Bộ GTVT vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ cho phép tách cao tốc đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình và giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai theo phương thức PPP.
Tổng chiều dài đoạn tuyến này khoảng 60,9 km, được xây dựng theo quy mô 4 làn xe đầy đủ, chiều rộng nền đường 24,75 m).
Sơ bộ tổng mức đầu tư đoạn tuyến khoảng 18.823 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay), trong đó: vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 9.312 tỷ đồng (chiếm 49,5% tổng mức đầu tư), vốn BOT 9.511 tỷ đồng (chiếm 50,5% tổng mức đầu tư).
Để có cơ sở triển khai thực hiện, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nhiệm vụ cơ quan có thẩm quyền của UBND tỉnh Thái Bình tại văn bản số 657/TTg-CN ngày 22/7/2022, trong đó giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP.
Đối với cao tốc đoạn qua tỉnh Ninh Bình, Bộ GTVT cho biết, đoạn tuyến này chiều dài khoảng 25,3 km; quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 24,75 m; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 6.865 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương khoảng 2.000 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 4.865 tỷ đồng triển khai theo hình thức đầu tư công.
Trong khi chờ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc phân cấp cho địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư đường cao tốc, để đáp ứng tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm hoàn thành đồng bộ tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (chủ trương đầu tư) cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình.
“Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản theo đúng quy định”, Bộ GTVT kiến nghị.
Theo Bộ GTVT, đây là phương án đã nhận được ý kiến thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương liên quan.
Trước đó, vào tháng 4/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT thống nhất bằng văn bản với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương liên quan về phương án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo kết luận của Thường trực Chính phủ tại văn bản số 94/TB-VPCP ngày 24/3/2023 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2023.
Dự kiến tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình có chiều dài nghiên cứu khoảng 88 km.
Theo các chuyên gia, việc đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc này là hết sức cần thiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ kết nối Tây Nguyên.
Tại vùng Đồng bằng sông Hồng hiện có cao tốc Bắc Nam Hà Nội - Ninh Bình và một số tuyến cao tốc khác như Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hà Nội - Lào Cai.
Khu vực vùng trũng trù phú là phía đông Ninh Bình, Nam Định kết nối một phần Thanh Hóa có điều kiện phát triển, tuy nhiên tại khu vực này mới chỉ phát triển nông nghiệp vì hạn chế hạ tầng giao thông, muốn phát triển công nghiệp thì phải phát triển hệ thống giao thông, giảm chi phí logistics.
Do vậy, đường cao tốc nối Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình sẽ kết nối Hải Phòng, Quảng Ninh; liên thông với hệ thống tuyến cao tốc phía đông từ Hà Nội lên tới Cửa khẩu Móng Cái, rồi các tuyến cao tốc từ Hà Nội lên Lào Cai, Hà Nội lên Lạng Sơn.