Đại biểu chuyên trách, quan trọng là “chất”

(ĐTCK)  Nhiều đại biểu cho rằng, tăng số lượng đại biểu chuyên trách là cần thiết, thậm chí có thể tăng lên đến 50%, nhưng vấn đề kèm theo là cần làm rõ các tiêu chuẩn, nhiệm vụ của đại biểu chuyên trách.
Đại biểu chuyên trách, quan trọng là “chất”

Ngày 16/6, Quốc hội đã có phiên thảo luận tại Hội trường về Luật tổ chức Quốc hội.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), dự thảo quy định tỷ lệ đại biểu chuyên trách ít nhất là 35%, quy định như vậy là còn ít. Đại biểu đề nghị nâng lên ít nhất là 45% để Quốc hội có điều kiện hoạt động tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) ủng hộ việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách, nếu muốn mỗi địa phương có 2 đại biểu chuyên trách, thì tỷ lệ khoảng 45-50%. “Bao nhiêu là vừa thì tôi nghĩ càng nhiều càng tốt, không phải vì đại biểu kiêm nhiệm hoạt động không tốt, nhưng về mặt thời gian rõ ràng hạn chế hơn đại biểu chuyên trách”, đại biểu Châu nói.

Còn đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM) cho rằng, trước khi bàn bao nhiêu phần trăm, quan trọng nhất là vấn đề đại biểu chuyên trách nhiệm vụ, quyền hạn gì. Đại biểu đề xuất một đại biểu chuyên trách hay chuyên nghiệp có thể tham gia 1-2 Ủy ban.

Nhiều đại biểu đặt vấn đề nâng cao chất lượng của đại biểu chuyên trách, giảm tối đa cán bộ chủ chốt cơ quan Đảng, chính quyền tham gia Quốc hội. Như vậy, vừa tạo điều kiện để các đồng chí lãnh đạo yên tâm chỉ đạo điều hành hoạt động của ngành, địa phương, không ngại việc dự họp Quốc hội hàng tháng trời, không để ghế trống trong hội trường khi họp Quốc hội.

“Cần tập trung nghiên cứu quy định hẳn một chương riêng về tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế và điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách” – đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nói.

Các đại biểu cũng đề nghị đại biểu chuyên trách cần có một tiêu chuẩn cao hơn đại biểu bình thường ít nhất là về độ tuổi, về kinh nghiệm hoạt động. Chúng ta không coi thường cán bộ trẻ, cán bộ ít kinh nghiệm, nhưng thực tiễn cho thấy đại biểu Quốc hội chuyên trách rất cần kinh nghiệm, thực tiễn hoạt động của Quốc hội về mặt pháp lý và đặc biệt cả về mặt độ tuổi, có như vậy mới nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội.

Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, nếu không xây dựng được cơ chế mang tính khả thi xác thực thì cho dù có nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên bao nhiêu đi chăng nữa cũng không đạt hiệu quả mong muốn, thậm chí còn có tác dụng ngược.

Ngoài vấn đề đại biểu chuyên trách, các đại biểu cũng cho ý kiến một số nội dung khác của dự luật như vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Quốc hội; vấn đề tổ chức của Quốc hội, vị trí của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; việc nâng các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành Ban của Quốc hội hoặc Ủy ban của Quốc hội.

Có địa biểu nêu ý kiến cần xác định vị trí pháp lý của đoàn đại biểu Quốc hội, có nhiệm vụ, quyền hạn độc lập để có thể chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, giám sát và tiếp nhận xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ở địa phương. Cần xác định đây là cơ quan của Quốc hội, là tổ chức của Quốc hội, vì trong thực tế thời gian qua đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động rất hiệu quả.

Có ý kiến địa biểu đề nghị bổ sung quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước báo cáo giải trình vấn đề trước Ủy ban, vì vấn đề này đã được quy định trong Điều 77 của Hiến pháp.

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục