BMI: Khuyến nghị tích lũy trong dài hạn
CTCK Rồng Việt (VDSC)
Thương hiệu lâu năm, hệ thống rộng và thị phần lớn là những thế mạnh cạnh tranh của BMI. Sau giai đoạn khó khăn chung của thị trường bảo hiểm, BMI đang tập trung cho việc kiểm soát chi phí môi giới, quảng cáo và tỷ lệ bồi thường.
Nhờ đó, từ 2014 hiệu quả hoạt động của BMI đã có dấu hiệu cải thiện khi doanh thu kinh doanh bảo hiểm tăng tốc trong khi tỷ lệ bồi thường tiếp tục được kéo giảm. Mặt khác, BMI cũng đã tiến hành tái cơ cấu mục đầu tư tài chính theo hướng gia tăng tỷ trọng tiền gửi dài hạn như một bước đi nhằm cải thiện thu nhập từ lãi và nâng cao biên khả thanh toán.
Sử dụng kết hợp phương pháp chiết khấu dòng cổ tức và phương pháp so sánh (P/E và P/B) chúng tôi xác định giá hợp lý của cổ phiếu BMI là 22.800 đồng/cp. Với những nhận định trên, chúng tôi đưa ra khuyến nghị TÍCH LŨY trong DÀI HẠN đối với cổ phiếu BMI.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh và quản trị dần tốt lên, BMI có lịch sử chi trả cổ tức đều đặn với mức tỷ suất khoảng 6% khiến cho cổ phiếu này khá phù hợp với nhà đầu tư giá trị. Tuy nhiên, cũng như hầu hết những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác, thanh khoản của cổ phiếu là vấn đề cần lưu ý.
PPC: Khuyến nghị tích cực trong ngắn hạn
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Chúng tôi ước tính CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC – sàn HOSE) có thể đạt 2.214 tỷ VNĐ doanh thu và 228 tỷ VNĐ lợi nhuận sau thuế trong quý II/2015, tăng 11% về doanh thu và 340% về lợi nhuận so với quý I/2015, chủ yếu do sản lượng điện tăng và không phải hạch toán lỗ tỷ giá, đồng thời ghi nhận cổ tức từ liên doanh liên kết.
Chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh 2015 của PPC có thể giảm khoảng 33% về lợi nhuận so với 2014 do lãi chênh lệch tỷ giá giảm, tuy nhiên nếu loại trừ phần lãi chênh lệch tỷ giá, kết quả kinh doanh 2015 của PPC tăng trưởng khoảng 16% so với 2014.
Xin lưu ý các nhà đầu tư là chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh của PPC dựa trên dự báo tỷ giá đồng Yên của các chuyên gia tài chính lớn trên thế giới do Bloomberg tổng hợp.
Theo đó lãi chênh lệch tỷ giá của PPC năm nay sẽ giảm mạnh so với 2014, chỉ khoảng 19 tỷ VNĐ so với 595 tỷ năm 2014. Nếu tỷ giá đồng yên trên thực tế sai lệch nhiều so với dự báo của Bloomberg, kết quả kinh doanh của PPC cũng sẽ thay đổi nhiều so với dự báo trên.
Trong ngắn hạn, chúng tôi đánh giá OUTPERFORM đối với PPC do chi phí khấu hao của PPC sẽ giảm mạnh trong quý IV/2015 và có thể tạo đột biến về lợi nhuận trong quý IV. Xét về dài hạn, chúng tôi xác định giá hợp lý của PPC ở mức 25.400 VNĐ/cổ phần dựa trên giả định giá cố định của Nhà máy Phả Lại 1 giữ nguyên trong các năm tới. Tuy nhiên nhiều khả năng giá điện cố định mới của Phả Lại 1 sẽ thấp hơn so với hiện nay.
Đồng thời, chúng tôi cũng lưu ý các nhà đầu tư về khả năng trong thời gian tới PPC có thể ghi nhận những khoản lãi/lỗ đột biến từ đầu tư tài chính. PPC hiện nắm giữ 25,97% Nhiệt điện Hải Phòng, 670.000 cổ phiếu Nhiệt điện Bà Rịa, 16,5% Nhiệt điện Quảng Ninh, 15% Thủy điện Buôn đôn, 10% CTCP Phát triển điện lực Việt Nam, 19,3% CTCP EVN quốc tế.
Tổng giá trị các khoản đầu tư vào Nhiệt điện Hải Phòng và các doanh nghiệp trong ngành điện hiện đạt khoảng 2.280 tỷ VNĐ. Tuy nhiên theo điều 189 Luật doanh nghiệp mới ban hành, trước ngày 1/7/2017, các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau. Do đó PPC sẽ phải tiến hành thoái vốn tại các doanh nghiệp này trước ngày 1/7/2017 và có thể ghi nhận các khoản doanh thu/chi phí tài chính bất thường khi tiến hành thoái vốn.
FCN: PE khá hấp dẫn, ở mức 6,5 lần trong ngắn hạn
CTCK Bảo Việt (BVSC)
CTCP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm Fecon (FCN – sàn HOSE) cho biết, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2015 ước tính tăng trưởng lần lượt 10% và 15% so với cùng kỳ 2014, đạt 285 tỷ đồng và 30,4 tỷ đồng (khoảng 35% kế hoạch cả năm). Phần lớn các dự án của FCN được thực hiện theo tiến độ, ngoại trừ dự án Nhà máy lọc dầu Long Sơn bị trễ so với kế hoạch. Tuy nhiên, FCN cũng đã ký được thêm một số dự án khác để bù vào phần này.
Cuối năm 2015, FCN dự định hợp nhất kết quả kinh doanh của FCI, trong đó, doanh thu của FCI từ dự án Đường tránh Phủ Lý ước tính khoảng 100 tỷ VNĐ. Do đó, FCN vẫn có khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2015.
Cho đến thời điểm hiện tại, FCN đã phát hành tổng cộng 395 tỷ VNĐ trái phiếu chuyển đổi với giá chuyển đổi 19.500 đồng/CP, bao gồm: (1) 195 tỷ cho DBJ năm 2014; (2) 100 tỷcho VCBS năm 2015. FCN dự kiến sẽ tiếp tục phát hành thêm 100 tỷ VNĐ trái phiếu chuyển đổi cho DBJ trong năm nay.
Theo FCN, DBJ có thể sẽ không thực hiện chuyển đổi trái phiếu vào tháng 10/2015. Nếu giá cổ phiếu FCN không có biến động nhiều so với mức giá hiện tại thì việc DBJ không thực hiện chuyển đổi cũng là điều dễ hiểu.
Mảng cơ sở hạ tầng. FCN lấn sân sang mảng cở sở hạ tầng theo hướng góp vốn đầu tư với đối tác khác, thành lập các BOT và nhờ vào đó có được hợp đồng thực hiện các hạng mục xây dựng trong các dự án cơ sở hạ tầng đó. Sau đó, đến giai đoạn khai thác, FCN có thể bán quyền khai thác cho đối tác khác.
Dự án BOT Phủ Lý dự kiến sẽ hoàn thành giữa năm 2016, thời gian khai thác 18 năm.
Xét về ngắn hạn, nếu giả định DBJ không chuyển đổi trái phiếu vào tháng 10/2015, EPS 2015 của FCN vào khoảng 3.499 đồng/cổ phần, tương đương với P/E ở mức 6,5 lần và là mức hấp dẫn để đầu tư.
Xét về dài hạn, nhà đầu tư nên lưu ý về rủi ro pha loãng của cổ phiếu FCN. Nếu DBJ không chuyển đổi trái phiếu vào 2015, việc chuyển đổi trái phiếu sẽ được tập trung vào những năm sau. 500 tỷ VNĐ trái phiếu chuyển đổi sẽ tạo áp lực tăng vốn điều lệ thêm 56% trong 3 năm tới.
>> Tải báo cáo
VSC: PE khá hợp lý, ở mức 8 lần
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Ước kết quả 6 tháng đầu năm 2015 khả quan với doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ gần 2% và 6% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 445 và 145 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu nhờ đột biến từ mảng kho lạnh, ước đạt khoảng 70 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2015, cùng kỳ đóng góp từ mảng này không đáng kể.
Đây cũng là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận gộp tốt (khoảng 50%). Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2015 của VSC tăng tốt hơn doanh thu.
Nhắc lại, VSC đã bỏ mảng vận tải xà lan (chiếm khoảng 5% tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2014) từ đầu năm 2015 do hoạt động không hiệu quả. Đồng thời các mảng hoạt động chính như cảng biển, kho,... của công ty hầu như đang ở mức toàn dụng. Do vậy, dù tăng trưởng nhẹ nhưng chúng tôi đánh giá khá tích cực về kết quả này.
Như đã đề cập trong các phân tích trước, chúng tôi đánh giá kế hoạch 800 tỷ đồng doanh thu (-10% so với cùng kỳ năm ngoái) và 245 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (-19% so với cùng kỳ năm ngoái) của VSC là khá thận trọng.
Với kết quả ước tính 6 tháng đầu năm 2015 này, VSC đã hoàn thành được 56% và 59% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2015. Dự báo đầu năm nay của chúng tôi cho doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2015 của VSC lần lượt là 873 tỷ (-2% so với năm ngoái) và 294 tỷ đồng (-3% so với năm ngoái).
Cảng VIP-Green Port (VGP) dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động trong tháng 11/2015. Công ty cho biết tiến độ thực hiện dự án này vẫn theo như kế hoạch. Theo đó, dự kiến 2 cầu bến sẽ đi vào khai thác lần lượt trong tháng 11/2015 và tháng 5-6/2016. VSC dự kiến phát hành riêng lẻ để tăng vốn của CTCP Cảng Xanh VIP (VIP GreenPort) từ 450 lên 575 tỷ đồng.
Đối tác chiến lược tiềm năng đang là khách hàng của công ty. Nhờ đó, khả năng cầu tàu đầu tiên khi đi vào hoạt động sẽ nhanh chóng đạt được tỷ suất hoạt động cao. Dự kiến sau phát hành, tỷ lệ nắm giữ của VSC tại VGP sẽ giảm từ mức 65% hiện tại xuống còn 51%.
Với vị trí tương đối thuận lợi của cảng mới VGP, cộng với lợi thế về mặt thương hiệu cũng như thâm niên hoạt động trong ngành của VSC, chúng tôi tương đối lạc quan về triển vọng dài hạn của VSC, đặc biệt là từ 2016 trở đi khi cảng mới đã có thể đi vào vận hành.
Khả năng nới room nước ngoài? Giá cổ phiếu VSC đã tăng gần 20% trong 3 tháng gần nhất, một phần là nhờ kỳ vọng về việc nới room đầu tư nước ngoài đối với công ty này. VSC là một trong số các công ty cảng niêm yết được nhà đầu tư nước ngoài khá quan tâm. Tuy nhiên room nước ngoài của cổ phiếu này hiện không còn.
Mặc dù vậy, VSC lại thuộc nhóm các công ty hoạt động ở các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên gần như khó có khả năng được nới room nước ngoài theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP vừa được ký ngày 26/06/2015 vừa qua. Ngoài ra, qua trao đổi với công ty, chúng tôi được biết ban lãnh đạo của VSC vẫn chưa có sự thảo luận nào về vấn đề này.
Định giá. VSC đang giao dịch tương đối hợp lý ở mức 8 lần PE 2015 và 1,5 lần PB, tương đương bình quân ngành.