Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Danh cho biết đã mua lại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), tiền thân của VNCB, với số tiền hơn 4.000 tỷ đồng từ nhóm bà Hứa Thị Phấn (nguyên cổ đông lớn nhất của TrustBank) giữa lúc nhà băng này âm vốn chủ sở hữu đến 2.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng. Khi đó, với nhận định thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục, bị cáo Danh kỳ vọng việc mua Ngân hàng cùng các tài sản đảm bảo là bất động sản có thể giúp thu lợi tầm 700 tỷ đồng khi thị trường phục hồi. Như vậy, mục đích chính của bị cáo Danh không phải mua ngân hàng, mà là mua bất động sản của nhóm khoảng 30 doanh nghiệp tại nhà băng.
Về quá trình để Phạm Công Danh mua lại TrustBank, bị cáo khai đã mua cổ phần Ngân hàng qua Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank (hiện đang bị tạm giam). Theo lời khai của Phạm Công Danh, trước đó, Hà Văn Thắm có ý định mua TrustBank, nhưng không được Ngân hàng Nhà nước đồng ý, vì không có tình trạng một nhóm tư nhân sở hữu hai ngân hàng yếu kém. Vì lẽ đó, Hà Văn Thắm và bà Hứa Thị Phấn không thể tiến hành sang nhượng cổ phần.
Mặc dù vậy, ông Thắm đã đưa ra các giấy tờ chứng minh việc chuyển nhượng cổ phần TrustBank từ bà Phấn. Bà Phấn cũng từng khai với cơ quan điều tra rằng, đã giao toàn bộ số cổ phần bản chính hơn 84% tại TrustBank mà bà và các cổ đông nhóm Phú Mỹ (các cá nhân và công ty) đang sở hữu cho ông Hà Văn Thắm. Sau đó, khi Phạm Công Danh đề đạt nhu cầu muốn tham gia lĩnh vực ngân hàng, ông Thắm đã chuyển nhượng số cổ phần này cho Danh và nhận của Danh 500 tỷ đồng.
Điều đáng nói là Phạm Công Danh đã lấy chính tiền của ngân hàng để mua lại ngân hàng. Trả lời tòa về việc chuyển tiền liên quan đến 2 tài sản bất động sản và số cổ phần nói trên cho bà Phấn, Danh cho biết, bị cáo chưa trả hết tiền, chỉ nhớ đã trả khoảng 3.700 tỷ đồng. Danh thừa nhận đã rút ra khoản tiền vay 5.490 tỷ đồng tại VNCB (từ nhóm bà Trần Ngọc Bích hay ông Trần Quý Thanh) mà không có chữ ký của chủ tài khoản để trả khoản tiền này, với lý do tài sản của mình đã được lấy ra hết để chi trả lãi ngoài, chăm sóc khách hàng trong quá trình huy động tiền gửi, đảm bảo thanh khoản cho Ngân hàng.
Với ý định kiếm lời từ các tài sản đảm bảo bằng bất động sản khi thị trường nhà đất lên giá, Phạm Công Danh đã bất chấp mua lại một ngân hàng đang thua lỗ, âm vốn hàng nghìn tỷ đồng, dù không phải là người rành nghề. Theo bị cáo Danh, tình trạng Ngân hàng khi đó rất tệ, vượt xa cả tiên liệu ban đầu của bị báo; thậm chí, có thời điểm bị cáo phải lấy tiền gửi của mình cho khách hàng rút ra, vì áp lực thanh khoản. Cũng chính vì áp lực này, Phạm Công Danh đã thực hiện hàng loạt hành vi khiến bị cáo đang bị truy tố hiện tại.
Theo cáo trạng, trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT VNCB, Phạm Công Danh là Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh, một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề. Phạm Công Danh nhận tái cấu trúc Ngân hàng TrustBank và đổi tên thành VNCB.
Kể từ khi nhóm của Phạm Công Danh điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh của Ngân hàng này không khả quan hơn mà theo chiều hướng ngày càng thua lỗ.
Cụ thể, theo kết luận thanh tra ngày 10/7/2012 của Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm thanh tra, vốn chủ sở hữu của Ngân hàng bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng. Đến cuối năm, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2012 của VNCB, Ngân hàng lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. Vào thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu Ngân hàng âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng.
Trong 2 năm kể từ khi tiếp quản VNCB, bị cáo Danh và đồng phạm đã “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi lập hồ sơ khống Đề án nâng cấp hệ thống Corebanking để rút 63,2 tỷ đồng của VNCB; ký các hợp đồng khống thuê mặt bằng tại đường Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh nhằm lấy 581 tỷ đồng trả lãi cho các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và một số khoản nợ khác. Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và bán 900 trái phiếu (trị giá 900 tỷ đồng) cho 3 công ty từ nguồn tiền của VNCB rồi chuyển tiền cho Danh sử dụng.
Ngoài ra, Phạm Công Danh đã rút 5.490 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng vào VNCB mà không có chữ ký của khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, Giám đốc Tân Hiệp Phát, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho VNCB.
Phạm Công Danh và đồng phạm còn bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Trong đó, vì cần tiền trả nợ, Phạm Công Danh đã ký các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu khống nhằm rút 4.700 tỷ đồng của VNCB để trả nợ cho nhiều nhóm khác nhau.