Chiều 11/1, sau khi kết thúc phần luận tội, phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái xảy ra tại PVC bước sang phần tranh luận.
Bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN), luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề cập đến vấn đề tiền tạm ứng.
Theo luật sư, tiền tạm ứng là tiền gì chưa được làm rõ, việc tính toán thiệt hại trên cơ sở tính lãi suất tiền gửi là chưa phù hợp. Công văn của Ngân hàng Nhà nước áp dụng cho tổ chức tín dụng. Đoàn giám định áp dụng công văn này là không phù hợp.
Luật sư cho rằng, thiệt hại phải là thiệt hại thực tế do hành vi phạm tội gây ra. Thiệt hại trong tương lai trong dự tính không thể tính là thiệt hại.
“Hiện tiền tạm ứng đã thu hồi vượt quá 124 tỷ đồng, vậy 124 tỷ đồng này là tiền gì?”, luật sư nhấn mạnh.
Luật sư cho rằng, hành vi của bị cáo Đinh La Thăng không thỏa mãn các dấu hiệu về mặt khách quan, chủ quan trong cấu thành của tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước.
Khi thực hiện các chủ trương, chỉ đạo ông Thăng không có ý thức cố ý về mặt lỗi. Tuy nhiên, theo luật sư, không thể nói hành vi của ông Thăng không có lỗi.
“Ông Thăng đã đại diện HĐTV ký ban hành Nghị quyết phải chỉ định thầu thực hiện triển khai dự án thì ông Thăng phải có trách nhiệm kiểm tra giám sát thực hiện như thế nào. Nếu ông Thăng làm đúng đủ trách nhiệm thì chắc rằng không có việc như hôm nay”, luật sư Thiệp nói thêm.
Cùng tham gia nhóm bào chữa cho bị cáo Thăng, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, bị cáo Thăng không có ý thức làm trái. Nếu có vi phạm thì đó cũng là hành vi vi phạm tội danh khác. Và theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, luật sư xin phép không nêu thêm ý kiến rằng hành vi của bị cáo Thăng có dấu hiệu phạm vào tội gì.
Luật sư Đào Hữu Đăng cho rằng, lỗi của bị cáo Thăng có chăng chỉ là nôn nóng, ép cấp dưới phải thực hiện dẫn đến sai sót.
“Không thể lấy hành vi làm trái của người thực hiện để quy kết cho người ra chủ trương” – Luật sư Đăng phát biểu.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKSND cho rằng, dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm để thi công những dự án nhiệt điện lớn, nhưng bị cáo Đinh La Thăng, với vai trò của Chủ tịch HĐTV PVN vẫn giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.
Thực chất của việc ký kết các hợp đồng EPC 33 và hợp đồng chuyển đổi chủ thể số 4194 là để nhằm mục đích lấy tiền của PVN để chuyển cho PVC đang chìm đắm trong nợ nần.
Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày (từ 23 đến 31/5/2011), thông qua việc chi tạm ứng, PVC đã rút của PVN 1.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 1.312 tỷ đồng tạm ứng trái quy định. Sau đó PVC đã sử dụng không đúng mục đích số tiền hơn 1.115 tỷ đồng, gây thiệt hại cho PVN hơn 119 tỷ đồng. Việc chỉ định nhà thầu thiếu năng lực kinh nghiệm, tài chính là PVC đã để lại hệ lụy rất lớn.