Rao bán nhiều, nhưng không ai mua
Chị Lê Thị Thủy Tiên, làm nghề môi giới tự do, chuyên tư vấn bán và cho thuê căn hộ, khách sạn tại Đà Nẵng cho biết, mấy tháng nay, chị liên tục nhận được “đơn hàng” tìm đối tác mua lại khách sạn. Các khách sạn được rao bán chủ yếu có quy mô từ nhỏ đến vừa.
“Từ giữa năm 2020 đến nay, người quen ký gửi tìm đối tác mua lại khách sạn lẫn căn hộ du lịch không ít, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa chốt được giao dịch nào bởi nhu cầu muốn mua lại cơ sở lưu trú kinh doanh khách sạn trên thị trường gần như không có. Nhà đầu tư hiện có xu hướng đầu tư vào đất nền, căn hộ, chứ không mặn mà với việc đầu tư vào khách sạn”, chị Tiên nói.
Ông Trần Thiện Thanh, chủ một khách sạn mini tại đường Hà Bổng (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chia sẻ, năm 2017, du lịch Đà Nẵng bùng nổ kéo theo cơn sốt đầu tư vào cơ sở lưu trú. Lúc này, ông hùn vốn với chị gái (trú tại Hà Nội) đầu tư gần 90 tỷ đồng để xây một khách sạn quy mô 50 phòng nghỉ.
Giai đoạn 2017-2019, lượng khách đến Đà Nẵng rất đông, hiệu suất buồng phòng mùa cao điểm luôn đạt từ 90-100% mỗi năm, lúc thấp điểm cũng đạt trên 50%. Doanh thu giai đoạn này không chỉ đảm bảo duy trì vận hành khách sạn, mà còn đủ để trả lãi vay và gốc cho ngân hàng.
Thế nhưng, khi dịch Covid-19 xuất hiện, lượng khách thuê phòng đã sụt giảm nghiêm trọng, doanh thu từ kinh doanh khách sạn không đủ để trả chi phí vận hành và lương nhân viên, buộc ông Thanh phải tìm đối tác để chuyển nhượng lại khách sạn.
Nhiều khách sạn buộc phải tạm dừng hoạt động vì vắng khách. |
“Trước đây, mỗi ngày trung bình có từ 20-25 đoàn khách đặt phòng, nhưng từ giữa năm 2020, gần như khách sạn không có khách. Chúng tôi phải tạm đóng cửa khách sạn, cho nhân viên nghỉ làm để giảm chi phí, nhưng áp lực trả nợ vẫn lớn. Mặt khác, việc đóng cửa kéo dài sẽ khiến cơ sở vật chất hao mòn nhanh, nếu càng để lâu thì càng xuống giá”, ông Thanh nói và thông tin thêm, dù đã giảm giá bán về sát giá vốn nhưng vẫn chưa tìm được người mua.
Cơ hội cơ cấu lại thị trường lưu trú, nghỉ dưỡng
Thực tế, làn sóng bán tháo khách sạn, cơ sở lưu trú bắt đầu xuất hiện tại Đà Nẵng từ cuối tháng 6/2020 - thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh và tiếp diễn từ đó đến nay theo xu hướng tăng dần.
Những cơ sở lưu trú được rao bán phần lớn ở phân khúc dưới 3 sao, tập trung ở các trục đường ven biển Võ Nguyên Giáp thuộc 2 quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà như Hà Bổng, Dương Đình Nghệ, Phan Tôn, Đỗ Bá, An Thượng, Trần Bạch Đằng… và được xây dựng vào giai đoạn 2017-2018, khi du lịch nghỉ dưỡng Đà Nẵng bùng nổ.
Ông Lê Dũng, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Du lịch và Khách sạn Thiên Thai cho hay, hầu hết khách sạn đang rao bán đều được đầu tư bằng vốn vay ngân hàng và xây dựng ở thời điểm bất động sản ven biển bùng nổ nên có chi phí rất cao, nếu hoạt động kinh doanh không thuận lợi thì rất dễ gặp khó khăn.
“Thực tế, vấn đề đối với những khách sạn quy mô nhỏ từ 3 sao trở xuống đã bộc lộ ngay từ đầu, khi đa phần được đầu tư theo ‘phong trào’ và ở thời điểm giá đất biển Đà Nẵng lên rất cao (200-300 triệu đồng/m2 giai đoạn 2017-2018 - PV) nên chi phí đầu vào là rất lớn, dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao, giờ lại thêm ảnh hưởng của dịch bệnh nên khó chồng khó”, ông Dũng phân tích.
Các khách sạn được rao bán tập tại khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà. |
Cùng chung góc nhìn, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Khu du lịch Bắc Mỹ An cho rằng, dịch Covid-19 không chỉ tác động đến nhóm khách sạn quy mô nhỏ và vừa, mà ngay cả những khu nghỉ dưỡng lớn hoặc khách sạn cao cấp 4-5 sao cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đa phần các khách sạn được rao bán tập trung ở phân khúc khách sạn từ 3 sao trở xuống, vốn có tiềm lực tài chính mỏng, còn với nhóm khách sạn từ 4 sao trở lên thường là chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, nên sẽ không gặp quá nhiều khó khăn.
Dẫu vậy, theo ông Quỳnh, nếu có khách trả giá phù hợp thì các chủ đầu tư lớn này cũng sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán.
“Đại dịch Covid-19 một mặt tác động tiêu cực tới thị trường, nhưng mặt khác đem lại cơ hội cơ cấu lại quy mô các cơ sở lưu trú theo hướng chuyên nghiệp, bài bản và đa dạng hơn”, ông Quỳnh nhìn nhận.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng cho rằng, hiện là thời điểm thích hợp để sàng lọc, tái cấu trúc phân khúc cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng.
Theo ông Dũng, các chủ đầu tư cũ có thể chuyển công năng cơ sở lưu trú hoặc chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới có tiềm lực tài chính, có nguồn khách hàng đặc thù hơn để vừa có thể đa dạng hóa khách hàng, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng quản trị doanh nghiệp…
“Chính phủ đã nhập vắc-xin ngừa Covid-19 và hướng tới tiêm chủng cho toàn dân trong thời gian tới. Đây là một tín hiệu tốt cho ngành du lịch nước nhà có cơ hội khởi sắc trở lại. Khi đó, nhu cầu nghỉ dưỡng sẽ tăng lên và tạo điều kiện cho ngành kinh doanh khách sạn phục hồi”, ông Dũng nhìn nhận.
Theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng, trong tháng 1/2021, tổng lượt khách các cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 250 nghìn lượt, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khách quốc tế giảm hơn 95%, khách nội địa giảm 36,7%. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tháng 1/2021 giảm 27,2% so với cùng kỳ năm 2020.