Đà Nẵng: Tìm lối thoát cho các dự án treo ven biển

(ĐTCK) Đà Nẵng có 50 dự án đầu tư ven biển, trong số đó có 8 dự án đã được bàn giao đất nhưng triển khai chậm tiến độ, 16 dự án chưa triển khai. Luật Đầu tư mới có những quy định thông thoáng hơn về hoạt động M&A đang tạo ra một lối thoát cho việc xử lý các dự án treo của thành phố này.
M&A đang tạo cơ hội cho bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng phát triển trở lại. Ảnh: Ngọc Tân

Đà Nẵng sẽ mạnh tay xử lý dự án treo

Ven biển Đà Nẵng, đặc biệt là dọc các đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa thời gian qua mọc lên khá nhiều dự án nghỉ dưỡng, một số dự án đã và đang tạo được sự nổi bật trên thị trường bất động sản Việt Nam và được các nhà đầu tư quan tâm như Cocobay, Ariyana Beach Resort & Suites Danang, Alphanam Luxury Apartment Da Nang, Vinpearl Danang, Ánh Dương Wyndham Soleil Đà Nẵng, Hòa Bình Green Đà Nẵng, Dự án Sheraton Đà Nẵng...

Các dự án đã góp phần thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng du lịch cho Thành phố, qua đó khách du lịch đến với Đà Nẵng tăng cao. Đây cũng là lý do khiến giá đất khu vực này liên tục tăng nhanh trong 2 năm vừa qua, đưa Đà Nẵng trở thành “tâm điểm” của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.

Mặc dù vậy, ven biển Đà Nẵng hiện nay có không ít dự án đã “trùm mền” cả gần thập kỷ, gây ra tình trạng lãng phí cho nguồn quỹ đất Thành phố. Tại phiên họp thường kỳ HĐND TP. Đà Nẵng diễn ra vừa qua, UBND Thành phố cho biết, hiện Đà Nẵng có 50 dự án đầu tư ven biển, trong đó có 13 dự án nước ngoài và có 37 dự án trong nước. Thực tế, trong số này có 8 dự án đang triển khai, 8 dự án đã được bàn giao đất nhưng triển khai dự án chậm tiến độ, 16 dự án chưa triển khai.

Ông Nguyễn Thành Tiến, Phó chánh Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng cho biết, đối với các dự án chậm và chưa triển khai, UBND Thành phố đã chỉ đạo tiến hành ký cam kết tiến độ với các chủ đầu tư, để có cơ sở đề xuất thu hồi theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật về đầu tư.

Đồng thời, giao Cục Thuế Thành phố yêu cầu chủ đầu tư các dự án ven biển chưa, chậm triển khai phải nộp thêm tiền thuê đất trong thời gian 24 tháng được giãn tiến độ theo đúng quy định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước. Theo ông Tiến, tính đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng đã thực hiện giãn tiến độ 14 dự án và cắm biển đối với các dự án chậm triển khai.

Về quyết tâm của lãnh đạo cao nhất địa phương này, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết, nếu sau khi ký cam kết 24 tháng, nhà đầu tư không triển khai dự án thì các cơ quan chức năng phải tiến hành thu hồi theo luật định.

Lối thoát mới?

Việc xử lý các dự án treo dọc ven biển Đà Nẵng suốt nhiều năm qua luôn khiến giới chức lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng đau đầu, vì thực tế việc thu hồi dự án là rất khó khăn, phức tạp, trong đó có nhiều nguyên nhân do lịch sử để lại.

Ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đức Mạnh - 579 cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là các dự án treo tại Đà Nẵng gồm cả dự án trong nước và nước ngoài còn lớn. Mặc dù thời gian qua Chính phủ đã có những giải pháp thiết thực, các ngân hàng đã hạ lãi suất nhưng nhiều dự án vẫn chưa tái khởi động lại.

Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ nội tại các dự án. Đó là khi thị trường khả quan, đa số các nhà đầu tư đã thế chấp dự án tại ngân hàng để vay vốn triển khai. Họ sử dụng phần lớn khoản vốn này để đóng tiền sử dụng đất và khởi động dự án. Nhưng khi thị trường bất động sản bước vào chu kỳ khó khăn thì nhà đầu tư hết vốn và ngân hàng không tiếp tục cho vay.

Trong khi đó, chính quyền không thể thu hồi dự án vì phải bỏ ra khoản tiền đền bù lớn cho những hạng mục mà nhà đầu tư đã triển khai, trong khi ngân sách địa phương lại eo hẹp.

“Nút thắt lớn nhất của các dự án treo tại Đà Nẵng hiện nay chính là làm thế nào để giải quyết vòng luẩn quẩn giữa nhà đầu tư - ngân hàng - chính quyền. Và để giải quyết điều này, tạo cơ chế cởi mở thông thoáng đối với các dự án bất động sản đang triển khai thông qua hợp tác, chuyển nhượng sẽ là ‘nút thắt’ để tháo gỡ vấn đề dự án treo hiện nay”, ông Tuấn nhận định.

Trên thực tế, tại TP. Đà Nẵng thời gian qua, hoạt động sang nhượng, sáp nhập (M&A) đã diễn ra hoặc công khai hoặc bí mật. Tiêu biểu như việc Tập đoàn Novaland mua lại một phần Dự án “vầng trăng khuyết” Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước của Công ty TNHH Daewon Cantavil (Hàn Quốc); Gaw Capital mua lại Dự án Hyatt Regency từ Tập đoàn Indochina Land; Indochina Land sang nhượng lại sân golf Montgomerie Links cho Tập đoàn TBC; VinaCapital “sang tay” sân golf 18 lỗ Danang Golf Club cho Tập đoàn BRG; VinaCapital chuyển nhượng Dự án Marina Complex cho Quốc Cường Gia Lai; Hoàng Anh Gia Lai sang tay cho Quốc Cường Gia Lai Dự án Trung tâm thương mại tại đường 2 Tháng 9; Tập đoàn Alphanam “tiếp quản” dự án Golden Square từ Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á…

Nhiều thương vụ M&A diễn ra công khai hoặc không công khai đang góp phần phục hồi thị trường bất động sản Đà Nẵng.  Ảnh:Ngọc Tân 
Theo ông Nguyên Phi, Trung tâm tư vấn Phát Lộc Land, với việc Luật Đầu tư mới đề cập tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các hoạt động M&A, đây có thể là một giải pháp tốt để xử lý các dự án treo tại Đà Nẵng. Cụ thể, hoạt động M&A đã tạo lối ra cho các dự án vốn bị treo khá lâu như khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, dự án Golden Square,  Đà Nẵng Center...

“Đây cũng là một giải pháp, một hướng mở để xử lý các dự án bị chậm tiến độ hiện nay. Trước đây, hoạt động này cũng có diễn ra nhưng nó chưa được pháp luật quy định cụ thể. Trong Luật Đầu tư mới hoạt động này đã được chính thức công nhận.

Vấn đề cốt yếu đó là những hoạt động chuyển nhượng, chuyển giao này nếu nhà đầu tư nước ngoài mua lại thì họ chỉ cần làm thủ tục góp vốn hợp tác hoặc mua lại toàn bộ cổ phần chứ không cần phải thay đổi giấy chứng nhận đầu tư.

Khi đó, họ chỉ cần đến Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng ký lại doanh nghiệp. Đối với các chủ đầu tư, trong quá trình triển khai hoặc đã triển khai một phần dự án và rơi vào hoàn cảnh “hụt” vốn, chủ đầu tư hoàn toàn có thể tìm đối tác để nhượng lại toàn bộ hoặc nhượng lại một số cổ phần…

Do đó về lâu dài, M&A sẽ là một hướng mở để Đà Nẵng xử lý các dự án vốn không có khả năng tái khởi động lại”, ông Phi đánh giá.

Diễn đàn M&A Việt Nam - sự kiện thường niên lớn nhất Việt Nam về mua bán, sáp nhập và đầu tư chiến lược do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức từ năm 2009 đến nay.

Với chủ đề “Tìm bước đột phá”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 sẽ được tổ chức vào ngày 10/8/2017 tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP. HCM, bao gồm các hoạt động hội thảo, phổ biến kiến thức và kết nối đầu tư. Dự kiến, sẽ có khoảng 500 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự sự kiện. Đặc biệt, Diễn đàn năm nay có sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu từ Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Ngọc Tân
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục