Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, mức thưởng Tết của các ngân hàng năm nay có thể khá hơn những năm trước, nhưng khó có thể “cao đồng đều” vì tình hình kinh doanh chung của các ngân hàng mới dừng ở mức “có nhiều tín hiệu chuyển biến tích cực”, chứ chưa thể nói là đã khởi sắc.
Cũng theo ông Phước, nợ xấu vẫn là tồn tại khiến nhiều ngân hàng năm nay tiếp tục phải gạt lợi nhuận sang quỹ trích lập dự phòng rủi ro, điều mà 5 năm gần đây, các ngân hàng vẫn đang làm. Do vậy, phần lợi nhuận thu lại của ít ngân hàng sẽ không là con số lớn để có thể chia thưởng Tết cao, chưa kể các cổ đông cũng nhiều năm chưa nhận được cổ tức bằng tiền mặt.
“Kết quả là năm nay lợi nhuận chung của ngân hàng tiếp tục tăng, nhưng mức tăng chỉ khoảng 10% so với năm ngoái, và nếu nhìn vào cả hệ thống, số tuyệt đối là khoảng 40.000 tỷ đồng”, ông Phước nói và cho biết.
“40.000 tỷ đồng lợi nhuận sẽ là không đủ để trích lập 70.000 tỷ đồng rủi ro nợ xấu toàn hệ thống”.
Thêm một vấn đề nữa với con số lợi nhuận “nghe khá to” này đó là 40.000 tỷ đồng lại nằm chủ yếu ở các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Khối cổ phần với gần 30 ngân hàng sẽ chỉ có rất ít ngân hàng vượt được mức lãi 4 con số (trên 1.000 tỷ đồng).
4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV) vẫn đang áp đảo trong việc mở rộng tài sản với tốc độ tăng trưởng năm 2016. Tính đến cuối tháng 9 năm nay, tổng tài sản khối này tăng 11,7%, trong khi khối cổ phần chỉ tăng thấp hơn với 9,23%.
Tất nhiên, không phải lớn thì hiệu quả đã cao, nhưng ưu thế về quy mô trong một mặt bằng kinh doanh bớt rủi ro hơn sẽ khiến số lợi nhuận tuyệt đối của riêng 3 cái tên Vietcombank, VietinBank, BIDV năm nay dự kiến chiếm khoảng 20.000 tỷ đồng, tức là bằng số lợi nhuận của cả hệ thống ngân hàng.
Quay lại với câu chuyện thưởng Tết, chủ đề nóng của hàng trăm nghìn cán bộ ngân hàng mỗi khi “năm hết Tết đến”. Lãnh đạo của hầu hết các ngân hàng cổ phần khi trao đổi với Đầu tư Chứng khoán đều “cười xòa” khi được hỏi và gần như không có con số nào được công bố.
Có Tổng giám đốc khẳng định sẽ sớm công bố nhưng bây giờ thì chưa vì ngân hàng chưa có kết quả kinh doanh chính thức, có lãnh đạo thì cho biết sẽ “cố cao hơn năm ngoái một chút, nhưng cũng chưa biết được”…
Tổng giám đốc một ngân hàng (đề nghị giấu tên) cho biết, cán bộ ngân hàng sẽ có thưởng tối thiểu là tháng lương thứ 13, nhưng thêm nữa thì phải xét… thành tích. Theo vị lãnh đạo này, cổ đông của ngân hàng mấy năm qua còn không có cổ tức, việc chia thưởng cho nhân viên ở con số “nếu bị coi là cao” sẽ rất khó trả lời khi bị chất vấn. Mùa đại hội cổ đông trong quý I/2017 sắp đến gần.
“Do vậy, mặc dù chưa có kết quả cuối cùng về hoạt động kinh doanh nhưng dự kiến năm nay lợi nhuận sẽ cao hơn các năm trước và giữ lại chia cho các cổ đông là chủ yếu, chứ không chia thưởng tết nhiều cho nhân viên”, vị Tổng giám đốc này cho biết.
Còn lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối thì cho biết, dù đến thời điểm này đã có thể ước con số lợi nhuận khá tốt cuối năm nay, nhưng mức thưởng thì hiện tại cũng mới dự kiến là mức khung. Còn phòng, ban, chi nhánh, nhân sự cụ thể được thưởng ở mức nào thì phải chờ kết quả… bình bầu thi đua.
“Chỉ những cá nhân nào được nhận các danh hiệu mới có thưởng, nhưng tiền thưởng cũng phải dựa trên các quy chế cụ thể của Ngân hàng, Luật Lao động do Ngân hàng có vốn của Nhà nước. Cuối năm, trên cơ sở quỹ lương nếu còn thì có khả năng lãnh đạo ngân hàng sẽ chia tiếp phần này cho cán bộ nhân viên”, vị lãnh đạo này cho biết.
Đối với các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, câu chuyện từng là thời sự năm nay đó là việc phải chia cổ tức bằng tiền mặt như yêu cầu (sau đó đã rút lại) của Bộ Tài chính, sẽ khiến lãnh đạo các ngân hàng buộc phải xem xét. Chia thưởng ngoài việc phải cân đối các quy định của Nhà nước thì cũng phải xét đến câu chuyện chia cổ tức, bởi cổ đông lớn nhất có thể sẽ có những yêu cầu đặc biệt.