Trong khi đó, luật sư được ủy quyền của một khách hàng khác là ông Đỗ Hồng Trí cho biết, ông Trí cũng đang hoàn tất các thủ tục để khởi kiện Công ty TNHH Giám định Bảo Định. Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Hoàng Sang, Đoàn Luật sư TP.HCM xoay quanh diễn biến này.
Từ trước tới nay, trong các vụ từ chối bồi thường, người tham gia bảo hiểm sẽ kiện công ty bảo hiểm và ít để ý đến nhà giám định. Ông nghĩ sao khi lần đầu tiên một người tham gia bảo hiểm khởi kiện bên giám định?
Tại lĩnh vực bảo hiểm, giám định là một thị trường nhánh vô cùng quan trọng giúp cho các hoạt động trên thị trường chính là bảo hiểm có thể vận hành trơn tru. Thị trường nhánh này gồm 2 chủ thể chính, đó là người mua dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ. Đối với bên cung cấp, hiện nay theo luật có thể là thể nhân và pháp nhân, còn người mua dịch vụ có thể là khách hàng bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên, có một thực trạng là hầu hết các khách hàng tham gia bảo hiểm đều không biết đến loại hình dịch vụ này nên thụ động trong việc bảo vệ quyền lợi của mình, giao phó công tác giám định tổn thất cho nhà bảo hiểm. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, diễn ra tình trạng công ty giám định chỉ chú trọng phục vụ các doanh nghiệp bảo hiểm.
Vậy, thực chất, ai mới là người trả phí giám định bảo hiểm cho công ty giám định?
Theo tôi, trong con mắt của nhà giám định bấy lâu, doanh nghiệp bảo hiểm mới là người mang lại doanh thu cho các công ty giám định. Do đó, các báo cáo giám định đôi khi được thực hiện để làm hài lòng nhóm doanh nghiệp này. Tuy nhiên, thực chất, khách hàng tham gia bảo hiểm mới là người trả phí giám định cho đơn vị giám định thông qua số tiền phí bảo hiểm đã đóng cho công ty bảo hiểm trước đó.
Luật sư Phạm Hoàng Sang.
Dễ nhận thấy, trong thời gian qua, khách hàng có xu hướng khởi kiện chống lại các công ty bảo hiểm và ít khi để ý đến vai trò khá quan trọng của nhà giám định trong các vụ từ chối bồi thường. Tồn tại thực trạng là hầu như không có vụ kiện nào chống lại các nhà giám định, ngoại trừ vụ việc gần đây khi một khách hàng tại TP.HCM đã khởi kiện đồng thời một doanh nghiệp bảo hiểm và công ty giám định RACO.
Theo tôi, đây là lý do khiến các nhà giám định thấy mình ở trong “vùng an toàn”, khiến họ có xu hướng thiếu thận trọng trong việc thực hiện chuyên môn của mình. Quan sát thị trường cho thấy, các sai phạm trên thị trường giám định không quá xa lạ.
Thực tế, từ các lỗi vi phạm như không ra hiện trường, không lập báo cáo hiện trường, lập biên bản khống về thành phần tham dự các cuộc họp giám định, lập báo cáo giám định không dựa trên tình hình thực tế..., khách hàng hoàn toàn có cơ sở để khởi kiện công ty giám định ra tòa. Nếu các tài liệu, chứng cứ có cơ sở, toà án có quyền buộc công ty giám định phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra đối với người tham gia bảo hiểm.
Thêm vào đó, việc các công ty giám định kết luận một vụ việc nào đó là thuộc hay không thuộc phạm vi bảo hiểm là sai. Bởi theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, việc giám định chỉ được thực hiện để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất, không được phép đưa ra kết luận từ chối bồi thường bảo hiểm. Trách nhiệm của nhà giám định là tìm ra nguyên nhân thực sự của vụ tổn thất, xác định mức độ tổn thất và trình bày ý kiến cá nhân của mình.
Vậy theo ông, cần phải làm gì để chấn chỉnh thị trường giám định bảo hiểm?
Theo tôi, thứ nhất, cần xây dựng các hướng dẫn cụ thể cho công tác giám định tổn thất tại lĩnh vực bảo hiểm, cũng như quy định rõ hơn về trách nhiệm của các nhà giám định bảo hiểm, bởi Luật Giám định tư pháp hiện nay đang quy định chung chung về vấn đề này.
Thứ hai, tuyên truyền phổ biến kiến thức giúp cho các khách hàng hiểu và sẵn sàng yêu cầu dịch vụ từ các công ty giám định.
Thứ ba, công ty bảo hiểm nên cung cấp cho khách hàng một danh sách các nhà giám định tổn thất để khách hàng lựa chọn, thay vì buộc phải chấp nhận nhà giám định được chỉ định bởi công ty bảo hiểm.