Đà Nẵng: Thủ phạm ô nhiễm … là các khu công nhiệp

(ĐTCK-online)Với 6 khu công nghiệp (KCN) cùng gần 300 doanh nghiệp (DN) đã đi vào hoạt động Đà Nẵng được coi là một địa phương khá thành công trong mô hình lấy các KCN làm động lực phát triển kinh tế. Thế nhưng, cũng vì các KCN này, mà môi trường của thành phố biển xinh đẹp này đang có dấu hiệu ô nhiễm và suy thoái đáng báo động.
Nồng độ các chất khí gây ô nhiễm ở các KCN Đà Nẵng đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Nồng độ các chất khí gây ô nhiễm ở các KCN Đà Nẵng đều vượt tiêu chuẩn cho phép.

Kêu trời với nước thải

Cứ mỗi khi có gió nồm là hầu hết người dân khu vực  phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) lại kêu ca vì mùi hôi rất khó chịu có xuất xứ từ phía âu thuyền Thọ Quang. Ông  Hoàng Quý T. (tổ dân phố 4, Phường Nại Hiên Đông) cho biết, cứ mỗi khi có gió nồm nổi lên là nhà ông lo đóng chặt hết cửa chính, cửa sổ mà mùi hôi vẫn len lỏi vào khắp nhà. “Gặp lúc đang ăn cơm, ngửi mùi hôi muốn ói ra luôn. Đặc biệt là mùa hè, trời nóng nực, định mở cửa hưởng chút gió biển nhưng chịu không thấu vì mùi thối ập vào”, bà Hương hàng xóm của ông T. nói chen vào.

Sự thể này chỉ diễn ra vài năm trở lại đây, khi các doanh nghiệp (DN) chế biến hải sản xuất khẩu được tập trung về KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng gần đó. Theo kết quả khảo sát mới nhất của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP. Đà Nẵng, nguyên nhân của mùi hôi thối này là do nước thải từ các DN từ KCN được xả thẳng vào âu thuyền Thọ Quang. Mặc dù hiện tại mới chỉ có 9 cơ sở chế biển thủy sản hoạt động, nhưng lượng nước thải ước đã lên tới 1.000 m3/ngày đêm. Do KCN chưa xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng nên nước thải được chảy chung vào cống thoát nước mưa và thải trực tiếp vào âu thuyền qua 4 cửa cống. Mặt nước của âu thuyền Thọ Quang như đặc sánh lại, rác rưởi nổi lềnh bềnh, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Kết quả quan trắc nước thải KCN Dịch vụ thuỷ sản Đà Nẵng do Sở TN-MT Thành phố thực hiện cho thấy, nước thải bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, nồng độ BOD5 vượt 12,6 lần, COD vượt 10,48 lần, tổng Nitơ vượt 2,17 lần, tổng P vượt 2,76 lần, lượng coliform vượt 1,5 lần...

Trong khi đó, người dân quanh khu vực hạ lưu sông Cu Đê như phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) cho biết, vài năm trở lại đây, hàng trăm héc - ta ruộng phải bỏ hoang, nếu cấy xuống lúa cũng héo quặt quẹo vì nước thải từ KCN Hòa Khánh tràn ra.

Ông Bùi Văn Quốc, Chủ tịch phường Hòa Hiệp thừa nhận, hơn 2/3 diện tích lúa của gần 400 hộ dân trong vụ đông xuân vừa qua bị hư hại nặng vì ngâm trong nước thải đen ngòm.

Nhiều người dân còn cho biết, từ khi các nhà máy trong KCN Hòa Khánh hoạt động, nước giếng của các hộ chuyển sang màu đục nhờ nhờ, không còn trong như trước, có thể là do nước thải chảy tràn lâu ngày ngấm vào mạch nước ngầm. Đó là chưa kể đến tình trạng gia cầm chăn nuôi trong nhà lăn ra chết mỗi khi có nước thải tràn ra. Tôm cá trên sông Cu Đê thì hầu như không còn nữa. Sở TN-MT TP. Đà Nẵng khẳng định nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho hạ lưu sông Cu Đê là nguồn nước thải từ KCN Hòa Khánh với lưu lượng nước thải trung bình tại cầu Bà Lụa về sông Cu Đê là 2.668 m3/ngày đêm. Kết quả quan trắc nước thải từ ngày 15/6 đến 17/6/2006 và ngày 27/6/2006 của Sở cho thấy, chỉ số BOD5 vượt từ 9 đến 11 lần mức cho phép, COD vượt 7,5  -  9,2 lần, SS vượt 1,4 - 2,8 lần, tổng lượng phốt pho vượt từ 2  -4 lần, coliform vượt từ 1,5 đến 21 lần, Cadmi vượt từ 1,4 -1,6 lần, Cr6+ vượt 3 lần, phenol vượt từ 4,7 - 8,3 lần.

Ngạt thở vì khí thải

Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, người dân khu vực Thủy Tú, Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) thường xuyên kêu cứu đến các cơ quan chức năng vì bụi xi măng của Công ty Xi măng Hải Vân (nằm trong KCN Liên Chiểu) thải ra. Mặc dù gần đây, công ty này tạm ngưng thải bụi xi măng vào ban ngày, nhưng cứ tầm từ 7 giờ tối đến khoảng 5 giờ sáng hôm sau, quanh khu vực này bụi lại bay mù mịt, không khí  đặc quánh vì nồng độ bụi tăng cao.

Có thể dễ dàng tận mắt chứng kiến bụi xi măng đóng từng lớp trên những mái nhà, khung cửa, vật dụng trong các hộ gia đình xung quanh nhà máy này. Dọc các phố, toàn bộ cây xanh trồng ở khu vực này đều bị bụi xi măng nhuộm một màu trắng đục. Người dân của tổ 60, phường Hòa Hiệp cho biết, họ ăn, ngủ với bụi xi măng từ hơn một năm nay. Cách đó không xa, Nhà máy Thép Đà Nẵng cũng “thoải mái” xả mạt sắt thép ra ngoài khiến không khí ở đây ngột ngạt khó thở.

Ông Thái Thanh Hùng, nhà nằm trên đường Nguyễn Phúc Chu than thở: “Chúng tôi kêu mãi rồi, chẳng ăn thua gì, bây giờ chỉ còn cách sống chung với... khí thải mà thôi”.

Người già, trẻ con trong khu này cứ đến tối là cảm thấy nặng đầu, khó thở. Đó là chưa kể đến gần 1.000 học sinh hai trường tiểu học và mầm non nằm trong vùng bụi thải của hai nhà máy Xi măng Hải Vân và Thép Đà Nẵng lâu nay cũng chịu cảnh đeo... khẩu trang trong giờ học trên lớp. Không chỉ người dân kêu trời, ngay bản thân các DN nằm trong KCN Hòa Khánh và Liên Chiểu cũng phải lên tiếng mỗi khi các cơ sở luyện thép của Xí nghiệp sản xuất - kinh doanh Thiên Kim, DN tư nhân Xuân Tiến, Công ty Thương mại - dịch vụ Xuân Hưng, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Kim Liên xả khói ra xung quanh. Theo kết quả quan trắc của Sở TN-MT TP.Đà Nẵng đo tại 9 cơ sở có lò luyện thép cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm vượt tiêu chuẩn nhiều lần, đặc biệt là kim loại nặng. Mặc dù từ năm 2000 đến năm 2005, đã có 13 cơ sở bị khiếu nại về ô nhiễm không khí và Sở TN-MT đã xử phạt hành chính lần đầu đối với 11 cơ sở, xử phạt tái phạm đối với 4 cơ sở trên, nhưng xem ra... đâu vẫn hoàn đó.

 

Bao giờ mới hết tình trạng ô nhiễm?

Trả lời câu hỏi bao giờ mùi hôi từ âu thuyền Thọ Quang thôi “hành hạ” người dân quanh vùng, đại diện Ban quản lý các KCN & khu chế xuất Đà Nẵng cho biết, trạm xử lý nước thải tập trung tại KCN Dịch vụ thuỷ sản Đà Nẵng với công suất 5.000 m3/ngày đêm chắc chắn sẽ được xây dựng và hoàn thành vào năm 2008. Hiện tại, giải pháp trước mắt sẽ là Sở TN-MT TP. Đà Nẵng phối hợp với Ban quản lý, UBND quận Sơn Trà tăng cường giám sát việc thực hiện xử lý nước thải tại từng cơ sở đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Trong khi đó, do hệ thống cống thu gom nước thải của KCN Hòa Khánh chưa hoàn chỉnh, mặt khác địa điểm xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung và quá trình tổ chức thi công không đồng bộ dẫn đến tình trạng không thể đưa nước từ các cơ sở, nhà máy về trạm xử lý tập trung. Hiện tại, hệ thống cống thu gom nước của KCN này chỉ mới đáp ứng cho phần có diện tích 92,5 ha, phần còn lại (150 ha) chưa có hệ thống cống thu gom nước thải và hiện mới chỉ 23 cơ sở trong số 112 cơ sở đang hoạt động tại KCN này có hệ thống cống đấu nối nước thải vào trạm xử lý nước thải, nên tình trạng ô nhiễm do nước thải còn tiếp tục dài dài. Đại diện Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, giải pháp trước mắt sẽ là chặn dòng tại cống hở phía Tây của KCN để không cho nước thải chưa xử lý chảy ra sông Cu Đê và nghiên cứu đặt trạm bơm tại đây để bơm toàn bộ nước thải về trạm xử lý tập trung. Đồng thời,  sẽ tiến hành xây dựng hệ thống cống thoát nước thải cho phần diện tích 150 ha của KCN để thu gom toàn bộ lượng nước thải từ các DN trong KCN, yêu cầu tất cả DN trong KCN phải có đường dẫn nước thải nối vào hệ thống cống thu gom chung của KCN, không được xả nước thải vào đất. Tuy nhiên, thời hạn đặt ra cũng phải hết năm 2007 mới hoàn thành.

Còn với khí thải từ các cơ sở nấu luyện thép trong KCN Hòa Khánh và Liên Chiểu (trừ Công ty Thép Đà Nẵng và Công ty Thép Thành Lợi đã xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý khí thải của lò luyện thép hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động), số còn lại vẫn chưa tìm ra cách giải quyết. Ban quản lý các KCN và khu chế xuất Đà Nẵng cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện xử lý khí thải của các DN luyện thép, đưa ra quy định cụ thể để có thể đình chỉ các DN vi phạm gây ô nhiễm nặng hoặc DN không có khả năng xử lý khí thải, nhưng xem ra đến nay, các lò luyện thép... vẫn bình chân như vại và cũng bình yên vô sự.

Ngô Bình
Ngô Bình

Tin cùng chuyên mục