Ngày 1/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Diễn đàn “Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2024” (VEP), nhằm điều chỉnh Chiến lược và Chính sách phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
Chuyển đổi xanh đang trở thành một cuộc đua ở cấp độ toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu hàng hoá chủ chốt của Việt Nam đều đã và đang chuẩn bị cho những quy định cụ thể về sản xuất bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, mức độ của các chính sách bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững đã được luật hoá cụ thể và doanh nghiệp phải tuân thủ.
Tại thị trường trong nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững. Trong đó, quá trình luật hoá cũng diễn ra gắn với các luật mới vừa được ban hành hoặc trong quá trình soạn thảo.
Đáng chú ý, danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính đã được công bố. Cụ thể, 2.166 doanh nghiệp hoạt động trên 6 lĩnh vực sẽ buộc phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
|
2.166 doanh nghiệp hoạt động trên 6 lĩnh vực sẽ buộc phải kiểm kê khí nhà kính |
Bên cạnh đó, lộ trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam cũng được xác định với việc năm 2025 là giai đoạn vận hành thí điểm, thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Chuyển đổi xanh cũng trở thành xu hướng đầu tư mới trên thị trường toàn cầu. Theo ước tính của PwC, tổng tài sản các quỹ ESG toàn cầu năm 2026 sẽ đạt 33.900 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng tài sản quản lý trên toàn cầu. Trong khi đó, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần 368 tỷ USD đến năm 2040 khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0.
|
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) chia sẻ tại Diễn đàn “Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2024” |
Trong bối cảnh này, tại sự kiện, chia sẻ về mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi xanh của doanh nghiệp Việt Nam, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho rằng, tỷ lệ các doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị cho công cuộc này vẫn chiếm đa số (64%), theo khảo sát của Ban IV về Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong hoạt động giảm phát thải, chuyển đổi xanh 2024.
“Chỉ có khoảng 16,2% doanh nghiệp đã xác định lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm trong việc giảm phát thải hoặc khu vực có thể giảm lượng khí nhà kính; 6,9% doanh nghiệp đã xác định và công bố các mục tiêu giảm phát thải ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; 5,5% doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm lượng khí phát thải trong một số hoạt động trọng tâm”, bà Thuỷ cho biết.
|
Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi xanh |
Nguyên nhân doanh nghiệp chưa sẵn sàng thực hiện chuyển đổi xanh bao gồm vướng mắc trong việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp; chưa có nhân sự chuyên môn về giảm phát thải chuyển đổi xanh; chưa xây dựng được chiến lược giảm phát thải và quan trọng hơn đó là chưa có nguồn vốn để thực hiện giảm phát thải…
|
Những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải khi chuyển đổi |
Theo bà Thuỷ, các doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc giảm chi phí thực hiện chuyển đổi xanh qua các cơ chế ưu đãi thuế và tín dụng ban đầu hoặc các hình thức hỗ trợ, kết nối thị trường, chuyển giao các công nghệ, mô hình,…; Chính phủ cũng cần sớm ban hành các khung pháp lý mới nền tảng cho chuyển đổi xanh bao gồm: Tín dụng xanh, thị trường carbon bắt buộc và tự nguyện, tiêu chuẩn phân loại…
Đồng thời, cần thúc đẩy năng lực doanh nghiệp và các bên liên quan trong việc định kỳ thực hiện các chương trình phổ biến chính sách cho doanh nghiệp, địa phương, cũng như triển khai các chương trình khuyến khích, hình thành các giải pháp, sáng kiến gần với mục tiêu phát triển thị trường sản phẩm xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
“Các doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi xanh có những lợi thế của người tiên phong. Trong đó, việc chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp tối ưu hoá chi phí thông qua tiết kiệm năng lượng, giảm sự lãng phí nguyên vật liệu đầu vào, tối ưu chuỗi cung ứng… Đồng thời, việc chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro liên quan tới các biến động về cung cầu, giá cả và xu hướng chuyển dịch chính sách, thuế carbon… Chưa kể, người tiêu dùng ngày càng nâng cao nhận thức và yêu cầu đối với doanh nghiệp về phát triển bền vững. Việc đi tiên phong sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao nhận diện thương hiệu xanh…”, bà Thuỷ chia sẻ.