Sáng 12/1, phiên tòa xét xử vụ án PVC tiếp tục với phần tranh luận của nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC).
Theo cáo buộc, quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh đã có hành vi chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký (nguyên Tổng giám đốc PVC) Hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng.
Quyết định sử dụng 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác gây thiệt hại cho nhà nước 119,8 tỷ đồng.
Mặt khác, bị cáo Thanh đã đề ra chủ trương cùng Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút 13 tỷ đồng đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau. Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị can Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh dẫn báo cáo tài chính cho rằng, tại thời điểm xảy ra vụ án, PVC làm ăn đều có lãi nên bản luận tội cho rằng, PVC không đủ năng lực, không có vốn là khiên cưỡng. Luật sư đề nghị Viện kiểm sát xem lại vấn đề này.
“Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp quản PVC thời điểm có hơn 500 tỷ, sau đó, trong thời gian ngắn đến 2010 đã tăng lên và 2011 thực hiện đề án tái cơ cấu thì PVN đã thu về 2.000 tỷ như bị cáo Thăng đã nói", luật sư Quynh diễn giải.
Đối với trách nhiệm về hợp đồng 33, luật sư cho rằng, theo điều lệ và quy chế PVC, bị cáo Thanh không có thẩm quyền chỉ đạo Thuận ký hợp đồng 33. Theo quy chế, tổng giá trị hợp đồng lớn thì Ban Tổng Giám đốc buộc phải có tờ trình, thông qua HĐQT của công ty.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh nhấn mạnh kết luận trong cáo trạng về việc bị cáo Thanh quanh co chối tội. Luật sư dẫn nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại điều 113 Bộ luật TTHS. Điều 15 quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền, người buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội.
Luật sư cũng nhắc tới “quyền im lặng” được quy định tại Điều 61, 62 BLTTHS quy định các bị can, bị cáo có quyền im lặng. Luật sư cũng dẫn lại trường hợp của bị cáo Trương Hồ Phương Nga thực hiện quyền im lặng trong suốt quá trình, ra tòa bị cáo mới khai.
“Bị cáo Nga tự bảo vệ quyền của mình khi các lời khai khác đều chống lại bị cáo. Nội dung bản luận cứ luận tội cáo buộc bị cáo Thanh quanh co, chối tội rất khiên cưỡng, không phù hợp với các quy định có lợi cho người phạm tội”, luật sư Quynh lập luận.
Luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, hành vi bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo bị Vũ Đức Thuận ký hợp đồng 33 rất mờ nhạt. Luật sư dẫn lời khai của bị cáo Thuận thể hiện: “Không ai chỉ đạo tôi ký hợp đồng 33. Việc ký dựa trên nghị quyết, quyết định của PVN giao PVC là tổng thầu. PVC không có văn bản nào gửi cho PVN đề xuất ký hợp đồng 33 khi chưa đủ căn cứ pháp lý”.
Theo luật sư, ngày 28/2/2011, hợp đồng 33 được ký kết và đến ngày 15/3/2011 HĐQT PVC mới phê duyệt hợp đồng này. Việc phê duyệt là hợp thức thủ tục. Theo quy chế của PVC, việc ký hợp đồng có giá trị 20% giá trị tài sản công ty phải thông qua HĐQT, tuy nhiên bị cáo Thuận không thực hiện việc này.
Luật sư cũng cho rằng, vai trò của PVPower là rất lớn. Bản quyền của hợp đồng do PVPower soạn thảo. “Theo lẽ thường, chủ đầu tư bảo gì nhà thầu phải theo, không có chuyện bị cáo Thanh chỉ đạo Thuận để ký hợp đồng 33”, luật sư đề nghị tòa xem xét vai trò của PVPower.
Bào chữa về tội danh Tham ô tài sản, luật sư Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, lời khai của bị cáo Trịnh Xuân Thanh nhiều lần khẳng định không lập quỹ tại PVC. Trong hồ sơ, không có chứng cứ chứng minh bị cáo Thanh chỉ đạo lập quỹ.
Luật sư Ngô Thị Thu Hằng cũng khẳng định, việc lập khống 4 hồ sơ do các bị cáo thực hiện, không liên quan đến bị cáo Thanh.