Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: "Cần cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực bằng thể chế"

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu tại Quốc hội. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu tại Quốc hội.

Quốc hội cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực, đặc biệt, không được biến Quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, chia chác quyền lực của đất nước - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ quan điểm.

Tiếp tục kỳ họp thứ 11, Quốc hội dành cả ngày 26/3 để thảo luận báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ, nhưng đầu giờ số đại biểu đăng ký phát biểu chỉ có 9 người, sau đó có thêm một số vị khác, song nhiều khả năng chỉ hết thời gian buổi sáng là hết ý kiến.

Cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực bằng thể chế

Khẳng định thành công của Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh thành công trong lập pháp là rất quan trọng, là trách nhiệm của Quốc hội trong xây dựng thể chế pháp luật để phục vụ công tác xây dựng quốc phòng an ninh, phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nhưỡng, vẫn còn tình trạng đề xuất chính sách không phù hợp, có dự án luật gây bức xúc cho dư luận; dự án luật chưa đánh giá đầy đủ, sâu sắc đến kinh tế - xã hội, bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, không lường hết hậu quả trước mắt và lâu dài của quy định.

Ví dụ đề xuất bổ sung lực lượng an ninh trật tự cơ sở hàng triệu người mà không tính đến khó khăn chồng chất và tính khả thi của luật - ông Nhưỡng dẫn chứng.

"Công tác thẩm tra, thẩm định luật vẫn còn nhiều sơ hở, một số dự án chất lượng chưa cao, để lọt lưới những chính sách không phù hợp, có dấu hiệu của lobby không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật", vị đại biểu Bến Tre nhận xét.

Trong công tác giám sát, đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh là, ngay từ kỳ họp thứ nhất, Tổng Bí thư đã yêu cầu Quốc hội phải coi trọng giám sát, là nhiệm vụ trọng tâm, chú trọng hoạt động hậu giám sát. Trên thực tế, hiệu lực hiệu quả giám sát ngày càng được nâng cao, nhưng theo đại biểu, giám sát chưa toàn diện, còn lĩnh vực bị bỏ ngỏ chưa được thực hiện ở những vụ việc lớn, nổi cộm, gây bức xúc dư luận.

"Cử tri cho rằng, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đang cố ý né tránh thực tại hiện hữu mà cử tri và nhân dân mong muốn phải làm rõ vấn đề, xác định trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong vụ việc đó" - ông Nhưỡng nhìn nhận.

Để Quốc hội khóa sau tiếp nối những thành công của Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nhưỡng góp ý, cần chú trọng giám sát sử dụng quyền lực và sử dụng nguồn lực của đất nước.

"Quốc hội cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực, không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân. Đặc biệt, không được biến Quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, chia chác quyền lực của đất nước. Cần cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực bằng thể chế", ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Vẫn theo đại biểu Nhưỡng, Quốc hội cần phát huy quyền lực nhân dân để đào tạo cán bộ lãnh đạo cho đất nước, đào tạo người minh chủ của quốc gia.

Khởi động lại sự liêm chính trong khâu xây dựng luật

Thẳng thắn như thường thấy, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng, Quốc hội khóa XIV đã làm tròn vai trước nhân dân, tuy nhiên một vấn đề theo đại biểu cần đặt ra là sự liêm chính trong xây dựng pháp luật.

"Tôi xin bắt đầu bằng sự lưu ý mang tính mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thi hành pháp luật ngày 24/11/2020 là cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật” - ông Bộ nói.

Sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện thi hành pháp luật, theo đại biểu là nguyên tắc tối cần thiết, "vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ và thúc đẩy quan hệ xã hội phát triển mạnh mẽ và ngày càng tốt đẹp hơn chứ pháp luật không phải công cụ để thể hiện lợi ích của bộ phận nhỏ xã hội nhất là lợi ích của cơ quan tổ chức được giao soạn thảo luật".

Ông Bộ phân tích, nếu có liêm chính sẽ xây dựng được những văn bản pháp luật khách quan, toàn diện, có ý nghĩa rất tốt trong việc thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt hơn. Và các văn bản pháp luật đó sẽ rất ít chồng chéo các văn bản pháp luật đã được Quốc hội các khóa, các kỳ họp trước kỳ công ban hành, đồng thời không quy định lợi ích thô thiển của 1 số bộ ngành đặc biệt bộ ngành được giao soạn thảo dự án luật.

Theo đại biểu, nếu thiếu không có sự liêm chính và đặc biệt tính liêm chính trong quá trình soạn thảo vào thẩm tra dự án luật thì sẽ tạo ra những văn bản pháp luật rất nhiều "khuyết tật".

"Khuyết tật" thứ nhất, mâu thuẫn chồng chéo với các văn bản pháp luật mà Quốc hội các khóa, các kỳ họp đã mất nhiều thời gian nghiên cứu ban hành.

"Khuyết tật" thứ hai, văn bản pháp luật đó sẽ là công cụ để cơ quan soạn thảo hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ ngành mình trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân, hoặc là công cụ để chiếm quyền bộ ngành khác mà trái với quy định luật Tổ chức Chính phủ cũng như luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Khuyết tật thứ ba, là vòng đời của các văn bản pháp luật đó rất ngắn và kéo theo Chính phủ, Quốc hội phải tốn kém thời gian kinh phí để ban hành văn bản pháp luật thay thế.

"Tôi xin khẳng định rằng, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đa số hoạt động soạn thảo, thẩm tra, thảo luận là có liêm chính . Tuy nhiên, mặc dù là rất ít, trong hoạt động soạn thảo, thẩm tra, thảo luận, xây dựng luật vẫn còn sự thiếu liêm chính và đặc biệt là sự thiếu liêm chính có chủ ý, cho nên đã có hồ sơ dự án luật chất lượng rất thấp được trình ra Quốc hội".

Từ khẳng định trên, đại biểu Mai Bộ đề nghị Chính phủ và cơ quan được giao soạn thảo dự án luật có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong khâu xây dựng luật. Hai là cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội luôn nghĩ tới từ liêm chính trong thẩm tra, phát biểu đối với mỗi dự án luật.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục