Tranh cãi về trách nhiệm khoản vay 500 tỷ đồng tiếp tục được nêu ra tại phiên tòa Hà Văn Thắm sáng 21/9. Đặc biệt, nhóm cá nhân cho Công ty Trung Dung mượn tài sản thế chấp vay vốn 500 tỷ đồng của Oceanbank đề nghị giải chấp tài sản.
Các tài sản gồm quyền phát sinh từ 2 hợp đồng góp vốn đầu tư tại dự án Khu dân cư phức hợp đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM) và hơn 5,8 triệu cổ phần SSG của nhóm bà Hứa Thị Phấn, Hứa Anh Thơ, Ngô Kim Huệ, Hứa Thị Bích Hạnh.
Bà Đinh Thị Huyền Thanh, đại diện ủy quyền của nhóm cá nhân cho Phạm Công Danh mượn tài sản.
Cơ quan tố tụng xác định, các bất động sản chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa xác định vốn góp; còn số cổ phiếu chưa thực hiện niêm yết, giao dịch ít, tính khả mại thấp.
Trước tòa, bà Đinh Thị Huyền Thanh, đại diện ủy quyền của nhóm cá nhân trên khẳng định, tài sản trên có thật, có giá trị pháp lý.
Bằng chứng là hơn 5,8 triệu cổ phần ghi trong danh sách sổ cổ đông của CTCP Tập đoàn SSG, giá trị ngày càng tăng lên và được chia cổ tức. SSG cũng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 bất động sản của ông Hồ Văn Tân và Ngô Kim Huệ năm 2012. Các bên ký cam kết 4 bên, trong đó SSG cam kết không hủy ngang. Sau đó, SSG đã phong tỏa tài sản này.
“Chúng tôi đồng ý với ý kiến của luật sư bảo vệ bị cáo Nguyễn Văn Hoàn rằng số cổ phần hoàn toàn có giá trị thương mại trong thực tế, không như phân tích trong cáo trạng. Tài sản chúng tôi cho mượn tối đa trong 1 năm, giao dịch trên thị trường có giá trị rất cao. Quyền lợi của chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều”, bà Thanh trình bày.
Quan điểm của nhóm cá nhân này cho rằng việc mượn tài sản là giao dịch dân sự hợp pháp theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp.
Với sức khỏe hiện tại, bà Hứa Thị Phấn không có khả năng trả lại tài sản. Các luật sư của bà Phấn nêu quan điểm, đối với khoản vay 500 tỷ đồng, ông Phạm Công Danh phải chịu trách nhiệm.