Đại án VNCB: Góc khuất những khoản hoa hồng tiền gửi

(ĐTCK) Điểm nhấn trong tuần đầu tiên xét xử đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB) là việc tòa tiếp tục thẩm vấn các bị cáo về việc huy động vay - trả và rút ruột khoản tiền gần 5.500 tỷ đồng tại VNCB. 
Theo bị cáo Thành Mai, việc gửi, vay lại, chuyển tiền cho bị cáo Danh trả nợ đã được thực hiện từ cuối năm 2012 Theo bị cáo Thành Mai, việc gửi, vay lại, chuyển tiền cho bị cáo Danh trả nợ đã được thực hiện từ cuối năm 2012

Trước áp lực mất thanh khoản trong thời gian đầu tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT VNCB (tiền thân là TrustBank) đã chỉ đạo cấp dưới trả lãi suất ưu tiên ngoài (vượt trần quy định của Ngân hàng Nhà nước), với số tiền lên đến 2.500 tỷ đồng cho khoản tiền gửi trên 5.190 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích.

Trong phiên thẩm vấn các bị cáo ngày 22/7, trả lời tòa, bị cáo Phan Thành Mai, cựu Tổng giám đốc VNCB thừa nhận, 5.190 tỷ đồng là cứu cánh của VNCB thời điểm đó. Theo lời khai của bị cáo Thành Mai, để thu hút khách hàng gửi tiền vào Ngân hàng, bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ phải tự điều chỉnh tỷ lệ trả riêng cho khách hàng (ngoài lãi suất quy định), có thể lên tới 10% khoản tiền (vào năm 2013) và giảm dần trong các năm sau. Toàn bộ số tiền trả ngoài này không có giấy tờ, khách hàng đến gửi tiền sẽ nhận được hoa hồng ngay lập tức.

"Bị cáo biết rằng, việc cho nợ chứng từ này là sai, nhưng vì áp lực thanh khoản, chủ trương của Ngân hàng lúc đó là phải giữ khách"

- Bị cáo Hoàng Đình Quyết, nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân cũng cho thấy, tại cơ quan điều tra, để huy động được khoản 5.190 tỷ đồng tiền gửi của nhóm Trần Ngọc Bích, bị cáo Phạm Công Danh đã phải chi lãi suất vượt trần ngoài hợp đồng từ 2-4%/năm theo từng thời điểm. Theo lời khai, tổng số tiền đã trả lãi ngoài cho nhóm này vào khoảng 2.500 tỷ đồng.

Cũng trong phiên tòa ngày 22/7, Hội đồng xét xử đã xét hỏi đối với Hoàng Đình Quyết (33 tuổi), trú tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP. HCM, nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang về trách nhiệm của bị cáo đối với số tiền 5.190 tỷ đồng của Trần Ngọc Bích. Bị cáo Quyết cho biết, tình hình khó khăn của Ngân hàng đã tồn tại từ trước, có thời điểm khách hàng đến rút tiền nhưng cả tuần không có tiền để trả. Do đó, toàn bộ cán bộ nhân viên Ngân hàng đều phải tìm cách thu hút khách hàng gửi tiền và ưu đãi trả tiền ngoài lãi suất của Ngân hàng lên tới 4%/năm.

Đồng thời, bị cáo Quyết khai, nhận thấy nhóm Trần Ngọc Bích là khách hàng quan trọng, lại có quen biết với Phạm Công Danh, cùng với đó là áp lực thanh khoản của VNCB nên bị cáo đã cho nợ chứng từ kế toán.

“Bị cáo biết rằng, việc cho nợ chứng từ này là sai, nhưng vì áp lực thanh khoản, chủ trương của Ngân hàng lúc đó là phải giữ khách. Tại thời điểm đó, VNCB không có nhiều khách hàng gửi tiền, nhóm Trần Ngọc Bích là khách hàng có khoản tiền gửi lớn nên được ưu tiên, giao dịch thực hiện nhưng có thể nợ chứng từ”, bí cáo Quyết nói.

Không chỉ có nhóm của Trần Ngọc Bích gửi tiền được VNCB trả lãi suất ưu tiên “khủng” vượt trần quy định, mà các khách hàng gửi tiền khác cũng nhận được chính sách ưu tiên này.

Những khoản tiền gửi của khách hàng VNCB sau đó được nhóm Trần Ngọc Bích vay lại dưới hình thức cầm cố sổ tiết kiệm và cuối cùng lại “chảy” vào tài khoản của bị cáo Phạm Công Danh. Theo lời khai của bị cáo Quyết, số tiền 5.190 tỷ đồng đã được Trần Ngọc Bích gửi vào VNCB dưới các sổ tiết kiệm mang tên nhiều người, sau đó những người này lại làm hợp đồng thế chấp chính những sổ tiết kiệm này để vay tiền của VNCB.

Đường đi của dòng tiền này, theo bị cáo Quyết biết, đó là Trần Ngọc Bích gửi tiền vào VNCB và giữ các sổ tiết kiệm, các sổ này đứng tên các cá nhân là người thân trong gia đình và nhân viên công ty của Trần Ngọc Bích. Các nhân viên này sau đó thế chấp các sổ tiết kiệm cho VNCB để vay tiền. Tiền sẽ được chuyển ngược về tài khoản của các cá nhân và bà Bích. Tuy nhiên, sau đó, số tiền được chuyển về tài khoản của Phạm Công Danh và một số cá nhân khác rồi được mang đi trả nợ mà chưa hề có chữ ký của các chủ tài khoản. Việc gửi tiền, vay lại tiền, chuyển tiền cho bị cáo Danh trả nợ đã được thực hiện từ cuối năm 2012 thông qua rất nhiều hợp đồng gửi tiền, vay tiền, cũng như các bản sao kê tài khoản với cùng cách thức như trên.

Vi Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục