, Chính phủ mới kiện toàn bộ máy được 3 tháng nên thời gian chưa đủ dài. Thêm vào đó, đầu năm 2016 có nhiều công việc lớn như tổ chức Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp và một số vấn đề liên quan đến môi trường tại các tỉnh miền Trung... nên ảnh hưởng tới phát triển kinh tế.

Thời gian qua, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao, vào cuộc mạnh mẽ với tuyên bố của một Chính phủ hành động, liêm chính, quyết liệt và được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, do kinh tế có những tác động nhiều mặt nên ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng, chậm so với mục tiêu.

Cũng theo ông Phúc, sang Sáu tháng cuối năm, Chính phủ quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng để phấn đấu. Quốc hội đánh giá rất cao và mong muốn Chính phủ có giải pháp rất cụ thể. Ví dụ như sáu tháng vừa qua suy giảm chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp do các nguyên nhân như hạn hán, xâm nhập mặn… Do đó, Chính phủ phải tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp để tăng trưởng trở lại. Ngoài ra, giá dầu đang suy giảm thì phải có biện pháp giảm tác động của khu vực này để kích thích tăng trưởng ở khu vực khác…

“Ngoài những tuyên bố rất rõ ràng vừa qua, Chính phủ cần phải có những giải pháp rất cụ thể để đảm bảo tăng trưởng,” ông Phúc cho biết.

Trước ký kiến về việc khai thác dầu thô để bảo đảm tăng trưởng, ông Phúc khẳng định đây là nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước và không nên khai thác quá mức. Bởi, việc khai thác quá mức sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng dầu, ảnh hưởng tới tài nguyên đất nước và lại bán rẻ thì không nên trong khi nguồn tài nguyên lại có hạn.

Về câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra còn chậm, ông Phúc ủng hộ quan điểm phải đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, khi tiến hành cổ phần hóa cần phải chú ý đặc biệt tới tài sản của nhà nước và phải có đánh giá sát, phù hợp để tránh thất thoát.

Bên cạnh đó, ngoài đánh giá đúng thực chất giá trị tài sản của nhà nước thì còn cần quản lý, khai thác cho hiệu quả để nó biến thành nguồn lực thực sự của đất nước.

Ông Phúc cũng cho biết theo báo cáo, hiện nguồn lực trong dân rất lớn. Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư lớn thì Chính phủ nên có chính sách để làm sao khuyến khích đầu tư phát triển, khai thác nguồn lực trong dân vào sản xuất thì mới hiệu quả. Còn nguồn lực trong dân đi gửi tiết kiệm sẽ không hiệu quả và Chính phủ cần có biện pháp khai thác và phát huy nguồn lực quan trọng này.

Về nợ đọng thuế của doanh nghiệp, ông Phúc cho hay các chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, cần rà soát các doanh nghiệp đang nợ đọng xem đơn vị nào khó khăn thật sự. Trong trường hợp phát hiện ra những doanh nghiệp cố tình chây ì, trốn thuế thì phải kiên quyết xử lý, không để xảy ra tình trạng mất công bằng, lợi dụng chính sách mang tiền thuế sử dụng đầu tư không đúng mục đích.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục