Với diễn biến này, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đã đến lúc Việt Nam xây dựng ngưỡng lạm phát thay cho lạm phát mục tiêu hàng năm như hiện nay.
Mặt bằng giá cả trên thị trường thế giới 8 tháng của năm nay tăng khá cao, đặc biệt tại các nền kinh tế lớn, theo ông, vì sao tốc độ tăng CPI của Việt Nam vẫn thấp nhất kể từ năm 2016. Đây có phải hiện tượng bất thường?
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, thì CPI 8 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,79%, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Như vậy, tốc độ tăng CPI của Việt Nam chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 so với nhiều nước khác.
Trước hết, phải khẳng định, CPI của Việt Nam thấp hơn thế giới rất nhiều không có gì là bất thường, vì tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm nay thấp hơn dự kiến và thấp hơn nhiều nước trên thế giới, nên cả cầu đầu tư và tiêu dùng tăng chậm.
Trong tháng 7 và tháng 8, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đổ bộ vào Việt Nam, gây ra tác động tiêu cực chưa từng có, nên tốc độ tăng trưởng quý III và 9 tháng của năm cũng sẽ thấp hơn dự báo hồi đầu năm, thậm chí thấp hơn cả dự báo đã được điều chỉnh giảm vào đầu quý III. Điều này không khó để dự báo vì vốn đầu tư công thay vì tăng như mọi năm, 8 tháng của năm nay giảm 0,4%; tiêu dùng nội địa giảm 4,7%; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã giảm dần trong mấy tháng qua, đặc biệt là tháng 8 giảm 6% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2020, khiến kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của năm chỉ tăng 21,2%, thay vì tăng 25,5% trong 7 tháng của năm, hay tăng 28,4% trong 6 tháng đầu năm.
Tăng trưởng của cả 3 động lực là đầu tư công, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đều giảm, khiến tốc độ tăng trưởng GDP quý III và 9 tháng của năm nay thấp hơn dự kiến, nên CPI thấp không có gì là bất thường.
Mặc dù GDP của Việt Nam tăng thấp hơn dự kiến, nhưng nguyên, nhiên liệu, vật tư đầu vào của sản xuất trên thế giới tăng mạnh, chắc chắn đẩy CPI của Việt Nam cao hơn mới đúng quy luật, thưa ông?
Trong 8 tháng và cả năm nay, CPI của Việt Nam dù có thấp kỷ lục không có gì là bất thường, nhưng rất đặc thù. Vì để đối phó với đà suy giảm kinh tế do hậu quả của đại dịch Covid-19, tất cả các nước trên thế giới đều sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ.
Đơn cử, Mỹ đã bỏ ra tổng cộng 4.500 tỷ USD để khắc phục hậu quả Covid-19. EU bơm 2.190 tỷ USD để giải quyết những hậu quả về kinh tế, xã hội do Covid-19 gây ra. Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng tung ra gói hỗ trợ tài khóa với quy mô lớn chưa từng có trong tiền lệ, chưa kể chính sách nới lỏng tín dụng bơm ra thị trường hàng chục ngàn tỷ USD. Nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa giúp nhiều nền kinh tế phục hồi đà tăng trưởng, nhưng phải chấp nhận lạm phát cao hơn mục tiêu.
Việt Nam cũng sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng chính sách của Việt Nam khá đặc thù. Đặc thù ở chỗ, thay vì phát tiền trực tiếp cho người dân, Việt Nam chỉ hỗ trợ cho một số đối tượng trong xã hội và tổng mức hỗ trợ cũng không nhiều. Thay vào đó, Chính phủ yêu cầu giảm giá điện, nước, viễn thông; không tăng học phí, viện phí theo lộ trình; thậm chí còn giảm học phí năm học 2021-2022 cho một số đối tượng, nên nhu cầu xã hội vốn đã thấp do thực hiện giãn cách xã hội, lại được giảm giá những mặt hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khiến CPI tăng thấp.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là những chính sách rất đặc thù của Việt Nam, chi phí thấp, hiệu quả cao, nhiều đối tượng được thụ hưởng, kiểm soát được lạm phát, nhưng vẫn là một trong số ít nước đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực, với mức tăng trưởng 4,8% trong năm nay, theo dự báo Ngân hàng Thế giới công bố vào cuối tháng 8.
Trong nhiều năm trở lại đây, năm nào Việt Nam cũng đặt mục tiêu CPI tăng dưới 4%, nhưng chưa năm nào tăng đến 4%. Ông có cho rằng, nên đặt lại mục tiêu lạm phát?
Lạm phát là một trong những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản được Quốc hội thông qua hàng năm và đây được coi như pháp lệnh, Chính phủ căn cứ vào mục tiêu này để điều hành. Trong giai đoạn 2016-2020, chưa năm nào, CPI chạm ngưỡng 4%, bình quân trong 5 năm vừa qua, CPI chỉ tăng 3,15%/năm, trong khi tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,99%/năm, nếu loại trừ năm 2020, bình quân giai đoạn 2016-2019, GDP tăng 6,78%/năm. Như vậy, có thể thấy, trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đặt chỉ tiêu lạm phát 4% là phù hợp, vừa giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tăng trưởng kinh tế ở mức khá.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định khiến lạm phát của từng nước cũng như trên thế giới rất khó dự báo, vì vậy, nhiều nước thay vì đưa ra lạm phát mục tiêu cho từng năm đã sử dụng ngưỡng lạm phát. Có lẽ, Việt Nam cũng nên đặt ra ngưỡng lạm phát thay vì chỉ tiêu lạm phát cho từng năm.
Các nền kinh tế phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn đang sử dụng lạm phát mục tiêu, tại sao lại phải sử dụng ngưỡng lạm phát, thưa ông?
Ở các nền kinh tế phát triển gọi là lạm phát mục tiêu, nhưng bản chất là người ta sử dụng ngưỡng lạm phát. Ví dụ, Mỹ và EU thường đặt mục tiêu lạm phát khoảng 2% mỗi năm, theo đó, Chính phủ, Ngân hàng Trung ương điều hành lạm phát quanh ngưỡng 2% với một biên độ nhất định tùy thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế.
Cụ thể, kể từ năm 2020, khi nền kinh tế bị suy thoái do đại dịch, FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như giảm lãi suất cơ bản, tăng cường mua trái phiếu… để bơm tiền ra nền kinh tế, giúp kinh tế phục hồi nhanh chóng, nhưng đổi lại, chấp nhận lạm phát tăng trên 2% với biên độ nhất định. Khi lạm phát đã tăng quá ngưỡng trên, kinh tế dần phục hồi, FED đang xem xét nâng lãi suất cơ bản và thắt chặt chính sách tiền tệ để kéo lạm phát xuống. Kiểm soát lạm phát của các nền kinh tế trên thế giới cũng điều hành tương tự.
Còn ở các nước đang phát triển, người ta đặt ra ngưỡng lạm phát (ví dụ từ 5 đến 8%) cho cả một giai đoạn 5 năm. Căn cứ vào ngưỡng này, Chính phủ, Ngân hàng Trung ương điều hành linh hoạt để trong cả giai đoạn không vượt quá trần và không xuống quá sàn. Còn Việt Nam gọi là lạm phát mục tiêu, nhưng thực ra là chỉ tiêu pháp lệnh và điều hành càng thấp càng tốt, không căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế cũng như diễn biến trên thị trường thế giới.
Nếu đặt ngưỡng lạm phát, theo ông, Việt Nam nên sử dụng ngưỡng bao nhiêu là phù hợp?
Như tôi đã nói, trong giai đoạn 2016-2020, hàng năm Việt Nam đặt chỉ tiêu lạm phát dưới 4% là phù hợp, vì vừa kiểm soát được lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định. Hiện tại, Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về ngưỡng lạm phát, vì vậy, theo tôi, căn cứ vào tình hình thực tế và bài học kiểm soát lạm phát giai đoạn 2016-2020, trong khi chưa có nghiên cứu về ngưỡng lạm phát thì đặt mục tiêu lạm phát khoảng 4% cho giai đoạn 2021-2025, thay vì hàng năm ấn định dưới 4% như hiện nay.
Giả sử đặt ra ngưỡng lạm phát 4% thì tùy theo tình hình thực tế của từng năm, Chính phủ điều hành có thể cao hơn hoặc thấp hơn 4%, nhưng cả giai đoạn phải bảo đảm tiệm cận 4%. Điều này sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ có dư địa phục hồi kinh tế.
Cụ thể, lạm phát năm nay chắc chỉ loanh quanh 2,5-3%, nên năm 2022, Chính phủ có dư địa để tăng cường đầu tư, mở rộng chính sách tài khoá, tiền tệ, sớm đưa nền kinh tế tăng trưởng như thời kỳ trước dịch bệnh và chấp nhận lạm phát trên 4% và các năm sau cũng điều hành tương tự, phụ thuộc vào tình hình thực tế trong nước và thế giới. Điều hành thế nào là quyền của Chính phủ, nhưng trong giai đoạn 2021-2025, CPI bình quân không được vượt quá 4%.