Lạm phát cả năm có thể vượt 5%
Báo cáo Ủy ban Thường vụ quốc hội về tình hình hình kinh tế 6 tháng cuối năm, Chính phủ thận trọng dự báo tuy lạm phát nửa đầu năm đã được kiểm soát, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao trở lại với việc giá cả đầu vào và tổng cầu sẽ gây áp lực tăng giá trong thời gian tới. Theo đó, nhiều khả năng lạm phát cả năm có thể vượt ngưỡng mục tiêu 5% mà Quốc hội đã đề ra.
Theo đó, các yếu tố chi phí gây áp lực tăng lạm phát là giá dầu thô thế giới đã xuống đáy và đang tăng trở lại, hiện dao động quanh mức 45 USD/thùng, tăng 70% so với mức giá thấp nhất hồi đầu năm. Dự báo, giá dầu thô có thể tăng cao hơn trong thới gian tới.
"Trong khi tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng thì nhiều nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang giảm giá nội tệ của họ sâu hơn so với USD. Ngoài ra, phải kể đến lãi suất vay ngân hàng còn cao, tiền thuê địa điểm sản xuất kinh doanh khá lớn, phí “bôi trơn” phổ biến… Những yếu tố này đã làm giảm, thậm chí triệt tiêu lợi nhuận của DN"
- TS. Ngô Trí Long
Xu hướng tăng của mặt bằng giá hàng hóa trên thế giới và giá dầu thô sẽ gây tác động tăng giá lên hầu hết các vật tư, nguyên liệu, nhất là mặt hàng xăng dầu, vốn là mặt hàng đầu vào nhạy cảm quyết định chi phí đầu ra của DN.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng do nhà nước quản lý như: giá dịch vụ y tế dự kiến tăng trong 4 đợt, học phí dự kiến tăng vào tháng 9/2016,... cũng sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm. Chưa kể, hậu quả của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến vụ hè thu và hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, làm giảm sản lượng, gây áp lực tăng giá lương thực, thực phẩm.
Nhiều yếu tố “ẩn” khiến DN gặp khó
Phân tích kỹ các yếu tố có thể tạo áp lực tăng mạnh CPI nửa cuối năm, các chuyên gia cho rằng, còn nhiều yếu tố tiềm ẩn có thể khiến CPI diễn biến bất thường. Cụ thể, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, những yếu tố “ẩn” có thể kể tới là áp lực tỷ giá, độ trễ của tăng cung tiền,…
“Trong khi tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng thì nhiều nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang giảm giá nội tệ của họ sâu hơn so với USD. Ngoài ra, phải kể đến lãi suất vay ngân hàng còn cao, tiền thuê địa điểm sản xuất kinh doanh khá lớn, phí “bôi trơn” phổ biến… Những yếu tố này đã làm giảm, thậm chí triệt tiêu lợi nhuận của DN.
Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và không đạt được mục tiêu do hiệu quả đầu tư và tốc độ tăng năng suất lao động, vốn được coi là căn nguyên sâu xa của lạm phát, thấp hơn năm trước, cùng với tác động cộng hưởng của các yếu tố này, hoạt động của DN sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn nửa cuối năm”, ông Long nhận định.
Bên cạnh đó, một yếu tố rất cần được xem xét cẩn trọng là độ trễ của cung tín dụng. “Tín dụng năm ngoái tăng gần 18%, với độ trễ tác động khoảng 3-6 tháng. Năm nay, tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 18-20% cũng sẽ tạo áp lực nhất định đến lạm phát, một phần tác động ngay trong năm nay, một phần sẽ tác động sang năm sau do độ trễ.
Trong bối cảnh đó, nhiều khả năng mục tiêu lạm phát không quá 5% của năm 2016 sẽ bị phá vỡ nếu không kiểm soát chặt lượng cung tiền ra nền kinh tế”, ông Long phân tích và cho rằng, rất có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn trong năm nay. Đồng thời, cơ quan này có thể áp dụng biện pháp làm dịu hoạt động cho vay, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, qua đó ảnh hưởng tới hoạt động của các DN trong lĩnh vực này.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tich Hiệp hội Siêu thị Hà Nội
Dự báo có khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng từ 5,2% - 5,5%. Áp lực tăng giá chắc chắn sẽ dồn mạnh vào thời gian cuối năm, khiến DN gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các DN sản xuất còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu bên ngoài, vì vậy mỗi biến động của khu vực đều có tác động đến giá thành sản xuất ở trong nước và xuất khẩu một cách tương ứng.
Hiện nay, điều quan trọng là Chính phủ, các bộ ngành cần tích cực chỉ đạo và thực hiện nội dung của Nghị quyết 19/2016/NQ-CP và Nghị quyết 35/2016 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngoài việc tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn, năng suất cao, giá cả cạnh tranh thì Nhà nước cần tổ chức lại hệ thống phân phối, khuyến khích và nhân rộng các mô hình tiên tiến, tạo cơ chế thích hợp để hình thành và phát triển các tập đoàn bán lẻ mạnh… Đó là những đầu tàu dẫn dắt thị trường phát triển lành mạnh, góp phần thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa, góp phẩn ổn định giá cả.