Đà Nẵng cho phép chuyển nhượng dự án “treo”

Những dự án “treo” giữa trung tâm TP. Đà Nẵng đã tìm thấy lối thoát khi mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã “bật đèn xanh” cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng lại dự án để tránh lãng phí và khơi thông dòng vốn đầu tư.
Dự án Golden Square của Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á chuyển nhượng cho Tập đoàn Alphanam. Ảnh: H.M Dự án Golden Square của Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á chuyển nhượng cho Tập đoàn Alphanam. Ảnh: H.M

Chuyển nhượng hàng loạt dự án

Kể từ khi Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực (ngày 1/7/2015), trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã diễn ra nhiều thương vụ mua bán, chuyển nhượng dự án. Trong đó, Dự án Khu chung cư Deawon (Hàn Quốc) tại chân cầu Tuyên Sơn đã được chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Đầu tư Nhà quốc gia N.H.O; Dự án Tổ hợp Ánh Dương - Soleil Đà Nẵng của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) được nhượng cho Tập đoàn PPC An Thịnh; Dự án Golden Square của Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á chuyển sang tay Tập đoàn Alphanam; Dự án Đà Nẵng Center của Công ty Vũ Châu Long đang làm thủ tục chuyển nhượng cho Tập đoàn Co.op Mart...

Ngoài ra, còn nhiều dự án đầu tư khác đã và đang được chuyển nhượng theo hình thức chuyển cổ đông sở hữu. Trên thực tế, việc chuyển nhượng dự án đã diễn ra tại Đà Nẵng từ năm 2010, khi Công ty cổ phần Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà chuyển nhượng Dự án Khu đô thị Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) với số tiền 963 tỷ đồng.

Những dự án sau khi chuyển nhượng đã lập tức được các chủ đầu tư mới bắt tay vào triển khai. Gần đây nhất, thị trường bất động sản Đà Nẵng đón nhận sự kiện Công ty PPC An Thịnh Đà Nẵng giới thiệu Dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp Ánh Dương - Soleil Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Đây là dự án mà PPC An Thịnh nhận chuyển nhượng từ HUD với số tiền 500 tỷ đồng.

Mở đường cho dự án “treo”

Từ năm 2015 đến nay, hàng loạt dự án bất động sản lớn đã và đang được triển khai và đưa vào sử dụng tại TP. Đà Nẵng, đặc biệt là phân khúc ven biển, chứng tỏ những chuyển động tích cực ngay từ đầu năm của thị trường. Đặc biệt, một loạt chính sách bất động sản vừa có hiệu lực sẽ là chất xúc tác, kích thích sự phát triển của thị trường trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, theo quy định mới, chủ đầu tư dự án bất động sản được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đáp ứng các điều kiện về dự án dự định chuyển nhượng, chủ đầu tư chuyển nhượng và chủ đầu tư nhận chuyển nhượng. Chủ đầu tư dự án bất động sản được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án cho chủ đầu tư khác khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư đồng ý bằng văn bản.

Nhận định rằng, quỹ đất dành cho nhà đầu tư thực sự muốn đến làm ăn tại Đà Nẵng ngày càng hạn hẹp, trong khi nhiều khu đất vàng tại trung tâm thành phố cứ “treo” cùng năm tháng, vừa gây lãng phí về tài nguyên, vừa làm méo mó diện mạo chỉnh trang đô thị, mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã “bật đèn xanh” khuyến khích chuyển nhượng dự án.

“Cho phép chuyển nhượng vừa giải quyết được nợ nần cho nhà đầu tư cũ, dự án lại có tiền để thực hiện nghĩa vụ với Thành phố. Khi nhà đầu tư triển khai dự án, Thành phố đỡ cảnh nhếch nhác vì tình trạng dự án khoanh tôn từ năm này qua năm, gây bức xúc cho nhân dân... Hơn nữa, khi chuyển nhượng dự án, Thành phố tiếp tục thu được tiền chuyển nhượng”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.

Đón nhận thông tin này, các ngân hàng thương mại tại TP. Đà Nẵng cũng có thể lạc quan về triển vọng cung ứng vốn cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Ông Đinh Xuân Nha, Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, VietinBank Đà Nẵng luôn dành phần vốn lớn cho các dự án bất động sản, nhưng dự án treo quá lâu gây ra nợ xấu ngân hàng và ngắt quãng tính lưu thông của dòng tiền. Việc chính quyền Đà Nẵng cho các nhà đầu tư chuyển nhượng dự án sẽ khiến đồng vốn không bị ngưng trệ, tạo thanh khoản tốt hơn cho các ngân hàng trên địa bàn Thành phố.

Hà Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục