Đà giảm chỉ là tạm thời

(ĐTCK) Có mối liên quan nào giữa thị trường chứng khoán Trung Quốc đang lao dốc khủng khiếp và 2 phiên giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam? Câu trả lời có lẽ là không.
Đà giảm chỉ là tạm thời

Diễn biến của 2 phiên giảm vừa qua thực tế đã “nằm trong kịch bản”, bởi sau khi VN-Index vượt qua ngưỡng 630 điểm (phiên ngày 7/7), trong hầu hết dự báo đều cho rằng thị trường cần phải có những phiên điều chỉnh sau một thời gian tăng tốc.

Thực tế cho thấy, nhóm giảm điểm chính trong 2 phiên vừa qua là nhóm ngân hàng, dầu khí,… tức là các nhóm đã có thời gian thăng hoa trước đó với nhiều mã có mức tăng lên tới 50% trong thời gian ngắn.

Mặc dù thị trường giảm điểm nhưng dòng tiền mua vào vẫn đang rất mạnh mẽ, xu hướng tích cực này được nuôi dưỡng bởi kỳ vọng và dòng tiền mạnh mẽ của các nhà đầu tư ngoại, một hiệu ứng sau khi Chính phủ bật đèn xanh cho phép nới room.

Phải thừa nhận rằng, giao dịch của khối ngoại thời gian gần đây đã tác động khá lớn tới xu hướng chung của thị trường chung. Đã có những phiên khối ngoại giao dịch mua/bán với tổng khối lượng lên tới hơn 1.000 tỷ đồng/phiên, có những phiên mua ròng rất lớn trên 400 tỷ đồng.

Điều quan trọng hơn là dòng tiền tập trung chủ yếu vào các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, SSI, MSN, VCB, STB, BID,... do đó, tác động mạnh tới sự biến động của VN-Index. Thống kê cho thấy, trong 3 tháng trở lại đây, khối này đã mua ròng liên tiếp hơn 4.000 tỷ đồng, riêng trong tháng 6 giao dịch tăng tới 40% so với tháng trước.

Tất nhiên, bên cạnh những kỳ vọng thì vẫn còn đó những sự nghi ngại không nhỏ. Kinh nghiệm về đợt tăng tốc rồi lao dốc khiến cả thị trường bị ảnh hưởng theo của nhóm cổ phiếu bất động sản và dầu khí hồi năm ngoái vẫn còn nguyên giá trị. Nhìn rộng ra quốc tế, thị trường chứng khoán Trung Quốc và khủng hoảng nợ Hy Lạp có thể có những tác động tiêu cực tới dòng vốn ngoại vào chứng khoán Việt Nam.

Trong ngắn hạn, chỉ số 2 sàn chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục đợt điều chỉnh với ngưỡng kháng cự 625 - 630 điểm cho VN-Index và 89-90 điểm với HNX-Index.

Nếu các ngưỡng này được giữ vững với dòng tiền mạnh, xoay vòng hay thường được gọi là tái cơ cấu danh mục sang các nhóm ngành khác, và nếu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết 6 tháng đang dần được công bố tích cực thì nhận định về một đợt điều chỉnh tạm thời là hoàn toàn có cơ sở.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục