Không rõ ràng về pháp lý: rủi ro lớn nhất
Giữa tháng 6/2016, trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, chủ DN tư nhân Chí Tường Thịnh cho biết, DN kinh doanh các ngành nghề là bán buôn thực phẩm; quảng cáo thương mại, dịch vụ tiếp thị; kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô… Do có nhu cầu mua một số khoản nợ xấu từ các ngân hàng thương mại cổ phần nên Công ty đã đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh “Mua bán nợ”. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM đã từ chối cấp đăng ký kinh doanh “Mua bán nợ” cho Công ty với lý do: “Theo công văn ngày 16/12/2014 của Văn phòng Chính phủ về việc đăng ký kinh doanh ngành nghề “Mua bán nợ”, hiện chưa cấp đăng ký kinh doanh ngành, nghề này cho các DN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp”.
Không thỏa mãn với câu trả lời từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, chủ DN chủ động tìm hiểu và được biết, theo quy định tại khoản 2, Điều 95 Luật Các Tổ chức tín dụng (Luật số 47/2010/QH12): “Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mua bán nợ của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”. Mang vấn đề đang vướng mắc lên Ngân hàng Nhà nước, một lãnh đạo của cơ quan quản lý này đã chia sẻ với chủ DN rằng: “Mua bán nợ là hoạt động kinh doanh có điều kiện (quy định tại mục 36 Phụ lục 4 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014) và Chính phủ đang chuẩn bị ban hành quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề mua bán nợ, nên DN chịu khó đợi đến khi Nghị định ban hành rồi triển khai hoạt động này”.
Tại thời điểm đó, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, luật sư Trần Đức Hùng, văn phòng Luật sư Hùng Thịnh cho biết, không chỉ riêng trường hợp của DN tư nhân Chí Tường Thịnh, mà giữa các tổ chức tín dụng với nhau, hay giữa tổ chức tín dụng với công ty quản lý nợ và khai thác tài sản…, quy định về cơ chế mua bán nợ cũng chưa rõ ràng. Chưa kể khi mua nợ xong, quyền của DN mua nợ đó được thực hiện như thế nào cũng chưa được quy định rõ.
“Về nguyên tắc, sau khi mua đứt bán đoạn nợ xong, DN trở thành chủ nợ của bên vay. Nguyên tắc suy luận là vậy nhưng khi xử lý tài sản bảo đảm, các cơ quan khác có hiểu, đồng ý vậy không hay sẽ buộc áp dụng điều luật khác. Do quy tắc pháp lý không rõ ràng nên DN sẽ chịu nhiều rủi ro”, luật sư Hùng cho biết.
Vướng mắc đã được gỡ
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một Vụ trưởng Ngân hàng Nhà nước cho biết, điều kiện đối với DN kinh doanh hoạt động mua bán nợ đã được quy định rõ tại Điều 7 Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ ban hành ngày 1/7/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành, bên cạnh các điều kiện tại Điều 5 Nghị định này. Theo đó, DN phải có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng. Các khoản nợ được mua bán phải có đầy đủ các yếu tố sau: không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ; không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua bán nợ, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của bên nhận bảo đảm về việc bán nợ; bên mua nợ và bên nợ không phải là người có liên quan theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Đồng thời, việc mua bán nợ phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mua bán nợ, trong đó quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của bên mua nợ, bên bán nợ. Bên cạnh đó, DN hoạt động mua bán nợ không được nhận cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; hoặc nhận bảo đảm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng khác, nhằm mục đích mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo đảm.
Bên mua nợ, bán nợ, bên nợ và các bên liên quan khác phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về quản lý ngoại hối trong trường hợp mua bán nợ hình thành quan hệ cho vay, vay nợ nước ngoài và sử dụng ngoại hối trong giao dịch mua bán nợ.
“Thực tế, các văn bản trước đây của Chính phủ đồng nghĩa với việc dừng mua bán nợ xấu, còn hiện tại, DN đối chiếu thực tế hoạt động của mình với các điều kiện được ghi rõ trong Nghị định 69, nếu đáp ứng đủ điều kiện, tuân thủ các điều kiện thì đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh “Mua bán nợ” rồi triển khai hoạt động. DN thực sự có nhu cầu mua nợ xấu, xử lý nợ xấu là điều Ngân hàng Nhà nước khuyến khích, đặc biệt khi khuôn khổ pháp lý hiện tại đã rất rõ ràng”, vị vụ trưởng trên nhấn mạnh.