Đại án Chi nhánh Agribank 6, TP. HCM: “Siêu lừa” gặp Trầm Bê hỏi vay tiền

Ngân hàng Phương Nam - nơi gia đình ông Trầm Bê nắm giữ một lượng cổ phần khá lớn cũng là một trong những nơi mà “siêu lừa” Dương Thanh Cường từng đến gõ cửa vay tiền.
Bị cáo Dương Thanh Cường được dẫn giải vào tòa sáng nay Bị cáo Dương Thanh Cường được dẫn giải vào tòa sáng nay

Giữ vai trò quan trọng trong đại án xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh 6 gây thiệt hại gần ngàn tỉ đồng, Dương Thanh Cường (SN 1966, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát) là đối tượng từng có 2 tiền án với hàng loạt tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, đưa hối lộ.

Năm 2005, sau khi được đặc xác tha tù trước thời hạn, Cường tiếp tục sử dụng các thủ đoạn phạm pháp để “làm kinh tế”.

“Ông trùm” lừa đảo

Theo cáo trạng, ngoài Công ty Bình Phát, Dương Thanh Cường còn đứng ra thành lập hàng loạt công ty, thuê người đứng tên Giám đốc đại diện theo pháp luật như: Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát, Công ty TNHH SX-XD-TM Thanh Phát Công ty TNHH Cửu Long Phát, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tân Đại Phát, Công ty TNHH TM-DV-XD Châu Hoàng Ngân, Công ty CP-XD-TM Bình Phát.

Năm 2006, Công ty Dệt kim Đông Phương (DNNN) được Bộ Tài chính chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng hơn 17.000 m2 tại số 10 Âu Cơ (quận Tân Phú, TP.HCM) để lập dự án xây dựng khu thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng theo quy hoạch của TP.HCM.

Quá trình thực hiện dự án, Lê Thành Công – Giám đốc Công ty Đông Phương đã ký hợp đồng liên doanh và phụ lục hợp đồng với Công ty cổ phần bất động sản Phương Nam. Theo đó, công ty liên doanh có tên là Công ty TNHH Đông Phương Phát.

Sau này, công ty Phương Nam ký tiếp hợp đồng chuyển 80% vốn góp của mình cho Công ty Bình Phát do Dương Thanh Cường làm Tổng giám đốc. Theo đó, phía Cường có trách nhiệm đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ.

Để có tiền thực hiện liên kết trên, Cường gặp Hồ Đăng Trung - Giám đốc Agribank chi nhánh 6 đặt vấn đề vay tiền. Trung đồng ý cho Tấn Phát vay tiền và giao cho Phòng tín dụng thực hiện. Ngay sau đó, Cường chỉ đạo em rể là Thái Cường đại diện Công ty Tấn Phát ký hồ sơ vay của Agribank chi nhánh 6 số tiền 170 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại số 10 Âu Cơ và số 44 An Dương Vương, phường 16, quận 8, TP.HCM.

Biết rõ hồ sơ vay của Công ty Tấn Phát không đạt yêu cầu theo quy định nhưng Hồ Văn Long - Trưởng phòng tín dụng vẫn đề xuất, Hồ Đăng Trung ký duyệt.

Gõ cửa nhiều nơi vay tiền tỷ

Ngày 17/4/2008, sau khi rút được 170 tỷ đồng từ Agribank chi nhánh 6, Dương Thanh Cường chỉ đạo Thái Cường ký công văn gửi đến ngân hàng này đề nghị cho mượn lại GCNQSDĐ tại số 10 Âu Cơ với lý do để hoàn thành thủ tục pháp lý.

Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất từ Công ty Đông Phương sang Công ty của mình, Cường không trả lại GCNQSDĐ trên mà đem đến Ngân hàng Phương Nam thế chấp để Công ty Đông Phương Phát vay tiền.

Cáo trạng thể hiện, trước khi vay tiền tại Ngân hàng Phương Nam, Cường có gặp ông Trầm Bê đề nghị vay tiền. Ông Trầm Bê nói với Cường là có tài sản thế chấp thì sẽ giải quyết cho vay. Cường không bàn bạc, thỏa thuận gì với ông Trầm Bê.

Ông Trầm Bê và phía Ngân hàng Phương Nam không biết GCNQSDĐ tại số 10 Âu Cơ đã được Cường thế chấp cho Agribank chi nhánh 6 nên mới ký duyệt cho vay. Quá trình cho vay, ngân hàng này đã làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, không nhận được sự phản hồi của các cơ quan pháp luật cũng như Agribank chi nhánh 6.

Do vậy khi đến hạn, Ngân hàng Phương Nam thu hồi vốn theo hợp đồng mua bán nợ giữa Công ty Đông Phương Phát với Công ty TNHH quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc Ngân hàng Phương Nam. Điều này dẫn đến Agribank chi nhánh 6 bị thiệt hại.

Theo Vietnamnet

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục