Không lobby nhưng có tranh thủ
Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Hà Hùng Cường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng cho biết có sự cài cắm lợi ích nhóm khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hay không? Liệu có việc tạo thuận lợi cho phía cơ quan công quyền, đẩy khó khăn về phía người dân?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, hiện nay theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp được giao thẩm định các loại văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn lại thông tư, thông tư liên tịch của các Bộ thì giao cho bộ phận pháp chế của các bộ.
Từ quyết định của Thủ tướng trở lên thì quy trình rất chặt chẽ, từ việc thẩm định, lấy ý kiến, đăng tải trên cổng thông tin điện tử trong vòng 60 ngày.
Các văn bản quy phạm pháp luật thể hiện đường lối, chính sách của Đảng thì Bộ Tư pháp có vai trò thẩm định, phát biểu ý kiến là dự thảo đó có phù hợp với đường lối chính sách của Đảng hay không.
Với quy trình như vậy, câu chuyện có cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào các quyết định của Chính phủ trở lên chưa phải là vấn đề đặt ra. Tuy nhiên, vấn đề là đứng từ phía nào để chúng ta nhìn xem có lợi ích nhóm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng vấn đề: “Đại biểu hỏi có lợi ích nhóm không, Bộ trưởng trả lời xem có hay không, vấn đề nặng quyền nhẹ trách nhiệm, có hay không”?
“Báo cáo Quốc hội là có những luật, không phải hoàn toàn là vấn đề lobby hay chạy cái này chạy khác, nhưng cũng có những tranh thủ này, tranh thủ kia… Liên quan đến cái này xin thưa là cũng rất chặt chẽ. Có đại biểu Hà Nội nghe dư luận việc nhóm nào đó định tranh thủ một đơn vị nào đó của Bộ Tư pháp để phục vụ thẩm định thì đều gọi điện, nhắn tin cho tôi. Tôi cũng được cảnh báo việc đó và cũng cố hết sức để tránh những việc như vậy” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.
Khi xây dựng luật pháp luật một số cơ quan có mong muốn cài tổ chức, bộ máy vào đó. Tuy nhiên, Chính phủ đã ra yêu cầu từ giữa nhiệm kỳ 11, mọi luật, pháp lệnh trình QH thì về nguyên tắc nếu không có sự đồng ý của Bộ Chính trị không được đưa tổ chức bộ máy vào. Nếu có thì cũng được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Rối rắm, khó tuân thủ, chi phí tuân thủ lớn
Trước thực trạng đại biểu Trần Du Lịch nêu lên về hệ thống pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, về vi mô, hệ thống pháp luật Việt Nam có lẽ phức tạp nhất thế giới. Nhiều chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật kể cả chủ tịch xã cũng có quyền ban hành. Mỗi chủ thể lại được ban hành nhiều loại văn bản.
Vừa rồi, năm 2008, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho đơn giản hóa, giảm hình thức văn bản và Quốc hội đồng tình giảm loại văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng nhưng còn nhiều loại văn bản khác chưa giảm. “Có rất nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật, nhiều chủ thể, rất khó tuân thủ, chi phí tuân thủ rất lớn”- Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Cường, chúng ta đã có chiến lược xây dựng pháp luật và nhìn chung hệ thống pháp luật đi theo đường hướng, có đường nét, có chiến lược.
Sau khi sửa đổi Hiến pháp, có vấn đề là có sửa đổi bổ sung chiến lược để xây dựng pháp luật phù hợp. Hiện đang rà soát đi vào cụ thể từng nội dung luật có chồng chéo không. Bộ trưởng thừa nhận ngay trong kỳ họp này, có dự án luật chồng chéo về phạm vi điều chỉnh cũng như về chính sách.
Bộ trưởng cho biết, giữa tháng 7 tới sẽ trình Chính phủ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tách giai đoạn làm chính sách khỏi giai đoạn viết văn bản luật. Giai đoạn làm chính sách chủ yếu là các chuyên gia, nhà chính trị, các đại biểu. Giai đoạn soạn thảo thì chủ yếu các nhà làm luật. Như vậy, chất lượng luật sẽ tốt hơn.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường còn đồng tình với đại biểu Trần Du Lịch rằng, phát mại tài sản trong thi hành án còn nhiêu khê, phức tạp. Vì liên quan đến tài sản nên nhiều vấn đề phụ thuộc vào thị trường. Ví dụ như thị trường bất động sản lúc nóng, lúc nguội, bản án có thể tuyên cách đây 10 năm, khi đó giá cả khác, nay giá cả khác. Cho nên định giá tài sản để bán đấu giá thế nào là câu chuyện khó. Hiện việc định giá còn chưa xã hội hóa hoàn toàn.
Hơn nữa, đất đai là tài sản của người dân, tổ chức, doanh nghiệpnên luật thi hành án đã rất thận trọng, quy định cho người chủ sở hữu có tài sản bị bán đấu giá có quyền đánh giá đi, đánh giá lại không thừa nhận kết quả bán đấu giá.
"Giải pháp trước mắt thì cách đây vài ngày chúng tôi đã trình Luật sửa đổi bổ sung luật thi hành án theo hướng người chủ sở hữu chỉ có quyền yêu cầu bán đấu giá lại một lần" - Bộ trưởng Cường nói.
Theo báo cáo của Bộ Tư Pháp, tính cả 2 luật vừa có hiệu lực gồm Luật Phòng chống thiên tai có hiệu lực từ 1/5/2014 và Luật sửa đổi bổ sung Luật thi đua khen thưởng có hiệu lực từ 1/6 thì tổng số văn bản hướng dẫn còn nợ là 50 văn bản, chiếm tỷ lệ 19,9% trong tổng số văn bản ban hành kể từ đầu nhiệm kỳ. Đây là tiến bộ so với kỳ họp thứ 6, khi đó tỷ lệ nợ là 22,4%. |