Đại án PVC: Đại diện Viện kiểm sát phản bác ý kiến của các bị cáo và luật sư

(ĐTCK) Đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) đối đáp hàng loạt vấn đề về cơ sở buộc tội cá bị cáo, xác định thiệt hại, thu hồi và lợi ích nhóm trong vụ án.
Đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa. Đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa.

Sáng 15/1, sau khi kết thúc phần bào chữa của các luật sư, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa đã đối đáp lại ý kiến phản bác của luật sư và bị cáo.

Về lời khai các bị cáo cho rằng không biết hợp đồng 33 thiếu sót, đại diện VKSND dẫn các văn bản thể hiện ngày 24/2/2011, bị cáo Đinh La Thăng ký Quyết định số 1531/QĐ-DKVN phê duyệt Thiết kế cơ sở hiệu chỉnh Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Chỉ 4 ngày sau, (ngày 28/2/2011), PVPower và PVC ký hợp đồng 33 khi chưa có thiết kế cơ sở hiệu chỉnh, báo cáo dự án đầu tư hiệu chỉnh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ mời thầu.

Hợp đồng EPC số 33 có nhiều nội dung điền vào hợp đồng nhưng không có thật. Đến ngày 13/5/2011, PVN, PVPower và PVC đã ký Hợp đồng số 4194/HĐ-DKVN chuyển đổi chủ thể Hợp đồng EPC số 33.

Theo đó, chuyển Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 từ PVPower là chủ đầu tư thành PVN là chủ đầu tư, đồng thời PVN nhận và kế thừa mọi trách nhiệm, nghĩa vụ của Hợp đồng EPC số 33 kể từ ngày 01/4/2011.

“Bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý dự án) cũng khai nhận hợp đồng EPC gì chỉ có 8 trang. Theo các quy định tại Điều 4, Điều 10, Nghị định 48, việc ký hợp đồng như trên và việc PVN tạm ứng cho PVC số tiền 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD là trái quy định. Thực chất việc ký hợp đồng không phải PVN tạm ứng gói thầu mà chỉ nhằm hợp thức chuyển tiền cho PVC”, đại diện VKSND phát biểu.

Trước một số ý kiến cho rằng PVC đã thu hồi vượt hơn 120 tỷ đồng, đại diện VKSND khẳng định, tính đến ngày 13/9/2016, việc thu hồi 1.240 tỷ đồng là thu hồi nội bộ của PVN, không liên quan đến tiền tạm ứng. Từ khi PVN tạm ứng tiền đến ngày 20/3/2012, Vũ Hồng Chương - Trưởng Ban QLDA có công văn số 210/BĐTP2-TCKT yêu cầu PVC hoàn trả 100% tiền tạm ứng đã bị sử dụng sai mục đích trước ngày 31/3/2012.

Nhưng sau thời điểm phát hành công văn này, đến ngày 20/11/2012, Ban QLDA mới bắt đầu thu hồi được khoản đầu tiên. Đến ngày 18/8/2014 (ngày khởi công dự án), PVN mới thu hồi được tiền tạm ứng là 240 tỷ đồng. Như vậy, không có căn cứ nào cho thấy PVC đã thu hồi thừa tiền tạm ứng.

Đại diện VKSND cũng cho biết, hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ hậu quả (nếu có) về việc PVC góp vốn, đầu tư và trả nợ ngân hàng.

Về cơ sở tính thiệt hại bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng, VKSND trích dẫn khoản 3, Điều 608, Bộ luật Dân sự 2005. Theo đó, trong tổng số tiền 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD tạm ứng sai quy định và sử dụng sai mục đích là vốn nhà nước từ quỹ đầu tư phát triển của PVN. Các cá nhân gây thiệt hại phải bồi thường. PVN không được phép ứng tiền, PVC không được phép sử dụng tiền tạm ứng trước ngày hợp đồng EPC có hiệu lực. Số tiền PVC chiếm dụng là rất lớn, không có lãi suất.

Mặt khác, theo quy chế cấp vốn của PVN và sử dụng quỹ đầu tư phát triển của PVN, đối với các dự án trọng điểm do PVN làm chủ đầu tư, Tổng giám đốc quyết định sử dụng vốn phải có kế hoạch sử dụng, giải ngân.

“Trong điều kiện bình thường, để được tạm ứng từ quỹ đầu tư phát triển phải có kế hoạch cụ thể. Do đó, không cơ sở để PVN chuyển tiền vào tài khoản PVC khi chưa có kế hoạch. Mặt khác, trong năm 2011, PVN có phát sinh các khoản tiền gửi lãi suất đến 18%/năm, mức lãi suất cao hơn rất nhiều lãi suất tính tham chiếu thiệt hại”, đại diện VKSND phân tích.

Viện KSND cũng khẳng định, việc tính thiệt hại đã có lợi cho bị cáo do đã lợi trừ các khoản 197 tỷ đồng và 6,6 triệu USD thanh toán cho bên tư vấn. Do đó, việc xác định thiệt hại trong vụ án này là có căn cứ. Như vậy, quan điểm các luật sư và bị cáo cho rằng không có thiệt hại hoặc có nhưng không đáng kể là không đúng.

Trả lời vấn đề “có hay không lợi ích nhóm”, đại diện VKSND phân tích mối quan hệ của các bị cáo. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) đều do bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) quyết định chấp thuận giữ các chức vụ chủ chốt của PVC. Khi đó, PVC không có năng lực, nhưng để tạo điều kiện cho PVC, bị cáo Đinh La Thăng ưu ái bỏ qua các quy định pháp luật để chỉ định thầu cho PVC thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. VKSND tái khẳng định, việc tạm ứng tiền trái pháp luật để bị cáo Thanh và đồng phạm sử dụng tiền tạm ứng trái mục đích. Điều đó thấy rõ lợi ích nhóm trong vụ án.

Đại diện VKSND cũng đối đáp ý kiến các luật sư không đồng tình với nhận định đánh giá các bị cáo không thành khẩn, quan co chối tội, đổ tội cho cấp dưới. VKSND thấy rằng, cần tách bạch quyền của bị cáo theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự và việc nhận định thái độ của bị cáo về hành vi bị truy cứu.

“Khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ VKSND thấy rằng, có đủ cơ sở buộc tội các bị cáo nhưng các bị cáo trong quá trình điều tra và tại tòa đều phản bác, không thừa nhận. Các bị cáo chỉ chịu trách nhiệm thiếu kiểm tra, kiểm soát. Do đó, VKSND không cho các bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo. Việc chấp nhận hay không chấp nhận thuộc về HĐXX”, VKSND đối đáp.

“Một điều rất buồn trong vụ án này là cấp dưới thừa nhận vi phạm nhưng cấp trên lại không thừa nhận”, đại diện VKSND nói thêm. 

Đỗ Mến - Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục