Đa nghi như dân chứng khoán

(ĐTCK-online) Sẽ chưa đánh thuế ngay vào dân chứng khoán, sẽ giãn tiến độ IPO theo hướng có lợi cho thị trường, sẽ làm tất cả những việc có thể để kích cầu, sẽ xem xét đưa ra một cơ chế vay chứng khoán mới, sẽ mua vào ngoại tệ để nhà đầu tư ngoại có tiền đồng mua chứng khoán… Đó là những lời hứa, tuyên bố, an ủi mà những người có trách nhiệm từ Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCK công khai trên báo chí trong tuần qua. Dù vậy, giá chứng khoán vẫn rơi tự do và chỉ lấy lại được chút ít vào cuối tuần.
Đa nghi như dân chứng khoán

Tại sao thị trường lại không phản ứng tích cực? Tại sao cổ phiếu ngân hàng lãnh cảm với tin tốt? Tại sao càng nhiều giải pháp hạ hỏa thì giá nhà đất lại càng sốt nóng? Tại sao dân tình thờ ơ với cổ phiếu Vietcombank ở giá 105.000 đồng/cổ phiếu?... Những câu hỏi trên dường như đều cần một lời giải chung từ bản chất của vấn đề, từ tâm bệnh chứ không phải là thuốc chữa triệu chứng “đau đầu, chóng  mặt”.

Thậm chí quan điểm trước đây kiên quyết cho rằng, cho vay chứng khoán là rủi ro nên phải hạn chế và khép cửa để kiểm soát thật kỹ, nay cũng thay đổi dễ dàng theo hướng cần nới rộng. Ngay lúc này, khi giá giảm thấp nhất trong 9 tháng qua và rủi ro đã đến tận cửa, thì “người giữ cửa thị trường” lại có ý mở cửa và chặc lưỡi “chắc không sao đâu!”. Trước đây, dân tình cũng đã nghe hứa hẹn nhiều, mà dân chứng khoán sau nhiều cú ngã đã trở nên “đa nghi như Tào Tháo”, hỏi sao họ không đợi để xem nói rồi có làm thật hay không?

Lâu nay ta quen hô hào và đi theo TTCK với phần nổi cho thấy kiếm tiền thật dễ. Nhưng đến nay bỗng phát hiện ra TTCK đủ chứng bệnh: từ thiếu máu (thiếu tiền) theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; thiếu quan tâm (trong việc điều tiết cung cầu); thiếu sự ưu ái (trong chính sách đối với nhà đầu tư trong và ngoài); thiếu kiên quyết (trong chế tài đối với các vi phạm); thiếu sự hy sinh (từ phía cổ đông nhà nước, từ quan điểm về IPO); ngộ độc thực phẩm (IPO được định giá cao, vấn đề quản trị doanh nghiệp và quan hệ cổ đông yếu kém); không hợp phong thủy (thiếu nhà đầu tư mới, thiếu lượng vốn mới từ nhà đầu tư nước ngoài)…

Lâu nay chuyện sắp xếp lại khối DNNN, biện pháp chính là cổ phần hóa, đã được Chính phủ chọn lựa và là một trong những cam kết quan trọng nhất với thế giới về đường lối đổi mới kinh tế của Việt Nam. Với các nhà đầu tư toàn cầu, đường lối trên được giải thích là Việt Nam trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư thiện chí và dành cho họ những cơ hội làm ăn tốt nhất. Nhà đầu tư nước ngoài đã đến, nỗ lực và kiên nhẫn vượt qua nhiều sự ngăn trở về hành chính, thủ tục, văn hóa… và đổ hàng tỷ USD để mua cổ phiếu. Đáng mừng là nhiều tổ chức đầu tư hàng đầu thế giới cũng đã đến, chịu khó xếp hàng và chờ đợi.

Điều được chờ đợi nhiều nhất đương nhiên là các đợt IPO của những DNNN lớn, như các tổng công ty, các ngân hàng, các tập đoàn viễn thông… Vietcombank là một “hoa khôi” trong khối ngân hàng quốc doanh được tiến hành bán đấu giá trong tháng 12 năm 2007, đáng ra sẽ đình đám hơn bất cứ đợt IPO nào từng được tiến hành. Vậy mà 24 giờ trước hạn đăng ký cuối cùng, người ta mới tỉnh cả ra khi phát hiện các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua ít hơn lượng họ được quyền mua. Rồi cho dù có những biện pháp tức thời diễn ra vào giờ chót, nhưng hôm nay, nhiều nhà đầu tư đã trúng giá Vietcombank đang tái mặt với ý nghĩ phải bỏ cọc chạy lấy người.

Sao lại phải bỏ chạy? Theo nhiều nhà phân tích và các tổ chức đầu tư, vấn đề là Vietcombank tuy đẹp, nhưng được chào giá quá cao và ngay cả khi mua được giá khởi điểm thì đối với các nhà đầu tư cá nhân cũng rất khó có thể thu lời trong trung hạn. Vấn đề của Vietcombank càng nguy hơn khi trước đây Ngân hàng này đã phát hành trái phiếu, nhưng thông tin thiếu rõ ràng khiến dân tình hiểu là trái phiếu sẽ chuyển đổi ngang giá thành cổ phiếu (thực tế chỉ được suất mua cổ phiếu bằng giá bình quân đấu giá). Những ai đã mua trái phiếu Vietcombank ở giá gấp 2 - 3 lần mệnh giá đang cầm chắc mức lỗ 50% - 70%.

Không chỉ có thế, phương án cổ phần hóa Vietcombank trên thực chất là phát hành thêm vốn chứ không phải bán bớt phần vốn nhà nước trong DN. Về lý, 100% tiền bán đấu giá (trừ chi phí phát hành) phải để lại DN, vì đây là tài sản của tất cả cổ đông, nhưng theo công bố thì không biết số tiền này sẽ để lại Vietcombank được bao nhiêu và dường như chắc chắn là Ngân hàng sẽ không được giữ lại toàn bộ.

Chuyện hạn chế đổi USD sang tiền đồng cho các tổ chức đầu tư nước ngoài cũng là điều bức xúc lớn bởi việc này đồng nghĩa với chi phí tài chính (chênh lệch lãi suất) và chi phí cơ hội cực lớn. Vẫn biết sự việc trên nằm trong câu chuyện hạn chế lạm phát, nhưng căn nguyên chính của lạm phát đâu phải do vài tỷ USD đổi sang tiền Việt để đổ vào chứng khoán? Trong khi chúng ta đang nỗ lực kích cầu cho TTCK mà chính sách “trải thảm đỏ” lại khiến các nhà đầu tư nước ngoài chịu một thiệt hại về “kỹ thuật” như thế, liệu có nên kéo dài hơn?

Cà phê sáng cuối tuần với 2 chủ tịch công ty chứng khoán và một phụ trách đầu tư của một quỹ đầu tư nước ngoài. Không thiếu chuyện để lạc quan, nhưng đâu đó còn một mối lo ngại về chính sách. Có thông tin cho biết giá trị của Bia Sài Gòn được BVSC định giá khoảng 6.000 tỷ đồng, nhưng khi công bố đấu giá thì giá khởi điểm đã cao gấp 7 lần giá này. Rất hấp dẫn là câu nói không thể khác đối với các cơ hội IPO các DNNN lớn, nhưng nếu một khi các nhà đầu tư nước ngoài nhận ra rằng, họ chắc phải chào thua vì giá bán quá cao thì sự chia tay là khó có thể tránh.

1.000 giải pháp kích cầu ở đây có lẽ cũng chỉ tương đương với việc đưa ra những cơ hội thực sự tốt với giá cả vừa lòng kẻ mua, người bán.

Tâm Thiện
Tâm Thiện

Tin cùng chuyên mục