“Cú hích” từ các công trình hạ tầng
Nhờ phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng nhiều cây cầu nối 2 bờ sông Hàn, mở rộng đô thị về phía Đông để phát triển du lịch, Đà Nẵng đã có những bước phát triển ngoạn mục. Một trong những yếu tố dẫn đến thành công là Đà Nẵng đã đi đúng hướng trong quy hoạch, đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông đô thị.
Nhìn lại Đà Nẵng từ năm 1997 (thời điểm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương) về trước, bộ mặt đô thị vẫn tồn tại nhiều bất cập, đường phố chật hẹp, khu chức năng đô thị lẫn lộn, bờ Đông sông Hàn bị tách biệt và chưa phát triển... Nhưng 25 năm sau, với chiến lược “hạ tầng đi trước”, nhiều cây cầu nối 2 bờ sông Hàn, mở rộng đô thị về phía Đông để phát triển du lịch, Đà Nẵng đã chuyển mình mạnh mẽ.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhận định, trải qua 2 năm vô cùng khó khăn vì phải đối phó với dịch Covid-19, chính quyền, nhân dân Thành phố đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu để đảm bảo mục tiêu về phòng, chống dịch và duy trì các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2021, quy mô kinh tế đạt 105.000 tỷ đồng, gấp 12 lần so với năm 1997. Tổng thu ngân sách đạt 21.000 tỷ đồng, gấp 18 lần so với năm 1997. Diện tích đất xây dựng đô thị là 18.396 ha, gấp 3,5 lần năm 1997.
Gắn bó với Đà Nẵng trong nhiều năm qua, TS. Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, Đà Nẵng thực sự chuyển mình mang tính bước ngoặt kể từ năm 2000. Việc các khu “nhà chồ” được giải tán, những cây cầu nối đôi bờ sông Hàn mọc lên, tuyến đường ven biển hình thành… chính là “cú hích” về hạ tầng để vực dậy các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như du lịch, kinh tế biển…
Cầu sông Hàn đã góp phần mang lại sức sống mới cho bờ Đông sông Hàn, mở ra thời kỳ bùng nổ du lịch của Thành phố và trở thành biểu tượng cho sự chung sức phát triển của chính quyền, nhân dân Đà Nẵng. Tháng 3/2013, cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý được khánh thành với kiến trúc độc đáo, thu hút du khách, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng - Thành phố của những cây cầu.
Tháng 3/2015, Công trình nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế “thành hình”, như một công trình kiến trúc đồ sộ, phức hợp được cả 3 loại hình giao thông (nhánh rẽ đường bộ không giao với đường sắt, vòng xuyến tầng 1 với 4 làn xe chạy và tầng 2 ưu tiên trục giao Quốc lộ 1A và ngã rẽ vào trung tâm Thành phố). Công trình đã giúp giải quyết được “điểm đen” về giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng đô thị Đà Nẵng về hướng Tây Bắc…
Và mới đây, tháng 3/2022, công trình cải tạo cụm nút giao thông (3 tầng) phía Tây cầu Trần Thị Lý được đưa vào sử dụng, giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm tại phía Tây cầu Trần Thị Lý, kết nối sân bay Đà Nẵng với khu vực bãi biển phía Đông Thành phố.
“Công trình góp phần tạo sức bật mới, động lực mới để Thành phố phục hồi tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc kích hoạt lại các dự án phát triển hạ tầng đô thị, các dự án về kinh tế, xã hội, sự phục hồi của hoạt động du lịch”, ông Lê Trung Chinh nhận định.
“Tuổi 25” vươn mình mạnh mẽ
Nhìn nhận về Đà Nẵng hôm nay, nhiều chuyên gia cho rằng, sau 47 năm giải phóng, 25 năm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã vươn lên trở thành một đô thị hiện đại, văn minh. Thời gian không ngắn, không dài, nhưng cũng đủ cho một Thành phố trẻ lớn lên “cường tráng” như Đà Nẵng.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, 25 năm qua, với vị thế độc lập của thành phố trực thuộc Trung ương và vai trò trung tâm phát triển vùng, TP. Đà Nẵng vươn lên mạnh mẽ, làm một cuộc “đổi đời” đúng nghĩa.
“Năm 2019 so với năm 1997, GRDP của Thành phố tăng 8 lần; GRDP/người tăng 8,3 lần; đóng góp thu ngân sách tăng 23 lần; khách du lịch đến tăng gần 55 lần... Đó là những con số - thành tích thật sự ấn tượng. 25 năm qua, không nhiều địa phương đạt được thành tích tương tự”, ông Thiên nói.
Trong khi đó, theo PGS-TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đứng từ góc độ du lịch, Đà Nẵng đã có những bước phát triển “thần kỳ” với tốc độ tăng trưởng về khách du lịch giai đoạn 1997-2019 đạt 25,8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của cả nước cùng giai đoạn là 18,6%/năm; doanh thu về du lịch từ 529 triệu đồng (năm 1997) lên dến 30.973 tỷ đồng (năm 2019).
Ông Lương cho rằng, việc phát triển du lịch trong giai đoạn 2022-2025 sẽ phải đối diện với những khó khăn không nhỏ để phục hồi tăng trưởng du lịch, trước hết là tăng trưởng về khách. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Thành phố thực hiện việc cơ cấu lại ngành du lịch nhằm phục hồi và tiếp tục phát triển tương xứng với vị thế của mình trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Nhìn Đà Nẵng hiện tại, các chuyên gia kinh tế có chung nhận định, dấu ấn đổi thay dễ nhận thấy của Thành phố là việc mở mang không gian đô thị nhanh chóng. Việc Đà Nẵng trở thành đô thị lớn thứ 4 Việt Nam không chỉ ghi dấu mốc lịch sử về công trình hạ tầng giao thông trọng điểm; mà song song với hạ tầng, chính quyền Đà Nẵng đã chọn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khai thác tiềm năng vốn có.
Ngành du lịch của Thành phố được đầu tư phát triển mạnh với nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, các điểm tham quan nổi tiếng thế giới. Đó là “viên ngọc trắng” bên bán đảo Sơn Trà InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, với kỳ tích nhiều năm liên tiếp là “khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới”, nơi diễn ra Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Hay Sun World Bà Nà Hills với những tòa lâu đài cao vút, những công trình “truyền lửa” cho xu hướng check-in mang tên Cầu Vàng, tạo nên một hiện tượng về du lịch trên khắp toàn cầu…
Tại Tọa đàm TP. Đà Nẵng 25 năm: Thành tựu và triển vọng nhân kỷ niệm 25 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (ngày 1/1/2022), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gợi mở, Đà Nẵng phải thực hiện phát triển xanh, là nơi đáng sống, tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, có bản sắc riêng. “Chìa khóa thành công của Đà Nẵng nằm ở khả năng đón đầu nhu cầu nhân lực bậc cao của cách mạng công nghiệp 4.0”, Chủ tịch nước nhìn nhận.
Về triển vọng nhìn từ “tuổi 25”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị, Đà Nẵng phải trở thành một đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, là thành phố biển đáng sống, đạt đẳng cấp khu vực châu Á theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng phải là động lực, đầu tàu về tăng trưởng kinh tế của cả nước; là biểu tượng, niềm tự hào về sự vươn mình vượt qua khó khăn. Đà Nẵng đã truyền cảm hứng cho nhiều địa phương miền Trung cùng vượt khó vươn lên…