Đà Nẵng điều chỉnh chính sách giữ chân nhân tài

Biên chế công chức khó khăn, Đà Nẵng chọn hướng sẽ tăng thu hút chuyên gia và chỉ tập trung đào tạo chuyên sâu khi thực sự có nhu cầu.
Ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông. Ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.
Dù tồn tại nhiều hạn chế, dư dôi hàng trăm nhân tài chưa được vào công chức, ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng - cho biết thành phố không dừng đề án mà duy trì đào tạo song song với thu hút. Để giữ chân người tài, HĐND thành phố đã có nghị quyết điều chỉnh hàng loạt chính sách.

Đà Nẵng ưu tiên nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức thông qua bồi dưỡng ngắn hạn. Khi có nhu cầu bổ sung nhân lực chất lượng cao, thành phố sẽ ưu tiên diện thu hút; khi thu hút không được mới đào tạo và chọn người đang học năm cuối đại học hoặc sau đại học để "rót" kinh phí. Việc sắp xếp công việc từ đó thuận lợi hơn vì đã có sẵn vị trí.

Thành phố cũng chuyển dịch từ thu hút nhân tài dài hạn sang mời chuyên gia đến làm việc ngắn hạn phục vụ các chương trình, dự án nghiên cứu cụ thể. Hợp đồng thuê khoán chuyên gia bao gồm thỏa thuận về lương, hỗ trợ nhà ở, đi lại... Yêu cầu đặt ra cho chuyên gia là phải tạo ra sản phẩm tốt.

Những học viên thực sự có nhu cầu về nhà ở sẽ được tạo điều kiện thuê chung cư hoặc vay vốn ưu đãi trong thời hạn 10 năm để mua nhà ở xã hội.

Với diện thu hút làm việc lâu dài, trước đây thành phố hỗ trợ một lần dựa trên bằng cấp, trình độ, bây giờ sẽ hỗ trợ theo nhóm đối tượng và theo từng trình độ, cơ sở đào tạo.

Riêng người được cử đi đào tạo sẽ được hưởng kinh phí học năm cuối, kèm theo chính sách cấp hỗ trợ một lần kinh phí như diện thu hút.

Bên cạnh đó là những quyền lợi về nhà ở, cơ hội thi tuyển công chức, viên chức. "Sắp tới Chủ tịch thành phố gặp mặt các học viên để lắng nghe nguyện vọng, bố trí công việc sao cho phù hợp với năng lực, sở trường của các em", ông Đồng nói. 

Với học viên Đề án 922 đang làm việc ở các cơ quan hành chính, chính sách cũng được nới lỏng. Như trước đây thành phố không cho học viên học lên tiến sĩ khi chưa có nhu cầu, dù được cấp học bổng. Thành ủy Đà Nẵng sau đó cho phép những ngành không cần thiết học viên được đi học tiếp.

Riêng về bồi hoàn kinh phí với người vi phạm hợp đồng, thành phố chỉ yêu cầu nộp lại bằng đúng số tiền đã nhận, thay vì gấp 5 lần như trước.

Những người đã làm việc được trừ tiền với số năm tương ứng. Nhưng có tình trạng dù tòa án đã xét, học vẫn viên vẫn không nộp mà trốn ra nước ngoài. 

Đà Nẵng điều chỉnh chính sách giữ chân nhân tài ảnh 1

Công chức Đà Nẵng làm việc tại khu vực một cửa. Ảnh: Nguyễn Đông. 

"Nhân tài đông tạo áp lực khi bố trí công việc"

Chồng chéo giữa vừa đào tạo, vừa thu hút khiến nhiều người tài phải làm nhân viên hợp đồng trong nhiều năm liền. Chỉ tính trong số 460 học viên đề án đã tốt nghiệp, có đến gần 200 người chưa vào công chức. "Nhân tài đông tạo áp lực cho Sở khi bố trí công việc", ông Đồng nói. 

Ngoài 40 học viên Đề án 922 thôi việc, ông Đồng cho biết số lượng nhân tài diện thu hút xin nghỉ cũng tương đương. Nếu so với thành công của đề án thì con số này không lớn. 

Nguyên nhân người tài thôi việc đưa ra là vì sức khỏe, muốn đoàn tụ với gia đình, hoặc tìm công việc khác phù hợp hơn. Không ai trực tiếp đề cập đến tiền bạc, nhưng theo ông Đồng, lương công chức quá thấp, nhiều em chưa vào được biên chế.

"Trước đây khi cử học viên đi học thành phố đã có kế hoạch sử dụng, sắp xếp vị trí làm việc. Nhưng khi các em ra trường thì thành phố lại không cần vị trí đó nữa. Nhiều khi bố trí công việc chưa hợp lý nên hạn chế phát huy vai trò, năng lực của các em", ông Đồng nói.

Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định tới đây thành phố sẽ rà soát bộ máy hành chính công. Những người không đủ năng lực sẽ bị thay thế để nhường chỗ cho học viên đề án và diện thu hút. Thêm vào đó là khuyến khích lãnh đạo về hưu trước tuổi để có "ghế" cho người tài vào biên chế. 

Nên chuyển nhượng nhân tài

Ông Đặng Công Ngữ - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng đánh giá "Đề án 922 thuộc về ý chí của lãnh đạo nên làm rất sơ sài". Nếu học viên đã có tư tưởng ra khỏi đề án mà thành phố quyết giữ lại thì họ cũng chỉ làm cho xong việc. Khi đó hiệu quả của bộ máy hành chính sẽ sụt giảm. 

Những trường hợp xin ra khỏi đề án, ông Ngữ cho rằng thành phố nên tạo điều kiện hoàn trả tiền nhiều lần, không nên "ép đóng một lần" vì họ cần thời gian đi làm mới có tiền. Lãnh đạo thành phố cũng không nên bảo thủ tư tưởng "mình bỏ tiền ra đào tạo thì chỉ mình sử dụng", mà nên tính đến chuyển nhượng người tài cho khu vực tư nhân vốn đang cần.

"Việc chuyển nhượng nhân tài là hoàn toàn có cơ sở trong nền kinh tế thị trường. Không cần xây dựng kế hoạch cho việc chuyển nhượng, mà cần chủ trương của lãnh đạo thành phố.

Chuyển nhượng người tài cũng như chuyển nhượng cầu thủ thôi, mình bán được giá cao thì mình lời", ông Ngữ nói. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Quang - Bí thư quận ủy Thanh Khê (Đà Nẵng) cho rằng chuyển nhượng nhân tài ở thời điểm thành phố đang dư dôi quá nhiều là cần thiết.

Thành phố có thể liên hệ với doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu, sau đó các bên ngồi lại thỏa thuận. "Người tài làm cho doanh nghiệp phát triển thì thành phố cũng được hưởng lợi", ông nói. 

Đà Nẵng điều chỉnh chính sách giữ chân nhân tài ảnh 2

 Thành phố đã có được đội ngũ nhân tài dồi dào để làm việc trong khu vực hành chính công. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Võ Ngọc Đồng cho biết, thành phố cũng đang nghiên cứu chính sách chuyển nhượng nhân tài, nhưng phải đối chiếu với các quy định của pháp luật, vì liên quan đến chi tiền từ ngân sách cho các học viên đi học.

"Các em ra ngoài công lập thu nhập cao hơn và vẫn đóng góp cho thành phố. Đây không phải là chảy máu chất xám", ông Đồng nói.

Đến tháng 12/2014, Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người diện thu hút. Theo Sở Nội vụ Đà Nẵng, trong bốn năm 2010-2014, thành phố đã thu hút quá nhiều (456 người) cho các đơn vị hành chính tại sở, ngành. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến vượt chỉ tiêu biên chế và định biên được giao.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục